Đã nhiều năm nghệ sĩ Quốc Tuấn xa rời màn ảnh nhỏ. Anh tất bật với những công việc phía sau ống kính, với hành trình trưởng thành nhiều vất vả của cậu con trai duy nhất mang tên Bôm (Nguyễn Anh Tuấn).
Thế nhưng, trong ký ức của nhiều thế hệ khán giả, nam diễn viên sinh năm 1961 vẫn luôn ở đó, có một vị trí đặc biệt và khó thay thế.
"Khi đóng cảnh tình cảm với Lan Hương, tôi cũng phải dò ý anh Tất Bình"
Những năm 1990, anh nổi tiếng với một loạt vai diễn trong các bộ phim như: "Những người sống bên tôi", "12A và 4H", "Người thổi tù và hàng tổng". Đó chắc hẳn là những vai diễn để đời, sau nhiều năm anh lận đận tại sân khấu kịch?
- Tôi cũng không biết thế nào là vai diễn để đời, chỉ biết rằng, những nhân vật kể trên đánh dấu một giai đoạn mới - giai đoạn mình bắt đầu có dấu ấn trong lòng khán giả.
May mắn của tôi là phim có kịch bản tốt, câu chuyện hay. Vả lại, thời điểm đó, chúng tôi chưa có điều kiện để làm phim nhiều. Mỗi tác phẩm có cơ hội được sản xuất, cả đoàn đều vô cùng tâm huyết và không bị chi phối bởi thứ gì cả.
Nhiều người nhận định: Nhân vật Thi trong "Những người sống bên tôi" khi ấy dường như được đo ni đóng giày cho Quốc Tuấn. Không biết cơ duyên nào đã đưa anh đến với vai diễn này?
- Trước khi tham gia Những người sống bên tôi, tôi có làm phim đầu tiên với anh Tất Bình - Cuốn sổ ghi đời. Sau tác phẩm đó, anh Bình chắc cũng ưng nên lại gọi tôi đi "chiến đấu tiếp" (cười).
Những người sống bên tôi sản xuất năm 1995, là tác phẩm đầu tiên của truyền hình Việt Nam dài tới 5 tập, mỗi tập kéo dài 60 phút, những phim khác cùng lắm chỉ dài 2 - 3 tập.
Sau khi ra mắt, sự thành công của bộ phim khiến tôi cũng bất ngờ. Mọi người yêu nhân vật Thi quá, yêu lây sang cả tôi. Thậm chí, khán giả nghĩ ngoài đời tôi cũng như Thi.
Thật ra, tôi đâu được như vậy. Ở ngoài, tôi cũng lúc này, lúc khác và có khi "xấu tính" lắm (cười).
Quốc Tuấn trong vai thầy giáo Thi phim "Những người sống bên tôi" (trái) và thầy giáo Minh trong phim "12A và 4H" (Ảnh: Tư liệu).
Đóng cặp với anh trong phim khi ấy là NSND Lan Hương, cũng là vợ đạo diễn Tất Bình. Ở những phân cảnh tình cảm, không biết anh có phần nào e ngại?
- Tất nhiên là ngại chứ, dù với tôi, anh Bình là người anh cả về tuổi đời cũng như tuổi nghề. Tôi biết anh chuyên nghiệp nhưng vẫn phải né đi những cảnh thân mật, hay dò ý anh trước.
Hoặc có chuyện như thế này, ngày xưa thường khi quay cảnh cuối xong, diễn viên chúng tôi có thể rủ nhau đi ăn, đi cà phê gì đó để chúc mừng, cảm ơn nhau về thời gian tham gia phim. Riêng với Lan Hương thì tôi tuyệt đối không làm điều đó.
Tôi vẫn nhớ, có những phân cảnh, thấy chúng tôi diễn có phần gượng gạo, anh Tất Bình bảo: "Đấy, tập đi, tao đi ra chỗ khác cho hai đứa thoải mái".
