Thay vì trở thành nhân viên chính thức của một công ty nào đó, giờ đây, ngay cả khi đại dịch Covid-19 kéo dài nhiều người vẫn chọn làm việc tự do.
"Khi bị cho nghỉ việc, tôi chợt nhận ra rằng quan niệm công việc hành chính ổn định là rất sai lầm. Nhiều năm trước, tôi luôn mong ước sẽ có một ngày tôi được sống là chính mình, gạt hết đi mọi muộn phiền và chạy trốn khỏi những xô bồ, vướng bận thường ngày. Tôi nghĩ rằng bị sa thải đã giúp tôi có cơ hội được làm việc tự do mà tôi hằng mong ước. Vì thế, tôi đã có quyết định lớn nhất đời mình.
Quả thực, tôi đã đúng. Làm việc tự do không chỉ khiến tôi cảm thấy thoải mái, có khoảng thời gian sống chậm lại, nó còn giúp tôi kiếm được nhiều tiền hơn trước đây. Với nhiều nguồn thu nhập từ làm nội dung marketing, viết báo, dịch thuật hay viết blog, tôi đã kiếm được 55.027 USD chỉ trong năm 2020. Con số này tăng 76% so với thu nhập của tôi trong năm đầu tiên làm việc tự do. Trên thực tế, thu nhập của tôi trong năm 2020 chỉ cao hơn số tiền lương 55.000 USD khi tôi làm việc tại công sở chính xác là 27 USD. Dù thu nhập tăng không đáng kể, tôi cảm thấy hạnh phúc với lựa chọn của mình".
Đó là những lời tâm sự được Ines Bellina, một freelancer người Mỹ chia sẻ trên Time.com.
Vậy làm việc tự do mà Ines nhắc đến là gì?
Freelancer có thực sự nhàn?
Hẳn trong thời đại này ai cũng biết freelancer là gì hoặc ít nhất một lần nghe nói đến từ này. Freelancer là người làm việc tự do, không bị bó buộc thời gian, địa điểm và môi trường làm việc.
Freelancer làm việc tự do trên mọi góc độ. Họ thoải mái trong việc ăn mặc, cũng không bị gò bó bởi các quy định công sở. Đặc biệt, trong thời đại kỷ nguyên số, một freelancer có thể chỉ cần ngồi ở nhà và làm việc trên các thiết bị công nghệ như máy tính, điện thoại để làm việc và trao đổi các thông tin thông qua mạng xã hội.
Tuy nhiên, khác với nhiều quan điểm cho rằng freelancer là lười biếng, vô kỷ luật và nhàn rỗi thì ngày nay việc trở thành một freelancer không đồng nghĩa với việc bạn được tự do 100%. Thay vì bị rập khuôn trong giờ hành chính, freelancer phải nghe điện thoại cả ngày. Họ cần phải làm quen với một lịch trình khắt khe hơn so với công việc truyền thống, thức đêm để trao đổi với khách hàng ở nước ngoài do lệch múi giờ. Công việc này đòi hỏi mức độ kỷ luật và tính tự giác cao đối với bản thân, trái ngược với những lầm tưởng về công việc tự do là "vô kỷ luật" và "nhàn rỗi".
Freelance giờ đây trở nên khá phổ biến tại các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc… khi một bộ phận lực lượng lao động cảm thấy quá áp lực và chán nản khi cố gắng cân bằng giữa cuộc sống và công việc của họ.
Với tốc độ phát triển của nền kinh tế nền tảng (platform economy) và sự thúc đẩy của các doanh nghiệp trên toàn thế giới, nhiều công ty đã thử nghiệm áp dụng môi trường làm việc linh hoạt dưới cái bóng của Covid-19.
Sự dịch chuyển lao động ngày càng nhận thấy rõ hơn khi nền kinh tế lớn nhất thế giới đang chứng kiến cuộc "đại từ chức" trong bối cảnh đại dịch. Theo số liệu từ Cục Thống kê Lao động Mỹ, có đến 4,3 triệu lao động đã nghỉ việc trong tháng 8/2021, xác lập kỷ lục mới nhất.
