Thuốc, thực phẩm chức năng bị thổi phồng công dụng: Khi các nghệ sĩ là "gương mặt vàng trong làng quảng cáo"
Từ trước đến nay, mỗi khi nói đến chuyện chỉ định liều dùng, kê đơn, bốc thuốc cho bất cứ ai, chúng ta thường nghĩ ngay đến bác sĩ, lương y, những người làm nghề thầy thuốc nói chung. Thế nhưng, trong thời đại 4.0 hiện nay, nghệ sĩ quảng cáo thuốc, sản phẩm chăm sóc sức khỏe bỗng xuất hiện nhiều như một hiện tượng, người nghệ sĩ như một chuyên gia tư vấn thuốc thực thụ.
Hình ảnh một nghệ sĩ nào đó xuất hiện trên truyền hình, MXH quảng cáo cho một loại thực phẩm chức năng hay thuốc đã không còn xa lạ với công chúng.
Ví như một MC đăng tải một video lên trang cá nhân với nội dung nói về nhiều công dụng của sản phẩm S như hỗ trợ điều trị tận gốc các tế bào ung thư; giúp tập trung điều trị vết loét, khỏe cho dạ dày và điều trị tốt gấp hơn 70 lần so với curcumin bình thường. Không chỉ tốt cho dạ dày mà "Mình uống sản phẩm curcumin này hướng đến hỗ trợ điều trị tận gốc các tế bào ung thư luôn".
Trong khi đó, giấy xác nhận quảng cáo được Cục An toàn Thực phẩm cấp, thực phẩm bảo vệ sức khỏe S chỉ có công dụng hỗ trợ chống oxy hóa, hỗ trợ phòng ngừa bệnh tật, hỗ trợ giảm các triệu chứng của viêm loét dạ dày, tá tràng, hỗ trợ nhanh liền sẹo, làm đẹp da, tốt cho phụ nữ sau sinh.
Hay một nghệ sĩ quảng cáo một sản phẩm thảo dược giúp mình điều trị bệnh gút, coi sản phẩm là "thần dược".
Nghệ sĩ này nói chắc như đinh đóng cột: "Khỏi là khỏi chứ không phải bị bệnh lại như thuốc tây. Uống viên sủi này thoải mái lắm, vì 100% từ thảo dược mà, không tác dụng phụ, không ảnh hưởng đến dạ dày. Đặc biệt, mùi vị rất thơm, rất dễ uống. Tôi uống một lộ trình thì thấy bệnh thuyên giảm hẳn đi. Bây giờ uống rượu, uống bia thoải mái. Đi diễn mệt nghỉ không vấn đề gì, chân tay ngon lành rồi". Và rồi vô số quý ông sẽ reo hò tấm tắc, cuối cùng cũng tìm ra phương thuốc để chè chén, nhậu nhẹt thỏa sức mà không lo bị bệnh...
Đó là một nghệ sĩ quảng cáo một loại viên sủi giúp "đánh bay u xơ, u nang, làm khối u trong cơ thể họ nhỏ đi, bệnh tình thuyên giảm mà không cần phẫu thuật". Thực tế thì, sản phẩm này chỉ là thực phẩm bảo vệ sức khỏe thông thường, chứ không phải là thuốc có thể chữa bệnh, đến mức thần thánh như nghệ sĩ này đưa ra thì càng không bao giờ xảy ra.
Mới đây, diễn viên Diệu Nhi cũng đã công khai xin lỗi khán giả khi đăng bài quảng cáo công dụng quá đà của một loại thực phẩm chức năng giảm cân Thái Lan. Điều đáng nói là sản phẩm này được cho là chứa chất cấm gây hại sức khỏe.
Hay hiện tại một nghệ sĩ quảng cáo thuốc giảm cân dạng viên sủi có chức năng đánh bay mỡ thừa thần kỳ với lời câu kéo không thể chê vào đâu được "viên sủi lạ đánh tạ mỡ thừa", chỉ 2 tuần giảm liền 2kg, dùng đều đặn 2 tháng sau giảm liền 5kg nữa để sở hữu body thon gọn, khỏe khoắn ở tuổi U70. Và một độc giả là chị N.T (Q. Hai Bà Trưng - HN) cho rằng bản thân mình vì tin theo một loạt các nghệ sĩ đang quảng cáo cho sản phẩm giảm cân này nên mua theo.
