Nhạc sĩ Trọng Đài từng phổ nhạc 11 bài thơ của nhà thơ Trần Ninh Hồ và được ca sĩ Mai Hoa và Trọng Tấn thể hiện.


Trần Ninh Hồ tên thật là Trần Hữu Hỷ sinh năm 1943 tại Bắc Giang. Bút danh của ông được ghép của hai làng Mật Ninh quê mẹ và Sen Hồ quê cha. Ông từng làm lính văn nghệ ở Chiến trường B2 thời kỳ trước năm 1975 trong vai trò phóng viên mặt trận của tờ Văn nghệ Quân giải phóng.

Từ năm 1977- 1996, nhà thơ Trần Ninh Hồ là Trưởng Ban Văn xuôi, Trưởng ban Thơ, Trưởng Ban phóng viên qua 7 đời Tổng Biên tập, ở Báo Văn nghệ thuộc Hội Nhà văn Việt Nam.

{keywords}
Nhà thơ Trần Ninh Hồ.


Lâu nay bạn đọc biết đến Trần Ninh Hồ nhiều hơn với tư cách của một nhà thơ. Với những tập thơ ra đều đặn cho thấy thái độ làm việc nghiêm túc và chuyên nghiệp của ông. Đọc thơ Trần Ninh Hồ thấy rõ sự sâu sắc, trải nghiệm được thể hiện dưới một hình thức vô cùng giản dị.

Tuyên ngôn về thơ của Trần Ninh Hồ khá độc đáo: "Thơ là điện tâm đồ được vẽ bằng chữ, có nhạc nổi, nhạc chìm. Thơ quan trọng đến nỗi, trong lịch sử sáng tạo văn học nghệ thuật, nó đồng nghĩa với cái đẹp, với tất cả niềm khát khao hoàn mỹ của một trung tâm tỏa sáng".

Với thơ, Trần Ninh Hồ từng đã cho xuất bản gần chục tập thơ. Trong đó, tập "Thấp thoáng trăm năm" được Hội Nhà văn Việt Nam trao tặng thưởng năm 1996. Điều đặc biệt là có nhiều bài thơ của ông từng được các nhạc sĩ phổ nhạc. Nhạc sĩ Trọng Đài từng phổ 11 bài thơ của ông và tác phẩm do ca sĩ Mai Hoa và Trọng Tấn thể hiện.

Ca khúc "Áo vàng em mặc"
(nhạc và thơ: Phú Ân - Trần Ninh Hồ) do cố NSND Lê Dung thể hiện

Ca khúc "Tôi trở về cửa mở"
(thơ: Trần Ninh Hồ, nhạc Trọng Đài) do ca sĩ Trọng Tấn hát

Ca khúc "Bao giờ cho tới sớm mai"
(nhạc Trọng Đài, Thơ: Trần Ninh Hồ) do ca sĩ Mai Hoa thể hiện

Trước trào lưu thơ tân hình thức, hậu hiện đại, Trần Ninh Hồ có cái nhìn khá thông thoáng. Ông nói: "Tôi yêu sự tìm tòi mới mẻ, trẻ trung nơi những người trẻ. Phẩm chất đáng yêu này sẽ đem đến cho độc giả và những thế hệ cầm bút trước nhiều cách cảm, cách nghĩ khác. Các bạn trẻ gợi đến sự "đổi mới hay là chết" và khát vọng đổi mới thật đáng khích lệ''.

Trước khi đến với thơ, Trần Ninh Hồ đã nhận giải nhì Cuộc thi Truyện ngắn Báo Văn nghệ 1970 - 1971; giải thưởng truyện ngắn hay Tạp chí Văn nghệ Quân đội 1973, 1975; giải thưởng truyện ngắn hay 10 năm Báo Văn nghệ giải phóng. Với truyện ngắn viết cho thiếu nhi ông vẫn là sự giản dị và tính triết lý nhưng ta lại bắt gặp ở đó một Ninh Hồ hóm hỉnh, vui tươi.

Anh Phương