Bên cạnh Lan Hương, anh cũng đóng với những người đẹp khác trên màn ảnh như: Nguyệt Hằng, Khánh Huyền. Bạn diễn nào anh thấy mình hợp nhất?
- Rất khó nói, bởi mỗi bạn diễn có một màu sắc khác nhau và chúng tôi phối hợp ăn ý trong từng tác phẩm cụ thể. Để những bộ phim thành công như vậy, nguyên tắc đầu tiên là hai diễn viên đóng cặp phải ăn khớp, hiểu ý nhau và nâng đỡ nhau trong diễn xuất.
Với tôi, có lẽ Khánh Huyền để lại nhiều ấn tượng. Bạn ấy là người mang phong cách thành thị, cũng bởi vậy, khi được mời đóng một vai nông thôn, Huyền rất hoang mang và bối rối.
Tôi bảo Khánh Huyền: "Đạo diễn đã nói thế thì em cứ đóng đi, cơ hội đóng phim có nhiều đâu. Thêm nữa, người diễn viên không nên đóng đinh vào một nhân vật, em đang có cơ hội làm một vai khác hẳn những gì em đã làm". Sau đó, Khánh Huyền nhận lời, dặn tôi hỗ trợ cô ấy khi có thể.
Khánh Huyền gốc là ca sĩ chứ không phải diễn viên, tôi khuyên cô ấy việc đầu tiên là phải thả lỏng ra, thoại kịch bản một cách tự do chứ đừng gò bó quá. Sau 1 - 2 ngày đầu làm quen, cùng với việc đoàn phim thân tình, tạo không khí thoải mái, Khánh Huyền đã nhập vai rất trọn vẹn.
Cát-xê đôi khi không đủ mua quần áo để đóng phim
Đóng cặp với toàn những mỹ nhân hàng đầu, có khi nào anh bị "say nắng" bạn diễn?
- Không có đâu, tôi đóng cặp với nhiều diễn viên xinh đẹp, ngoài Khánh Huyền, Lan Hương còn có chị Lan Hương (NSND Lan Hương "Bông" - PV), chị Như Quỳnh (NSND Như Quỳnh - PV). Vấn đề là họ đều có nơi có chốn rồi, mình lại chơi với chồng và người yêu của họ.
Cũng bởi vậy, tôi và bạn diễn chỉ coi nhau như anh em, bạn bè trong công việc, cả hai thoải mái chứ không gượng ép gì.
Vậy còn về phía anh, anh có khi nào bị bạn gái ghen?
- Không ai ghen, vì bạn gái tôi đều hiểu đó là nghề nghiệp. Thế nhưng, ở phía ngược lại, cũng có diễn viên nữ đóng cặp với tôi bị bạn trai ghen.
Cách giải quyết của đạo diễn là anh mời cả bạn trai đến xem chúng tôi diễn luôn. Từ đó, anh bạn trai kia nhận ra bao nhiêu người trong đoàn phim đứng xung quanh, làm việc vô cùng vất vả. Lên phim thì thế còn lúc chúng tôi quay không phải thế, chẳng có gì để ghen tuông cả, mọi thứ đều rõ ràng và có đông người chứng kiến.
Tôi tò mò một chút, mức cát-sê khi đó anh nhận được cho mỗi bộ phim có giúp anh sống dư giả?
- Ngày đó, cát-sê không như bây giờ, gọi đúng từ là "vắt mũi đút miệng". Có bạn đóng cùng tôi, chưa hết phim đã phải ứng hết tiền. Lúc đó anh em làm vì đam mê, vì công việc chứ thực sự không phải vì tiền, bởi nếu làm vì tiền thì tủi thân lắm.
Thời điểm đó, dòng phim thị trường ở phía Nam phát triển, cát-xê các nghệ sĩ trong đó cao ngất ngưởng. Ngoài này, gọi đúng ra chúng tôi chỉ nhận lương thôi, ước lượng chắc được 1 triệu đồng/ 1 phim. Đôi khi cát-xê không đủ cho diễn viên mua quần áo để đóng phim, vì cứ 3 phim là phải đổi quần áo rồi.
