Gần đây, Freddie Beckitt (31 tuổi), người Anh, gây chú ý với câu chuyện kiếm hơn 200 USD/ngày chỉ nhờ việc xếp hàng hộ. Nghề này tuy không quá phổ biến nhưng nếu đã tạo được chỗ đứng và uy tín, số tiền người xếp hàng kiếm được hầu hết ở mức rất cao.
Nghề "hot" ở Anh
Tờ Business Insider từng tổng hợp 18 nghề "dị nhưng kiếm nhiều tiền ở Anh". Và xếp hàng hộ là một trong số này, bên cạnh những nghề khác như làm ấm giường cho khách sạn, thử thức ăn cho chó...
Theo tờ này, công việc của người xếp hàng khá đa dạng, từ mua game mới ra, vé phim bom tấn sắp chiếu... Điểm chung là nếu tự làm, bạn sẽ tốn nhiều thời gian. Tuy nhiên, với những người xếp hàng thuê chuyên nghiệp, điều bạn cần chỉ là ngồi nhà và trả họ khoảng 33 USD/giờ.
Beckitt là minh chứng rõ ràng cho công việc ấy. Anh đến từ Fulham, phía tây London. Đa số đơn xếp hàng hộ của anh dành cho những sự kiện nổi tiếng như triển lãm tại V&A về Christian Dior, biểu diễn ở Apollo cho đến săn túi hiệu. Anh nói khách hàng của mình là những người "không ngại vung tiền".
Những người như Beckitt rất phổ biến ở Anh. Ảnh: The Sun. |
Chia sẻ với The Sun, người này nói: "Đôi khi, tôi phải chờ trong cái rét cóng của mùa đông. Mùa hè vẫn là dịp bận rộn nhất khi nhiều sự kiện, triển lãm lớn diễn ra. Tôi cũng xếp hàng mua sắm theo mùa. Khách hàng tìm đến tôi để tiết kiệm thời gian".
Nghề xếp hàng "hot" ở Anh không đơn thuần bởi nhu cầu. Nó còn mang tính văn hóa và lịch sử. Tờ Culture Trip từng có bài viết về văn hóa xếp hàng tuyệt vời của người Anh. Cây viết Richard Frank nói văn hóa xếp hàng ở đây đã được toàn thế giới công nhận.
Nó bắt đầu xuất hiện từ thế kỷ 19 - thời điểm bắt đầu Cách mạng Công nghiệp. Các thành phố lớn phát triển và thu hút người tứ xứ đến làm việc. Điều này buộc họ phải tạo ra nếp sống có lề lối để thuận tiện trong những việc hàng ngày như gửi thư ở bưu điện, mua đồ tại cửa hàng địa phương... Do đó, văn hóa xếp hàng ra đời và được người Anh thực hiện cho đến nay.
Quy tắc 6 phút
Năm 2017, Giáo sư Tâm lý học Adrian Furnham đã trình bày nghiên cứu khoa học về xếp hàng. Trong đó, ông đề cập khái niệm "quy tắc số 6". Quy tắc này cho thấy mọi người sẵn sàng chờ trong một hàng khoảng 6 phút trước khi bỏ cuộc. Ngoài ra, đa số cũng chỉ miễn cưỡng tham gia vào một hàng đợi dài hơn 6 người.
Tuy nhiên, với thời trang, đặc biệt là thời trang cao cấp, con số 6 phút dường như vẫn quá ít ỏi. Cơn sốt thời trang đường phố những năm 2010 đã tạo nên cảnh xếp hàng nhiều giờ đồng hồ để có thể săn lùng những món đồ hiếm có của Supreme hay đôi Air Max mới phát hành... Có khi, chính quyền còn phải đe dọa sẽ đóng cửa hàng nếu không sắp xếp được đám đông xếp hàng trật tự.
Xếp hàng trở thành văn hóa đặc biệt, kể cả trong giới thời trang xa xỉ. Ảnh: Esquire. |
Không chỉ thời trang đường phố, giới xa xỉ cũng tiếp thu văn hóa xếp hàng. Theo Esquire, tháng 6/2017 đánh dấu sự kiện ngoạn mục với màn kết hợp của ông lớn Louis Vuitton cùng Supreme.
Từ London đến Miami (Mỹ), hay Singapore (Singapore) và cả Shibuya (Nhật Bản), mọi người đổ dồn về các cửa hàng. Đám đông đã phải xếp hàng 72 giờ chỉ để sở hữu sản phẩm kết hợp giữa 2 tên tuổi đình đám này. Theo thống kê, 1.000 người đã xếp hàng ở London. Con số này tại Tokyo là 7.500 người.
"Xếp hàng, một hành động từng chỉ gắn liền với những đứa trẻ có quá nhiều thời gian trên tay và thẻ tín dụng của cha mẹ, đã chính thức trở thành một công việc kinh doanh cao cấp", trích tờ Esquire.
Tuy nhiên, thời gian của giới siêu giàu đôi khi lại có hạn. Thay vì xếp hàng chờ đợi, họ có thể dành thời gian đó để sinh lời hoặc đơn giản là tận hưởng ở một nơi thoải mái hơn. Do đó, khi những người siêu giàu sẵn sàng chịu chi, quy tắc 6 phút phần nào đó vẫn đúng với giới thời trang.
(Theo Zing)
Dọn phòng cho xác chết - nghề thu trăm triệu đồng nhưng ít ai dám nhận
Chuyện gì xảy ra khi một người qua đời một mình? Bao lâu thì người đó được phát hiện ra là đã qua đời? Nghề chuyên dọn dẹp căn hộ của người qua đời một mình có những nỗi niềm khó tả.