Không chỉ tại Mỹ, tình trạng thôi việc đang diễn ra trên khắp thế giới dưới hình thức khác nhau, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn ra. Nhiều nhà quan sát dự đoán tình trạng này sẽ còn phổ biến hơn trong thời gian tới, khi người lao động trở nên nhạy cảm hơn với môi trường làm việc. Họ dám đứng lên phản đối việc tăng thời gian làm việc trong khi tiền lương vẫn giữ nguyên hoặc thậm chí bị cắt giảm.
Vì sao nhiều người chọn freelance?
Theo Sixth Tone, nghề tự do hoặc tự kinh doanh được xem là đại diện cho một cách làm việc tiến bộ hơn: linh hoạt, độc lập và có khả năng kiếm thu nhập cao hơn. Làm việc tự do cũng có thể là một cách để thể hiện cá tính của mỗi người.
Ngày nay, với cái tôi của người trẻ ngày càng lớn. Họ luôn muốn chứng minh rằng họ là người có bản lĩnh, cá tính, thích cảm giác tự làm chủ vì họ có nhiều kiến thức và thành thạo nhiều kĩ năng. Người trẻ, họ không muốn bản thân bị gò bó, trong công việc hành chính, thứ họ muốn là học hỏi được nhiều điều mới, thoải mái và tự do. Đó là một trong những lý do khiến cho xu hướng freelance ngày càng trở nên phổ biến.
"Mặc dù có sự đa dạng và không đồng nhất, điểm chung của họ là tất cả đều làm việc cho bản thân, không phải cho người khác", tác giả Lin An chia sẻ về cuộc phỏng vấn với 20 bạn trẻ xuất thân từ lực lượng lao động tự làm chủ ở Trung Quốc trong cuốn sách "Work, Without Working".
Trong khi các công ty lớn luôn tận dụng điểm mạnh của sự ổn định và phúc lợi để thu hút nhân tài thì giờ làm việc khắc nghiệt, văn phòng với bốn bức tường toàn kính hay văn hóa công sở đã làm giảm sức hút của họ đối với giới trẻ.
"Tôi bắt đầu công việc freelance khi nhận ra mình không học thêm được gì tại môi trường cũ. Hơn nữa, làm việc miệt mài từ sáng đến đêm khiến tôi cảm thấy mình không được thở.
Công việc tự do đem lại cho tôi quỹ thời gian rất lớn. Sau giờ làm, tôi có rất nhiều thời gian dành cho bản thân và gia đình. Mọi người bảo rằng làm freelance không đem lại thu nhập ổn định, điều đó quả thật rất đúng, nhưng đến thời điểm hiện tại, tôi hoàn toàn hài lòng khi được làm chủ thời gian của mình", Ines chia sẻ.
Làm freelance có dễ thành công?
Vincent Pugliese - tác giả người Mỹ của cuốn sách "Freelance to freedom" (tạm dịch: Làm việc tự do cho đời tự tại) từng khởi đầu là phóng viên ảnh của một tờ báo địa phương.
Đầu những năm 2000, anh và vợ Elizabeth kết hôn trong khi tình hình tài chính không mấy khả quan. Họ phải sống chung với khoản nợ lên đến 700.000 USD, trong khi thu nhập trung bình của cả hai người mỗi năm chỉ khoảng 60.000 USD. Số nợ này đến từ những khoản vay từ thời sinh viên của Vincent, cùng với số tiền mà cặp đôi phải trả khi mua xe và tiền thuê dài hạn. Là một cặp đôi mới cưới, vợ chồng Vincent muốn cuộc sống đầy đủ tiện nghi nên họ quyết định vay một khoản tiền để sắm nội thất. Số nợ ngày càng lớn dần thêm theo thời gian.
Chỉ khoảng hơn một năm sau, khi cả hai đón con đầu lòng, mọi áp lực kinh tế đè nặng lên vai Vincent. Lúc này, gia đình nhỏ sống chỉ dựa vào thu nhập từ tòa soạn.
Đúng lúc đó, Vincent nhận được lời mời chụp hình cho một đám cưới, vì nhiếp ảnh gia dự kiến thuê gặp sự cố vào phút chót. Kể từ đó, Vincent nhận thấy cơ hội của đời mình. Ngoài việc tác nghiệp cho tòa soạn, anh đã thử làm nhiếp ảnh gia chuyên chụp hình cho các đám cưới.