Thu nhập không nhiều, công việc lại vất vả, thời điểm đó, có lúc nào anh nghĩ mình... bỏ quách đi?
- Không hề! Lý do có lẽ cũng bởi tôi có tính hiếu thắng. Tôi luôn cho rằng, làm nghệ sĩ rất cần sự hiếu thắng, mà đúng hơn là làm nghề gì cũng vậy. Đừng nghĩ hiếu thắng là làm mọi thứ để đạt được mục đích, hiếu thắng ở đây là sự nỗ lực hết khả năng để theo đuổi đam mê của mình.
Khi ngồi chấm thi ở trường Sân khấu - Điện ảnh, có lần, tôi nói với các bạn trẻ: "Việc đầu tiên khi vào đây là các bạn phải hiếu thắng. Nếu cứ xác định tôi dĩ hòa vĩ quý, tôi muốn sống một cuộc đời bình bình thì muôn đời các bạn chỉ đóng vai quần chúng. Sống nhạt nhòa như thế để làm gì? An phận trong nghệ thuật là vứt đi rồi, mà không những thế, anh còn làm hại cho nền nghệ thuật".
"Tôi chỉ muốn gánh hết đau đớn cho con"
Sau những thăng trầm của cuộc sống, đã khi nào anh nghĩ, vai diễn đang vận vào đời mình?
- Điều này có thể đúng với tôi, nhưng với nhiều bạn diễn viên khác thì đâu có chuẩn.
Có những người vẻ ngoài rất ngầu, đóng vai du côn nhưng họ không phải người xấu, tính cách cũng hiền lành. Khi chọn vai, người đạo diễn nhìn nhận vào trình độ diễn xuất và khả năng truyền tải, biến chuyển tâm lý trong tình huống phim, vẻ bề ngoài chỉ là một phần thôi.
Những vai diễn của anh được lưu giữ trong ký ức của rất nhiều thế hệ khán giả, thế nhưng, ngoài đời, hành trình của anh và Bôm còn lay động công chúng nhiều hơn thế. Sau khi đã vượt qua nhiều chông gai cùng con, có bao giờ anh nghĩ giá như cuộc sống của mình may mắn hơn, Bôm khỏe mạnh hơn, con đường nghệ thuật của mình có thể đã khác?
- Có chứ, đó là cái ai cũng nhìn thấy bởi trong nhiều giai đoạn, thời gian tôi dành cho Bôm là tuyệt đối, cả về tinh thần, sức lực và tiền bạc. Công việc của tôi cũng bị chậm đi, mất nhiều cơ hội.
Thế nhưng, cái được thì nhiều lắm. Đầu tiên là con mình, đó là thứ không gì thay thế được. Bên cạnh đó, tôi biết mình được mọi người yêu quý thế nào, đầu tiên là qua các tác phẩm của mình, sau đó là những chia sẻ được đón nhận và đồng cảm. Tình cảm ấy động viên tôi rất lớn để tiếp tục hành trình phía trước.
Khi đưa câu chuyện của Bôm lên sau gần 20 năm chiến đấu thầm lặng, tôi không định làm gì cả, chỉ đơn giản muốn chia sẻ kinh nghiệm với mọi người. Nhiều năm đồng hành cùng con, tôi biết bệnh của Bôm rất đặc biệt, có nhiều người còn không biết nó là gì, cũng vì thế loay hoay trong việc chăm sóc con. Sau đó, tôi không ngờ là hiệu ứng lan tỏa lại lớn tới vậy.
Được và mất - mình nói chuyện với nhau thì đơn giản thế thôi, chứ nhiều khi cũng khó để phân định rành rọt.
Đây là số phận rồi, nhìn lại có thời điểm tôi cũng tuyệt vọng và đau khổ tột cùng. Thế nhưng, ánh sáng cuối đường hầm vẫn hiện ra. Đó là khi bệnh của Bôm được cải thiện, tiến triển với sự giúp đỡ tận lực của nhiều bạn bè, bác sĩ.