Tuy nhiên khi tìm hiểu về sản phẩm này thì đây chỉ là sản phẩm thực phẩm hỗ trợ giảm béo chứ không hề có công dụng như "thần dược" mà đội ngũ các nghệ sĩ đang quảng cáo "thổi phồng": "không ăn kiêng, không tập luyện vẫn có dáng đẹp"; "3 tháng ăn kiêng không bằng 1 tuần sử dụng"; "bay vèo vèo 8-15kg mỡ thừa"... cho sản phẩm thực phẩm chức năng này.
Hay như câu chuyện của một nghệ sĩ gạo cội chia sẻ với truyền thông về vấn nạn nghệ sĩ bất chấp để quảng cáo. Bà cho biết rằng khi nghe một người cùng nghề quảng cáo thuốc trị tiểu đường trên trang cá nhân, bạn của nghệ sĩ cũng bị bệnh nên bà đã gọi điện hỏi xem hiệu quả ra sao để sử dụng thì đáp lại là lời nói tỉnh queo: "Em quảng cáo thôi chứ em đâu có bệnh, đâu có dùng thuốc gì mà biết".
Chưa bao giờ thị trường thuốc và thực phẩm chức năng lại được các nghệ sĩ "thay" các chuyên gia y tế, các nhà khoa học thổi phồng công dụng và quảng cáo bát nháo như lúc này với những lời nói quá đỗi vô trách nhiệm.
Trên đây chỉ là một vài trường hợp nghệ sĩ quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng sai sự thật, thổi phồng công dụng mà người dân nghe nói rất nhiều trong thời gian qua. Hiện tượng này gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh một bộ phận nghệ sĩ đang đi quá giới hạn cho phép của mình.
Vốn dĩ nghệ sĩ là đối tượng có sức ảnh hưởng lớn đến công chúng. Cũng vì thế khi họ tham gia quảng cáo sẽ có tác động rất lớn đến quyết định mua sản phẩm. Đã có không ít nghệ sĩ đã trở thành gương mặt thương hiệu quảng cáo quần áo này, mỹ phẩm kia cho nhiều nhãn hàng mà nói không đúng về chất lượng, nguồn gốc… từ giai đoạn này đến giai đoạn khác.
Và khi họ lên tiếng xin lỗi thì công chúng cũng "ngã ngửa" vì lượng tiêu thụ sản phẩm kia ở con số nào!? Sử dụng thuốc, thực phẩm chức năng vì tin theo lời nghệ sĩ quảng cáo, hậu quả để lại không chỉ là mất tiền, sản phẩm không hiệu quả mà còn gây hệ lụy sức khỏe cho chính người dân tin dùng.
Mua dùng thuốc, thực phẩm chức năng chỉ vì tin theo nghệ sĩ quảng cáo: Nghệ sĩ tiếp tay cho dối gian, người dân đang tự hại chính mình!
PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết mặc dù cơ quan chức năng đã ráo riết vào cuộc nhưng những quảng cáo "nổ", quảng cáo sai sự thật, gian dối, dùng từ lừa dối người tiêu dùng về công dụng của thực phẩm chức năng thực phẩm bảo vệ sức khoẻ vẫn tràn lan trên mạng xã hội, youtube...
Chuyên gia lên tiếng mạnh mẽ: "Tôi khẳng định tất cả những quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ khẳng định là "giải pháp hoàn hảo", "chữa khỏi", "vĩnh biệt căn bệnh", "điều trị tận gốc bệnh"... đều là lừa dối người tiêu dùng. Cục An toàn thực phẩm không bao giờ cấp phép cho những quảng cáo "vĩnh viễn chữa khỏi" hay có những cụm từ như trên trong giấy phép quảng cáo".
Theo cựu đại tá, lương y đa khoa Bùi Hồng Minh (Phó Chủ tịch Hội Đông y, Ba Đình), người nổi tiếng quảng cáo thuốc chữa bệnh dù là ai đi chăng nữa nếu không được chứng nhận là bác sĩ, thầy thuốc, không được cấp chứng chỉ hành nghề thì không thể đảm bảo chữa bệnh chuẩn y khoa cũng như đưa ra những lời khuyên dùng thuốc này thuốc kia chữa bệnh này bệnh kia sẽ khỏi.
