Chiếc Boeing 777-200, mang số hiệu MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines, chở 239 hành khách và thành viên phi hành đoàn đã biến mất bí ẩn ngày 8/3/2014, khi đang trong hành trình bay từ Kuala Lumpur (Malaysia) đến Bắc Kinh (Trung Quốc).

{keywords}
 

Một trong những câu hỏi lớn nhất về sự cố có liên quan đến các hệ thống liên lạc vệ tinh của máy bay Boeing. Cho đến thời điểm hiện tại, đây vẫn là nguồn cung cấp thông tin chủ yếu về đường bay cũng như vị trí của chuyến bay MH370.

Thông qua phân tích dữ liệu radar quân sự và các hệ thống liên lạc vệ tinh, các nhà điều tra phát hiện, máy bay dường như đã đổi hướng di chuyển về phía tây nam Ấn Độ Dương trước khi mất tích. Do MH370 di chuyển theo đường thẳng tắp khi bay theo hướng nam nên một số nhà nghiên cứu tin, máy bay đã kích hoạt chế độ tự động lái vào thời điểm này.

Theo báo RT, chuyến bay MH370 khởi hành từ Kuala Lumpur lúc 16h41 (giờ GMT) ngày 8/3/2014. Hãng Malaysian Airlines thông báo mất liên lạc với máy bay khoảng 38 phút sau đó. Song, khoảng một tiếng sau, hệ thống liên lạc vệ tinh (satcom) của máy bay bất ngờ gửi yêu cầu kết nối với một vệ tinh.

Video mô phỏng những phút cuối của máy bay MH370

Jeff Wise, một nhà báo khoa học Mỹ, tác giả của hai cuốn sách viết về sự cố nhan đề "The Taking of MH370" và "The Plane That Wasn't There" phát biểu trên tờ Daily Express rằng: "Một câu hỏi lớn là, điều gì đã xảy ra từ lúc 18h28 khi hệ thống satcom được tái kích hoạt tới lúc 19h41. Liệu máy bay có cua đổi hướng một lần hay bay vòng vòng nhiều lần hoặc thậm chí đáp xuống đâu đó rồi cất cánh lại hay không?".

Ông Wise nhận định, nếu MH370 hạ cánh rồi cất cánh một lần nữa, việc đó có thể xảy ra ở Malaysia hoặc một nơi khác lân cận, chẳng hạn như tại Thái Lan, Indonesia, Campuchia hoặc Việt Nam.

Ông Wise từng viết trên trang web của mình vào năm 2016 rằng, việc tái kích hoạt satcom của MH370 là một trong "những manh mối quan trọng nhất" giúp truy tìm máy bay mất tích. Theo ông, điều đó cũng giúp loại trừ khả năng MH370 gặp trục trặc hoặc bị một trong các phi công cướp quyền điều khiển gây tội ác. Nhà báo này cho rằng, nhiều khả năng thủ phạm tấn công máy bay là các hành khách thành thạo công nghệ.

Malaysia, Trung Quốc và Australia từng phối hợp thực hiện công tác tìm kiếm ngay sau khi máy bay mất tích, nhưng buộc phải chấm dứt chiến dịch hồi tháng 1/2017 sau khi tiêu tốn đến 150 triệu USD mà không thu được kết quả khả quan nào.

Trong một cuộc phỏng vấn với chương trình "60 Minutes" của kênh 9 News Australia hồi đầu tháng 3 năm nay, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad đã có phát biểu chấn động, làm nức lòng thân nhân của những hành khách có mặt trên chuyến bay xấu số. Người đàn ông quyền lực nhất Malaysia hứa sẽ khôi phục chiến dịch săn lùng MH370.

Tuấn Anh