TS. Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, trong một bài viết mới đây, nhấn mạnh: Nghị quyết số 58-NQ/TW, ngày 5-8-2020, của Bộ Chính trị, về “Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định mục tiêu tổng quát, xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025 nằm trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước - một cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc, đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.
Quán triệt quan điểm, đường lối của Đảng, nhất là các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết số 58-NQ/TW, của Bộ Chính trị đã đề ra; đồng thời, nhận thức đầy đủ thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đặt ra; Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định mục tiêu tổng quát về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa, đó là: “Phấn đấu đến năm 2025 trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước - một cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc; đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, người dân có mức sống cao hơn bình quân cả nước”.
Toàn cảnh Nhà máy Lọc hoá dầu Nghi Sơn. Ảnh Thu Hằng |
Để hiện thực hóa mục tiêu đó, Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Thứ nhất,tập trung xây dựng và hoàn thiện thể chế để đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX vào cuộc sống. Trong đó, tập trung hoàn chỉnh, ban hành và triển khai thực hiện 6 chương trình trọng tâm, 3 khâu đột phá theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX; sửa đổi, bổ sung hoàn chỉnh các quy hoạch, đặc biệt là Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, các quy hoạch phân khu chức năng chính trong khu kinh tế Nghi Sơn, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết các đô thị...; các chương trình, kế hoạch, đề án; các cơ chế, chính sách, nhất là cơ chế, chính sách thực hiện Nghị quyết số 58-NQ/TW. Chủ động phối hợp với các bộ, ngành Trung ương xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư, tài chính, phân cấp quản lý và tổ chức bộ máy theo Nghị quyết số 58-NQ/TW, sớm trình cấp có thẩm quyền ban hành, tạo sự bứt phá trên tất cả các ngành, lĩnh vực góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ giai đoạn 2021 - 2025.
Thứ hai, tiếp tục triển khai, thực hiện có hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa duy trì, mở rộng sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới. Để làm tốt việc này, cùng với thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương về phòng, chống dịch, tỉnh sẽ tập trung phát huy mọi tiềm năng, lợi thế để phát triển tỉnh Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc với nông nghiệp quy mô lớn, giá trị gia tăng cao và công nghiệp nặng là nền tảng; công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ lô-gi-stíc là đột phá; du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn; phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2025 đạt trên 11%/năm.
Đặc biệt, để trở thành một trong những trung tâm lớn của vùng Bắc Trung Bộ và cả nước về công nghiệp, tỉnh sẽ tập trung phát triển ngành công nghiệp theo hướng kết hợp hài hòa cả chiều rộng và chiều sâu, trong đó chú trọng phát triển theo chiều sâu. Ban hành cơ chế, chính sách đột phá để thu hút và mở rộng quy mô sản xuất các ngành công nghiệp có thế mạnh, trọng tâm là phát triển công nghiệp năng lượng và chế biến, chế tạo; phát triển hợp lý các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động để giải quyết việc làm, thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế; ưu tiên thu hút một số ngành công nghiệp mới, công nghệ cao để tạo ra động lực tăng trưởng mới. Đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, từng bước hình thành và phát triển một số cụm liên kết các ngành công nghiệp chủ lực.
Tập trung phát triển ngành công nghiệp lọc hóa dầu và sau lọc hóa dầu; công nghiệp phục vụ kinh tế biển; sản xuất thiết bị điện, linh kiện và thiết bị điện tử; trang thiết bị y tế...; xây dựng một số ngành công nghiệp có lợi thế, như lọc hóa dầu, xi-măng... đứng trong nhóm dẫn đầu cả nước. Đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh của các ngành công nghiệp truyền thống, như bia, thuốc lá, ô-tô tải, thủy sản chế biến. Đẩy mạnh thu hút đầu tư các dự án công nghiệp mới quy mô lớn, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Thứ ba, gắn phát triển kinh tế với phát triển văn hóa - xã hội và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội. Chủ động tham gia tích cực và có hiệu quả cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại; xây dựng và phát triển văn hóa, con người, đáp ứng yêu cầu phát triển. Tiếp tục giữ vững và phát huy thành tích về giáo dục mũi nhọn và thể thao thành tích cao; nâng cao chất lượng giáo dục đại trà và chất lượng nguồn nhân lực, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm,...
Thứ tư, tăng cường liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành phố trong cả nước. Lấy khu kinh tế Nghi Sơn, thành phố Sầm Sơn và cảng hàng không Thọ Xuân làm trọng điểm để tăng cường kết nối với các tỉnh, thành phố, nhất là trong xúc tiến đầu tư, huy động và phân bổ nguồn lực, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội... Tăng cường công tác bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội; tạo điều kiện và môi trường thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội.
Thứ năm, tăng cường công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Tiếp tục thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Làm tốt công tác cán bộ để lựa chọn, bố trí, sử dụng những cán bộ thật sự có đức, có tài, liêm chính, tâm huyết, thật sự vì nước, vì dân, vì sự phát triển của quê hương vào các vị trí lãnh đạo. Chuẩn bị thật tốt các điều kiện để tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Nguyễn Liên (lược trích)