"Chúng ta không nên dùng cái danh là người nổi tiếng đi quảng cáo thuốc. Người nổi tiếng cũng giống như những người dân bình thường, không có bằng cấp, không có chứng nhận đủ khả năng khám chữa bệnh và tự kê đơn cho chính mình. Do đó, người dân cũng cần tỉnh táo, đừng vì họ là người nổi tiếng khuyên dùng thuốc này thuốc kia mà người dân cũng tin luôn", chuyên gia nói.
Chỉ cần nghĩ đơn giản như vậy thôi, bạn sẽ thấy tai hại nhường nào khi mua thuốc cũng như các sản phẩm chăm sóc sức khỏe để sử dụng theo hướng dẫn từ lời của các nghệ sĩ mà cứ tưởng các chuyên gia hàng đầu ấy. Bản thân một loại thực phẩm nếu ăn không đúng cách, ăn không điều độ cũng có thể gây họa cho sức khỏe.
Vậy cứ nghĩ mà xem, bạn uống thuốc, thực phẩm chức năng nhưng không màng nguồn gốc, xuất xứ, không màng người có chuyên môn nhận định, chỉ là thông qua lời ngọt ngào có cánh từ “chuyên gia” nghệ sĩ… hậu quả sẽ còn khôn lường đến cỡ nào?
Vị lương y khẳng định, hậu quả có thể chưa đến ngày một ngày hai, hậu quả có thể chưa thấy ở mặt cấp tính. Thế nhưng, ai biết được vài tháng sau, thậm chí vài năm sau, bỗng một ngày bạn đi khám thì phát hiện ra mình đã bị suy gan, suy thận, sức khỏe đang suy giảm trầm trọng, dần mòn theo từng ngày? Đến lúc đó thì hối có khi cũng không kịp.
Đây không phải là nhận định mang tính suy đoán, dọa dẫm. Bệnh viện Nhiệt đới TƯ từng thông tin, trung bình một tháng, bệnh viện này tiếp nhận khoảng 20 bệnh nhân tự ý sử dụng các loại thuốc nam không rõ nguồn gốc. Khi được hỏi về hành trình điều trị bệnh, đa số bệnh nhân cho biết họ nghe theo quảng cáo bán thuốc qua mạng, "báng bổ" thuốc tây, tin vào những loại thuốc, thực phẩm chức năng được nghệ sĩ quảng cáo có nguồn gốc từ thảo dược thiên nhiên, không độc hại, không tác dụng phụ...
Trả lời thêm về vấn đề này, PGS.TS Trần Đáng (Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm Chức năng Việt Nam) khẳng định, thời gian gần đây, tình trạng người nổi tiếng, trong đó phần lớn là các nghệ sĩ tham gia quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng đang xuất hiện nhiều, nhất là trên mạng xã hội. Hầu hết, các nghệ sĩ đều khen và nói quá, thổi phồng công dụng của sản phẩm, nhiều người thậm chí thổi phồng quá mức, nói sai công dụng của sản phẩm.
"Đúng là việc mượn nghệ sĩ quảng cáo sản phẩm sẽ đem lại lợi ích lớn trong kinh doanh thương hiệu, trong luật cũng không cấm nghệ sĩ quảng cáo. Tuy nhiên việc quảng cáo làm người dân hiểu sai về sản phẩm, coi thực phẩm chức năng như thuốc chữa bệnh thì lại là chuyện cần lên án", chuyên gia nhấn mạnh.
Nhiều quản lý nghệ sĩ hiện nay chỉ quan tâm đến giá trị của hợp đồng quảng cáo, nói trắng ra là quan tâm đến đồng tiền mà không cẩn trọng trong phát ngôn, trong việc lựa chọn sản phẩm để quảng cáo. Họ không hề màng sự tác động công chúng ra sao, dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.
"Người làm nghệ sĩ phải nhớ mình là người của công chúng, trước khi làm gì phải xem xét xem có ảnh hưởng đến uy tín bản thân không. Tốt nhất khi quảng cáo thuốc hay sản phẩm chăm sóc sức khỏe nói chung nên xem xét giấy xác nhận quảng cáo của cơ quan chức năng để từ đó không nói quá công dụng sản phẩm mà mình quảng cáo", chuyên gia khẳng định.
Theo Pháp luật & Bạn đọc/ Gia đình & Xã hội