"Đến năm 2030, mọi người có thể chỉ làm việc 15 giờ mỗi tuần". Dự đoán này của nhà kinh tế John Maynard Keynes vào năm 1930 chắc chắn không trở thành sự thật. Nhưng theo Bloomberg, kinh nghiệm của các nước Bắc Âu cho thấy đã đến lúc chấm dứt kiểu tôn sùng công việc, làm việc điên cuồng.

Ở Scandinavia, nhân viên được tận hưởng bốn tuần nghỉ phép liên tục theo quy định của pháp luật. Nhiều công ty lớn nhất trong khu vực khẳng định muốn bảo vệ nhân viên khỏi khối lượng công việc khổng lồ.

Chia sẻ với Bloomberg, nhiều công ty cảnh báo về sự sụt giảm năng suất nếu nhân viên không có ngày nghỉ, và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thiết lập nhịp độ công việc thông qua kỳ nghỉ dài hơi.

Ngắt kết nối hoàn toàn với công việc

Skanska AB, một trong những công ty xây dựng lớn nhất Thụy Điển, cho biết họ khuyến khích nhân viên "ngắt kết nối với công việc" trong thời gian nghỉ phép. Người phát ngôn công ty khẳng định mối liên kết giữa sức khỏe và hiệu suất làm việc là rất mạnh mẽ.

{keywords}
Nhà kinh tế học người Anh John Maynard Keynes. Ảnh: Bloomberg.

Tại SEB AB, một trong những ngân hàng lớn nhất Bắc Âu, các nhà quản lý kỳ vọng sẽ phát triển "văn hóa nghỉ dưỡng" thông qua chế độ nghỉ dưỡng tốt cho nhân viên.

Thụy Điển, nền kinh tế lớn nhất Scandinavia, yêu cầu các công ty cho phép nhân viên nghỉ ít nhất năm tuần mỗi năm. Nhiều ngành nghề còn được điều chỉnh bằng các thỏa thuận tập thể giúp tăng thời gian rảnh. Phần còn lại của khu vực cũng được sắp xếp tương tự. Thời gian nghỉ trung bình hàng năm của châu Âu là bốn tuần.

Ở Mỹ, các công ty thường áp dụng theo xu hướng lũy kế khi thiết lập kỳ nghỉ có lương: làm việc càng lâu, được nghỉ càng nhiều. Một báo cáo năm 2018 của Cục Thống kê Lao động Mỹ cho thấy các công nhân ngành công nghiệp tư nhân có trung bình 15 ngày nghỉ có lương mỗi năm, sau 5 năm phục vụ.

Các nhà lập pháp ở Scandinavia cho rằng 15 ngày nghỉ mỗi năm không đủ để giữ cuộc sống khỏe mạnh và năng suất cho người lao động. Theo Bloomberg, tất cả công ty lớn đều bày tỏ quan ngại về ảnh hưởng tiêu cực của tình trạng quá tải với môi trường công ty.

Nghỉ ít nhất 4 tuần/năm

Tại Sandvik, ban quản lý không muốn nhân viên nghỉ ít hơn bốn tuần mỗi năm. Bloomberg dẫn lời phát ngôn viên Martin Blomgren: "Chúng tôi nhận thấy, điều quan trọng bậc nhất là tạo điều kiện cho tất cả người lao động, bao gồm quản lý cấp cao, có được sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống".

{keywords}
Nhiều nghiên cứu chỉ ra nhân viên làm việc quá sức sẽ làm việc kém hiệu quả hơn. Ảnh: Bloomberg.

GN Store Nord A/S, một công ty sản xuất máy trợ thính Đan Mạch có giá cổ phiếu tăng 300% trong ba năm qua, cho phép cả ban quản lý và nhân viên các cấp đều được nghỉ sáu tuần mỗi năm. Họ được khuyến khích tận hưởng trọn vẹn kỳ nghỉ.

SSAB AB, công ty sản xuất thép tấm có trụ sở tại Thụy Điển, cho rằng thời gian nghỉ hợp lý không quan trọng bằng việc đảm bảo nhân viên không làm việc quá sức. Theo phát ngôn viên Mia Widell, kỳ nghỉ dài cũng không đủ bù đắp nếu phải làm việc quá sức suốt thời gian còn lại trong năm.

Theo khảo sát của Bloomberg, hầu hết lãnh đạo các công ty đều không bị làm phiền trong kỳ nghỉ. Veli-Matti Mattila, CEO của Công ty Viễn thông Phần Lan Elisa Oyj, là một trong số nhiều CEO không tiếp khách trong bốn tuần nghỉ.

"Chúng tôi cho rằng người điều hành cũng cần nghỉ ngơi", phát ngôn viên của Elisa Oyj cho biết.

Keynes đã viết trong tiểu luận có tựa đề Economic Possibilities for Our Grandchildren xuất bản năm 1930: "Chúng ta đã được đào tạo quá lâu để phấn đấu mà không hưởng thụ". 

(Theo Zing)