Một nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Lancet Respiratory Medicine cho thấy: Hút dưới 5 điếu thuốc mỗi ngày vẫn có thể gây tổn thương phổi tương đương với việc hút 30 điếu. Vấn đề chỉ là thời gian cho đến khi các tổn thương đuổi kịp nhau.
Một người hút 5 điếu thuốc mỗi ngày mất 1 năm để phát triển mức tổn thương phổi tương tự như một người hút 30 điếu thuốc mỗi ngày trong 9 tháng. Những tổn thương này không thể phục hồi hoàn toàn sau vài năm, vài thập kỷ thậm chí là vĩnh viễn ngay cả khi họ đã cai thuốc.
Nghe có vẻ là một cái cớ cho những người hút thuốc lá tiếp tục thói quen của họ. Nhưng không, nghiên cứu này là một thông điệp mạnh mẽ cho điều mà nhiều nhà khoa học trong lĩnh vực còn đang tranh cãi: Không hề có một ngưỡng hút thuốc lá nào được coi là an toàn.
Hễ hút thuốc là có hại. Những người chưa từng hút thuốc lá thì không bao giờ nên thử. Những người đang hút ít thuốc lá nên cai hẳn. Những người nghiện thuốc nặng vẫn nên giảm lượng thuốc hút xuống mỗi ngày, cho đến khi họ từ bỏ được hoàn toàn. Cơ hội có thể vẫn còn, bởi vậy cai thuốc càng sớm thì càng tốt.
Nghiên cứu đã kiểm tra thói quen hút thuốc và sức khỏe của hơn 25.000 người Mỹ trong độ tuổi từ 17 đến 93 tuổi. Dữ liệu được thu thập bắt đầu vào năm 1983 và kết thúc vào năm 2014.
Ban đầu, mỗi người tham gia nghiên cứu sẽ báo cáo về hành vi hút thuốc của họ, họ có hút thuốc hay không, nếu có thì bao nhiêu điếu một ngày hay có cai thuốc hay chưa. Kèm theo mỗi hồ sơ là những thông tin chung về sức khỏe, nhân khẩu học và lối sống.
Sau khảo sát, các tình nguyện viên được đưa đi xét nghiệm phế dung, bài kiểm tra chức năng phổi dựa trên lượng không khí mà họ có thể thở ra trong một giây, cũng như tổng lượng không khí phổi có thể đẩy ra ngoài sau khi hít một hơi sâu.
Trong quá trình theo dõi kéo dài tới hơn 20 năm, họ cũng sẽ được xét nghiệm khí phế dung ít nhất một lần nữa để đánh giá những thay đổi về phổi.
Chúng ta biết, chức năng phổi suy giảm một cách tự nhiên khi mọi người già đi, nhưng hút thuốc sẽ làm tăng tốc quá trình, khiến người hút thuốc có nguy cơ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và các tình trạng hô hấp khác.
Và như các nhà nghiên cứu chứng minh trong nghiên cứu mới của họ, hút thuốc lá dù ít hay nhiều đều gây ra những hậu quả đó.
Cụ thể, ở thời điểm nghiên cứu bắt đầu, khoảng 10.000 người tham gia báo cáo họ chưa bao giờ hút thuốc, trong khi 7.000 người từng hút thuốc nhưng đã bỏ, 5.800 không trả lời và 2.500 người thừa nhận rằng họ đang hút thuốc.
Theo thời gian, các nhà nghiên cứu phát hiện cả những người đang hút thuốc và đã cai thuốc đều có chức năng phổi kém hơn so với những người không hút thuốc. Điều đáng nói là không có sự khác biệt rõ ràng nào giữa những người hút ít và những người hút nhiều, gợi ý rằng hễ họ đã hút thuốc lá, hậu quả phải nhận tương đương nhau.
Phân tích kết quả, các nhà nghiên cứu phát hiện những người hút ít hơn 5 điếu thuốc mỗi ngày vẫn bị tổn thương phổi đáng kể, bằng 2/3 so với những người hút trên 30 điếu. Nếu những tổn thương của người hút thuốc lá nặng đến sau 9 tháng, thì điều tương tự sẽ xảy ra với những người hút thuốc lá nhẹ trong một năm.
Đồng tác giả nghiên cứu, tiến sĩ, bác sĩ Elizabeth Oelsner tại Trung tâm Y tế Irving thuộc Đại học Columbia, cho biết: Kết quả nghiên cứu này không có ý nghĩa khuyến khích những người hút thuốc lá nặng tiếp tục hút nhiều thuốc, thay vì cố gắng giảm lượng thuốc hút hàng ngày xuống.
Đó là bởi bản thân việc giảm số lượng thuốc hút mỗi ngày là một bước quan trọng để cai thuốc hoàn toàn.
Nghiên cứu này cũng khuyến khích mọi người cai thuốc lá càng sớm càng tốt. Bởi theo kết quả của nó, những tác hại mà thuốc lá gây ra vẫn đeo bám những người đã cai thuốc suốt nhiều năm thậm chí hàng thập kỷ, chức năng phổi của họ vẫn chưa thể hồi phục như người bình thường.
Tiến sĩ Oelsner nói rằng những thiệt hại sức khỏe liên quan đến thuốc lá có thể không bao giờ phục hồi hoàn toàn, bởi vậy, tốt nhất những người không hút thuốc đừng lên thử. Không hề có một ngưỡng nào 5 điếu, 3 điếu hay 1 điếu mà thuốc lá được cho là an toàn.
Theo GenK