- Sau gần 40 năm chung sống, họ đâm đơn ly hôn. 3 năm ròng rã qua nhiều cấp xét xử, họ vẫn chưa thể nhận phán xét cuối cùng.
Cùng trải qua 62 mùa xuân, bà T. và ông S. (Hà Đông, Hà Nội) đã kết hôn được gần 40 năm. Không có con nhưng người ngoài hiếm thấy họ cãi vã.
Những mong mái ấm gia đình được trọn vẹn, ông bà S., T. đã nhận hai người con nuôi. Cô con gái lớn đã được ông bà gả chồng, còn cậu con trai mới 9 tuổi.
Từ năm 2009, cuộc sống vợ chồng bà T. bắt đầu phát sinh mâu thuẫn. Không còn hạnh phúc, họ sống ly thân. Ông S. ở lại phòng khám nơi ông làm việc và thỉnh thoảng mới về nhà.
Cho rằng chồng có nhân tình, bà T. đã đâm đơn ly hôn, gửi TAND quận Hà Đông. Trong đơn bà trình bày, vợ chồng không còn tình cảm, kinh tế độc lập nên đề nghị toà xem xét.
Bà T. có nguyện vọng được nuôi cậu con trai 9 tuổi, đồng thời đề nghị ông S. chung tay nuôi con cho đến khi bé đủ 18 tuổi, mỗi tháng 3 triệu dồng.
Ảnh minh họa. |
Về tài sản, ngôi nhà 3 tầng được xây dựng trên mảnh đất nhà nước cấp cho ông S., mang tên sở hữu của cả hai người. Khi thoả thuận ly hôn, bà được giao sử dụng, quản lý ngôi nhà này, đã có công chứng. Ngoài ra còn mảnh đất hơn 200m2 là do bố mẹ chồng để lại, ông S. được quyền giữ.
3 năm không phân chia xong tài sản
Sau thời gian hoà giải không thành, tháng 9/2013, TAND quận Hà Đông đã mở phiên sơ thẩm xét đơn ly hôn của bà T. với ông S. Tại phiên xét xử, đôi vợ chồng già tính chi li tài sản đòi chia.
Tại phiên xử, bà T. cho hay, sau khi ly thân, vợ chồng không còn đồ dùng chung, tài sản hai bên đã chia và ông S. đã mang phần của mình đi. “Nếu ông S. nhất quyết yêu cầu chia số tài sản tôi đang quản lý, tôi yêu cầu chia số tài sản ông S. đã bán một phần đất, chiếc ô tô đang sử dụng”, bà T. nói.
Trong khi đó, ông S. trình bày, ban đầu không đồng ý ly hôn, nhưng sau đó đã chấp thuận vì tình cảm vợ chồng không còn. Nhưng về con trai, ông đề nghị được chăm bé và không yêu cầu bà T. góp tiền chăm con.
Về ngôi nhà xây trên mảnh đất ông được cấp, ông không đồng ý chia đôi mà đòi chia 65% cho ông. Về tài sản như bàn ghế salon mới trị giá 40 triệu đồng, tủ đứng, sập gụ 60 triệu đồng…. ông đồng ý để bà sử dụng.
Toà sơ thẩm đã đồng ý để hai vợ chồng bà T. ly hôn, cùng với quyết định người vợ được chăm sóc con trai 9 tuổi. Về số tài sản, bà T. phải trả tiền chênh lệch cho ông S. Không đồng tình với quyết định này, cả hai ông bà đều có đơn kháng cáo.
Vì tranh chấp ngôi nhà trên và không đồng ý với các quyết định của tòa án, vợ chồng bà T. đã phải nhiều lần hầu tòa. Bản án phúc thẩm tháng 6/2014, của TAND Hà Nội đã sửa một phần bản án sơ thẩm, tuyên bà T. phải thanh toán tiền chênh lệch cao hơn vẫn khiến ông bà không bằng lòng.
Họ tiếp tục có đơn kháng nghị giám đốc thẩm. Tháng 5/2015, VKSND Tối cao cũng có kháng nghị bản án phúc thẩm, đề nghị tòa dân sự TAND Tối cao xét xử giám đốc thẩm, huỷ bản án hôn nhân và được chấp nhận.
Đến tháng 9/2015, cấp giám đốc thẩm đã huỷ bản án hôn nhân. Cuối tháng 3/2016, thêm một lần nữa, họ lại có mặt tại TAND Hà Nội để dự phiên phúc thẩm lần hai.
Tại phiên phúc thẩm này, toà nhận định, cấp sơ thẩm có một số thiếu sót mà cấp phúc thẩm không khắc phục được nên huỷ án để cấp sơ thẩm xét xử lại từ đầu.
Như vậy, sau 3 năm theo đuổi lá đơn ly hôn, nhiều lần xét xử lại, họ vẫn chưa nhận được phán xét cuối cùng thỏa mãn cả hai bên. Họ bắt đầu lại hành trình tố tụng từ cấp sơ thẩm.
T.Nhung