Trong quá trình đó, chắc hẳn đã nhiều lần anh phải nuốt nước mắt vào trong?
- Có chứ, rất nhiều. Tôi vẫn nhớ ngày mẹ Bôm mổ đẻ. Thường khi sinh con xong, các cháu sẽ về nằm với mẹ. Bôm còn yếu, tôi không dám nói cho mẹ Bôm vội, chỉ bảo con đang nằm lồng kính. Đến 5,7 ngày sau, tôi mới dần kể chuyện để cô ấy chuẩn bị tinh thần.
Khoảnh khắc ấy, tôi đau đớn lắm. Thế nhưng, tôi không thể chia sẻ với mẹ Bôm, còn phải giấu đi để cô ấy không bị sốc. Lẽ ra, trong sự đau khổ, vợ chồng có thể chia sẻ với nhau, vỗ về nhau, thế nhưng lúc đó, tôi phải cười thật tươi, phải "bốc phét" là ông khóc tướng lên rồi cầm chân là đạp, rồi sau đó mới bảo là con yếu…
Những năm tháng qua, Bôm cũng truyền động lực cho tôi rất nhiều. Có những lần phẫu thuật xong, mặt sưng vù, máu me be bét, con hơi hé mắt nhìn tôi nhưng vẫn an ủi bố: "Con không sao cả, ca mổ tốt lắm". Tôi nhìn con, xót xa lắm, chỉ muốn gánh hết tất cả những đau đớn cho con.
Bôm giờ vẫn còn phải chữa nhiều, thực hiện nhiều ca phẫu thuật nữa. Con cũng chờ đợi thẩm mỹ lại cho đẹp trai để còn lấy vợ (cười).
Trong cách nuôi dạy Bôm, anh là người cha như thế nào?
- Bất kỳ ai cũng có điểm tốt, xấu, tôi cũng vậy thôi. Thế nhưng, từ khi có Bôm, tôi ngay ngắn hơn, không có điều kiện để bộc lộ. Cuộc sống tôi cứ cuốn theo Bôm, đến nay đã là 22 năm rồi, từ ngày con chào đời.
Tôi chân thành và có trách nhiệm nên cũng truyền cho Bôm cái đó, dù cuộc sống có thế nào thì mình vẫn cố gắng tử tế. Chỉ có như vậy, con mới hòa nhập với xã hội, mới được mọi người yêu thương, đó vẫn là thứ quan trọng nhất.
Thứ 2 là tôi luôn dạy con phải tự tin vào bản thân mình, cố gắng làm những gì mình mơ ước. Bôm yêu âm nhạc thì phải làm đến cùng, phải lao động và tập trung vào âm nhạc. Tôi nói với con, bất cứ ngành nghề nào cũng khó khăn, làm nghệ thuật càng khó khăn gấp bội. Lười biếng, không tự tin thì chẳng bao giờ thành công cả.
Thời gian tới, anh có dự định gì trong việc đồng hành cùng Bôm?
- Lẽ ra Bôm chuẩn bị phẫu thuật thẩm mỹ hai bên mặt, tuy nhiên, ca phẫu thuật khá phức tạp nên chưa thể thực hiện. Sắp tới, khi đoàn bác sĩ từ Anh tới Bệnh viện Việt Đức, con sẽ ưu tiên làm răng trước để ăn uống bình thường. Trước đó, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, bác sĩ không sang được, Bôm bị làm trễ mất 4,5 năm nên con chỉ có thể ăn cháo.
Sau khi chia sẻ câu chuyện của mình, tôi may mắn được các bác sĩ giỏi tư vấn. Tôi biết ơn vì ai cũng muốn giúp gia đình tôi, mong những điều tốt lành tới cho Bôm.
Cảm ơn anh vì những chia sẻ!
Ảnh: Toàn Vũ
(Theo Dân Trí)