Ngày càng có nhiều cá nhân siêu giàu tham gia quốc hội TQ. Điều đó cho thấy mối quan hệ gần gũi giữa chính trị và kinh doanh.

{keywords}
Ảnh: Reuters

Theo một số phương tiện truyền thông TQ, hơn 200 người siêu giàu TQ là đại biểu tham dự hội nghị thường kỳ của hai cơ quan lập pháp - đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội - NPC) và hội nghị chính trị hiệp thương toàn quốc (Chính hiệp - CPPCC). Trong số đó có 36 tỉ phú bao gồm Li Hejun gần đây là người giàu nhất TQ trong xếp hạng của tạp chí Hồ Nhuận.

New York Times cho hay, mức độ quy tập giới siêu giàu tại nghị trường TQ lớn hơn nhiều so với lưỡng viện Mỹ. Số liệu của Trung tâm phản hồi chính trị tại Washington cho thấy, người giàu nhất trong hệ thống chính quyền Mỹ là ông Darrell Issa, nghị sĩ đảng Cộng hòa, với tài sản cá nhân hơn 400 triệu USD. Tài sản của nghị sĩ Issa chỉ có thể đứng hàng thứ 166, nếu đặt trong danh sách các đại biểu quốc hội siêu giàu của TQ. 

Trong quá khứ, quan hệ chính trị trong giới tập đoàn TQ hứng nhiều chỉ trích. Tuy nhiên, chiến dịch chống tham nhũng 2 năm qua của ông Tập Cận Bình đang dần thay đổi bản chất mối quan hệ này. "Ở TQ giờ đây điều quan trọng với doanh nghiệp là có mối quan hệ lành mạnh với chính phủ và ngược lại", nhà kinh tế học Alastair Chan giải thích. Chan viện dẫn việc Bắc Kinh thúc đẩy cải cách doanh nghiệp nhà nước và mở cửa thị trường tài chính.

Cấm mạng xã hội và game

Năm ngoái, Nhân dân Nhật báo TQ đã chỉ trích một số đại biểu tham dự phiên họp quốc hội là "xao lãng nhiệm vụ". Bởi thế năm nay, các đại biểu tham dự NPC sẽ phải tuân thủ những quy định cứng rắn hơn gồm cả lệnh cấm lướt mạng xã hội trên điện thoại di động trong các phiên họp.

Theo Thời báo Bắc Kinh, các đại biểu cũng không được hút thuốc ở nơi công cộng hay chơi game trên điện thoại trong các buổi thảo luận hay trao đổi.

Năm ngoái, Nhân dân Nhật báo đã đề cập chuyện các đại biểu tham dự NPC ở Bắc Kinh chơi game trên điện thoại di động trong nhiều phiên họp.

NPC khai mạc kỳ họp hôm nay.

Thái An (theo CNBC, SCMP)