Chiều 3/6, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Lê Thị Thu Hằng chủ trì cuộc gặp gỡ báo chí về 20 năm triển khai Nghị quyết 36-NQ/TW và điểm lại những thành tựu nổi bật sau 20 năm triển khai Nghị quyết 36 về công tác người Việt Nam ở nước ngoài.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, sau 20 năm triển khai, Nghị quyết số 36/NQ-TW đã giúp nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm trong việc triển khai công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài từ cả 2 chiều.

W-c53b0a68 85bf 458f 9612 f03c0c8feeec.jpg
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cung cấp thông tin cho báo chí. 

Ở trong nước, công tác người Việt Nam ở nước ngoài thực sự đã trở thành nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, từ Trung ương đến địa phương. Về phía kiều bào, Nghị quyết được đông đảo kiều bào đón nhận, ủng hộ, hưởng ứng thực hiện. Kiều bào không chỉ là đối tượng thụ hưởng các chủ trương, chính sách của Nghị quyết mà còn là chủ thể tích cực triển khai.

“Trải qua 20 năm triển khai, đến nay Nghị quyết số 36-NQ/TW vẫn còn nguyên ý nghĩa và giá trị, thể hiện tầm nhìn của Đảng về công tác người Việt Nam ở nước ngoài, là kim chỉ nam cho hoạt động của Đảng, Nhà nước, các bộ, ban ngành, địa phương và xã hội trong triển khai công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài”, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh. 

Công tác tham mưu, kiến nghị, xây dựng chính sách liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài được chú trọng, triển khai toàn diện, trên cả phương diện lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Về mặt lãnh đạo, chỉ đạo, Bộ Ngoại giao phối hợp với các ban, bộ, ngành, địa phương tiến hành sơ kết 3 năm, 6 năm, tổng kết 10 năm Nghị quyết 36. Trên cơ sở đó, đã kiến nghị Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị 45 và Kết luận 12.

Về mặt pháp luật, Quốc hội và Chính phủ ban hành một hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật tương đối đầy đủ, hoàn thiện trên hầu hết các lĩnh vực liên quan đến cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, như: Quốc tịch, dân sự, nhà ở, đất đai, cư trú, đầu tư, kinh doanh, theo hướng các quyền của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng tiệm cận gần hơn với công dân trong nước, thuận lợi hơn trong việc về nước làm việc, đầu tư, kinh doanh..., đồng thời tăng cường gắn kết kiều bào với quê hương. 

Công tác đại đoàn kết, vận động người Việt Nam ở nước ngoài hướng về quê hương đã đạt những kết quả quan trọng. Kiều bào được tạo điều kiện tham gia đóng góp ý kiến vào những vấn đề quan trọng của đất nước như góp ý vào các văn kiện Đại hội Đảng, các dự thảo luật, các chính sách lớn… 

Các hoạt động thường niên do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức (như: Xuân Quê hương, Đoàn kiều bào dự Giỗ Tổ Hùng Vương, thăm quân dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1, Trại hè dành cho thanh niên, sinh viên kiều bào…) thường xuyên được đổi mới về nội dung và hình thức, thu hút sự tham gia của đông đảo kiều bào. Các cơ quan liên quan đã vận động và tạo điều kiện cho một số nhân vật có tầm ảnh hưởng tại một số quốc gia (Mỹ, Úc…) về nước nhằm thu hẹp sự khác biệt, tạo sự chuyển biến tích cực trong một bộ phận kiều bào còn định kiến.

Công tác chăm lo, hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài củng cố địa vị pháp lý, ổn định cuộc sống ở nước sở tại ngày càng được chú trọng. 

fa92d592 bb8a 4543 bfbd 26f3c39d3256.jpg
Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng khẳng định, kiều bào không chỉ là đối tượng thụ hưởng các chủ trương, chính sách của Nghị quyết mà còn là chủ thể tích cực triển khai.

Công tác phát huy nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp cho sự phát triển của đất nước được đẩy mạnh. Các cơ quan trong và ngoài nước đã phối hợp tổ chức thành công nhiều hội thảo, hội nghị, diễn đàn doanh nghiệp, thành lập mạng lưới liên kết trí thức, doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài, thành lập các cơ chế để người Việt Nam ở nước ngoài tham gia đóng góp ý kiến vào những vấn đề lớn của đất nước; hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc cho kiều bào khi về nước đầu tư, kinh doanh, hợp tác khoa học…

Trong 20 năm qua, sự trở về đầu tư, kinh doanh trong nước của các doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng nổi bật hơn. Dòng kiều hối đổ về Việt Nam đã có sự dịch chuyển từ tiêu dùng, hỗ trợ gia đình sang đầu tư, kinh doanh trong nước. Kiều hối năm 2023 đạt 16 tỷ USD, tăng 32% so với năm 2022, bất chấp những khó khăn chung của nền kinh tế thế giới hậu đại dịch Covid-19. Tổng lượng kiều hối từ 1993 – 2023 đạt khoảng 230 tỷ USD, tương đương với nguồn vốn FDI đã giải ngân trong cùng kỳ.

5b08d1a2 0fcc 4902 b02b 7423b26e22ec.jpg
Kiều bào tham dự cuộc họp qua hình thức trực tuyến. 

Công tác thông tin đối ngoại đối với kiều bào được đổi mới về tư duy, nội dung và hình thức. Đa số các cơ quan thông tấn, báo chí lớn đều có chương trình, chuyên trang, chuyên mục dành cho bà con kiều bào với nội dung ngày càng phong phú. Các cổng và trang điện tử của Đảng, Chính phủ, Quốc hội và các tỉnh, thành có nhiều cải tiến, trở thành kênh thông tin quan trọng để kiều bào nắm bắt các chính sách của Đảng và Nhà nước cũng như tình hình đất nước. 

Quỳnh Nga