Được sự ủng hộ từ những khách hàng đầu tiên, Vincent biết mình đã đi đúng hướng. Anh và vợ cùng quyết định đầu tư studio chụp hình cưới chuyên nghiệp. Ngoài ra, anh còn nhận chụp hình cho các sự kiện thể thao và cộng tác với nhiều tờ báo khác. Thu nhập từ freelance đã giúp cho Vincent đủ trang trải các khoản nợ, chi tiêu sinh hoạt hàng ngày và thậm chí đã giúp vợ chồng anh để dành được một khoản tiết kiệm khá lớn.
Khác với Vincent, Emilina Lomas thành công rất sớm ở tuổi 27 nhờ freelance.
"Vào năm 2017, tôi xin nghỉ làm chuyên viên tư vấn cho một công ty tài chính với mức thu nhập hàng năm lên tới 40.000 USD. Ở tuổi 23 khi vừa tốt nghiệp đại học, tôi không hề chuẩn bị một phương án dự phòng nào cả. Tôi chỉ quyết định xin nghỉ vì cảm thấy làm việc tại công sở không phù hợp và tôi cần thay đổi.
May mắn tôi đã dành dụm được đủ tiền trong khi xác định xem công việc mình đam mê là gì. Cuối cùng, tôi quyết định học văn bằng về dinh dưỡng và trở thành một huấn luyện viên thể hình. Một năm sau đó, tôi nhận thấy những influencer (những người có tầm ảnh hưởng) về thể hình đang là xu hướng trên mạng xã hội Instagram. Tôi cảm thấy hứng thú với công việc này nên đã lập một tài khoản Instagram và đăng các hình ảnh, bài viết liên quan đến chế độ dinh dưỡng và các bài tập.
Chỉ sau 6 tháng, số lượng người theo dõi tôi cán mốc 10.000 người. Dần dần, tôi hợp tác cùng với các phòng tập gym để quảng cáo và nhận được 25 USD cho mỗi bài đăng. Cuối cùng, tôi quyết định quảng cáo cho chính những dịch vụ của mình và bắt đầu viết blog về sức khỏe trên nền tảng Fiverr.
Đến cuối năm 2019, 3 năm kể từ khi tôi quyết định thôi việc, tôi kiếm được hơn 10.000 USD mỗi tháng.
Quyết định thôi việc để trở thành một nhà văn tự do là một trong những việc làm đúng đắn nhất của tôi từ trước đến nay. Nó đã giúp tôi định nghĩa lại thành công là gì và cho phép tôi sống một cuộc sống tự do, tự tại với đam mê mà tôi luôn mơ ước".
Tự do nhưng liệu có ổn định?
Trong cuốn sách "Work, Without Working", một cô gái sống ở thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) nói rằng cô tự hào khi trở thành một nhiếp ảnh gia độc lập. "Điều đó thể hiện rằng tôi khác với những người làm việc cho công ty nhiếp ảnh", cô nói.
Trái lại, Miranda Wang lại chia sẻ với South China Morning Post một cách nhìn khác về làm việc tự do. Cô chia sẻ mình từng làm thợ quay phim chụp ảnh tự do trong 2 năm rưỡi trước khi làm việc toàn thời gian tại một hãng sản xuất phim ảnh tại Thượng Hải. Wang kể rằng cô từng rất đam mê công việc tự do của mình nhưng việc thu nhập không ổn định cùng nhiều yếu tố khác đã đẩy cô trở lại với thực tại.
"Thỉnh thoảng khách hàng chậm lịch trả lương, có khi là 6 tháng có lúc đến 1 năm", Wang tâm sự. "Tôi cũng không có bảo hiểm xã hội khi làm việc tự do. Vì không muốn ảnh hưởng đến chế độ lương hưu, tôi buộc phải quay trở lại với công việc văn phòng".
