Hai ngày qua, thời tiết ở Nghệ An tiếp tục nắng nóng gay gắt từ 39 đến hơn 40 độ. Trời càng nắng thì các diêm dân ở nhiều vùng quê gần biển lại dầm mình ra đồng làm muối đông hơn ngày thường, bởi nắng to sẽ cho nhiều muối hơn thường ngày.

Với diện tích hơn 100ha, xã An Hòa hiện là một trong những vựa muối lớn của tỉnh Nghệ An. Bất chấp đang nắng nóng hơn 40 độ, nhiều người làm nghề muối ở xã An Hoà vẫn tiếp tục đổ ra đồng.

Cái nắng gắt đầu mùa và hơi nóng bốc lên từ ruộng muối như muốn thiêu đốt da thịt, những diêm dân vẫn mải miết “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” đảo xới đất, múc nước tưới chạt.

Với phương pháp làm muối thủ công, nên những công đoạn: xới, phơi đất, đưa đất vào chạt, lọc nước, phơi nước như vắt kiệt mồ hôi của bà con.

Nắng nóng đầu mùa xấp xỉ 40 độ, diêm dân xã An Hoà (huyện Quỳnh Lưu) gắng bám trụ tại ruộng để sản xuất muối. Ảnh: Trần Tuyên

Ngồi nương núp bóng râm trước kho muối, mồ hôi nhễ nhại, thấm ướt hết nhiều lớp áo, vội lau giọt mồ hồi bên khoé mắt, bà Hồ Thị Vinh (53 tuổi) cho biết, nhà có 4 cô con gái nhưng may mắn không ai phải theo cái nghề này.

“Nghề muối vất vả, cực nhọc lắm mà thu nhập quá bèo bọt. Quần quật cả ngày được vài chục nghìn, hôm nào nhiều lắm cũng chỉ hơn 100.000 đồng. Trẻ khỏe đi làm công nhân, phụ hồ, thợ xây, mấy ai chọn làm muối nữa”, bà Vinh tâm sự.

Giám đốc HTX dịch vụ muối Thắng Lợi (xã An Hòa) Bùi Xuân Điện cho biết, HTX có 818 xã viên, mỗi năm cung ứng 12.000 tấn muối ra thị trường. 

Các công đoạn làm nên hạt muối như vắt kiệt sức lao động của các diêm dân. Ảnh: Trần Tuyên

Theo ông Điện, thời điểm cuối năm 2022, muối tại ruộng được thu mua với giá 3.000 đồng/kg, cao nhất trong nhiều năm qua. Được giá, bà con đẩy mạnh sản xuất thế nhưng những ngày gần đầy, giá muối thê thảm.

“Giá muối dao động từ 1.200 đồng – 1.600 đồng/kg, có thời điểm xuống dưới 1.000 đồng/kg, bà con gần như không có lời. Điều lo lắng nhất là người dân chán nghề, bỏ nghề, những ruộng muối bỏ hoang”, Giám đốc HTX dịch vụ muối Thắng Lợi lo lắng.

Tận thu các sản phẩm từ muối

Quỳnh Lưu là một trong những huyện có diện tích sản xuất muối bằng phương pháp phơi cát theo quy trình truyền thống có từ lâu đời, được duy trì và tổ chức sản xuất tập trung hiện có quy mô lớn nhất cả nước, với diện tích 600 ha tại 9 xã như An Hòa, Quỳnh Nghĩa, Quỳnh Thọ, Quỳnh Yên, Quỳnh Thuận…

Trời càng nắng gắt thì diêm dân càng phải tích cực bám đồng, bởi nắng to sẽ cho nhiều muối hơn thường ngày. Ảnh: Trần Tuyên

Nhằm nâng cao giá trị muối, đồng thời tạo sinh kế bền vững cho diêm dân, phát huy làng nghề truyền thống thời gian qua, HTX cũng như chính quyền địa phương đã nỗ lực kết nối với các doanh nghiệp chế biến để bao tiêu muối hạt cũng như các phụ phẩm từ muối cho bà con.

Ông Hồ Xuân Vinh, Giám đốc Công ty TNHH Abaca Việt Nam (đóng trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu) cho biết, để tăng thu nhập cho bà con, bên cạnh thu mua muối, doanh nghiệp còn tận thu “mật muối” (phụ phẩm trong quá trình sản xuất muối – PV).

“Mật muối chảy ra từ muối vốn bị xem là chất dư thừa, người dân thường đổ bỏ sau quá trình làm muối. Việc chúng tôi thu mua với mức giá 1.000-1.500 đồng/lít giúp thu nhập của người dân tăng lên rất nhiều so với trước đây”, ông Vinh cho hay.

Hiện một số HTX đang xây dựng, phát triển đề án sản xuất muối thủ công truyền thống kết hợp với thương mại và du lịch để thu hút du khách, tăng giá trị kinh tế trên ruộng muối.

Muối trắng giữa nắng gay gắt
Những hạt muối trắng ngần thấm đượm vị mặn chát của những giọt mồ hôi. Ảnh: Hồ Vinh
Mỗi tháng công ty TNHH Abaca Việt Nam thu mua khoảng 50 tấn muối biển, 40 mét khối mật muối của diêm dân trên địa bàn. Ảnh: Trần Tuyên