"Lý do thứ ba đó là thời gian làm việc của tôi quá khác biệt so với bạn bè. Tôi cảm thấy chán nản khi bạn bè tôi đến công ty làm việc hay bị kiệt sức với lượng công việc lớn nhưng không có đồng nghiệp san sẻ. Theo thời gian, tôi cảm thấy sức khỏe tinh thần của mình dần suy kiệt", Wang nói.
Mặc dù freelance là hợp pháp, những người chọn theo đuổi công việc này vẫn phải đối mặt với những câu hỏi hóc búa về tương lai của họ, đặc biệt là các bạn trẻ từ vùng kinh tế khó khăn hoặc gia đình có truyền thống nghề nghiệp.
Donglai, một freelancer làm trong lĩnh vực văn học và văn hóa, đã rất vất vả để giải thích cho gia đình hiểu được công việc của mình mặc dù cô có thu nhập khá cao. Một phần nguyên nhân của vấn đề này đến từ khoảng cách thế hệ.
Cha mẹ cô trưởng thành trong thời kỳ xã hội chủ nghĩa, mọi công việc khi đó đều được nhà nước chỉ đạo, nhu yếu phẩm được chu cấp và các phúc lợi xã hội được đảm bảo. Đối với họ, thật khó để hình dung lối sống của một freelancer, xử lý công việc tại nhà chứ không phải các cơ quan hay văn phòng. Những lời chỉ trích của thế hệ đi trước cũng như phần lớn các bài diễn văn xoay quanh freelancer ở Trung Quốc đều dựa trên định kiến cho rằng con đường sự nghiệp của họ là không ổn định và kém an toàn.
Nếu còn nợ, đừng vội nghĩ tới tự do
Do tính chất công việc của một số ngành nghề nhất định, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, làm việc tự do dễ dàng hơn trước và được nhiều người ưa chuộng.
Thế nhưng, làm việc tự do có thoải mái như nhiều người vẫn nghĩ? Tác giả người Mỹ Vincent Pugliese đã chia sẻ những lời khuyên hữu ích xung quanh vấn đề này sau khi đúc kết từ những kinh nghiệm của bản thân.
Lời khuyên đầu tiên mà Vincent muốn gửi gắm không phải là nâng cao kỹ năng hay tìm kiếm đam mê. Đó là một chia sẻ hết sức thực tế, nếu bạn còn phải trả nợ hoặc nền tảng tài chính chưa dư dả, đừng vội nghĩ đến làm việc tự do. Khi ấy, ngoài những chi phí để trang trải cho cuộc sống hàng ngày, các bạn còn phải đau đầu khi cần một khoản tiền cố định hàng tháng để trả nợ.
Không những vậy, nếu muốn sống thoải mái khi làm việc tự do, đừng dễ dàng "kết thân" với những khoản nợ, đặc biệt là những khoản vay tín dụng, hay vay trả góp dành cho việc mua sắm quá độ. Điều bạn cần làm là loại bỏ chiếc xe đời mới và những món đồ gia dụng hiện đại ra khỏi danh sách "những thứ bạn phải có" của mình. Hãy nói "không" với mọi khoản nợ.
Dù làm việc cố định cho một công ty, hay làm việc tự do, chúng ta luôn phải tìm cách phát triển và hoàn thiện các kỹ năng của mình để nâng cao thu nhập. Ít nhất, nguồn thu nhập từ những công việc tự do phải lớn hơn số tiền mà bạn cần dùng để chi trả cho cuộc sống hàng ngày. Chỉ khi bạn làm được những điều trên, bạn mới có thể sống một cách tự tại.
Ngoài ra, để sống thoải mái khi làm các công việc tự do, bạn cần phải học cách cân bằng tài chính. Hãy đầu tư để có những khoản thu nhập thụ động. Nếu có từ hai nguồn thu trở lên cuộc sống và tương lai của bạn sẽ được đảm bảo hơn. Cuối cùng, bạn phải dành riêng một khoản tiền tiết kiệm để phòng các trường hợp phát sinh bất ngờ.
(Theo Dân trí)
Mặt trái của các streamer
“Streamer” vài năm trở lại đây là một từ khóa rất “hot”, thu hút nhiều sự chú ý của các bạn trẻ. Các streamer không chỉ vô tình trở thành thần tượng mà còn hái ra tiền.