- Công trình nghiên cứu của nhóm tác giả giảng viên Võ Duy Thành và PGS. TS. Tạ Cao Minh “Slip Ratio Estimation for Traction Control of Electric Vehicles” vừa được trao Giải thưởng Bài báo xuất sắc nhất (Best Paper Award) của Hội nghị IEEE-VPPC’2018, được tổ chức tại Chicago, Hoa Kỳ, từ ngày 27 đến 30/8/2018.
Bài báo đề xuất một cải tiến mới cho phương pháp ước lượng tỷ số trượt trong điều khiển chuyển động ô tô điện. Phương pháp không cần đến các thông số động học phức tạp khó xác định, mà xử lý và tích hợp thông tin từ các cảm biến có sẵn trên xe, vốn được dùng cho các mục đích khác.
Nhóm nghiên cứu nhận giải thưởng |
Tính ưu việt của phương pháp được minh chứng bằng lý thuyết, mô phỏng, hardware-in-the-loop và thực nghiệm trên xe ô tô điện i-MiEV của hãng Mitsubishi tại Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng và Sáng tạo Công nghệ (CTI), Trường ĐH Bách khoa Hà Nội.
Phương pháp có thể được ứng dụng trực tiếp trong điều khiển chuyển động ô tô điện, nhằm nâng cao tính năng và độ an toàn khi xe đi vào vùng trơn trượt.
Phương pháp cũng có thể được mở rộng cho các ứng dụng của xe tự lái sau này.
Ngoài bài báo được trình bày tại hội nghị, nhóm nghiên cứu ô tô điện của PGS. Tạ Cao Minh tại Trung tâm CTI còn đóng góp một bài giảng (Tutorial) với thời lượng 3 tiếng tại hội nghị, với nội dung “Điều khiển nâng cao động cơ điện và các Ứng dụng cho ô tô điện”.
Ô tô điện có lịch sử từ thế kỷ 19, và được nghiên cứu mạnh mẽ từ ba thập kỷ nay tại các nước có nền công nghiệp và khoa học kỹ thuật phát triển, nhằm thay thế dần các phương tiện chạy xăng, là nguyên nhân chính của ô nhiễm môi trường, và làm cạn kiệt các nguồn tài nguyên hóa thạch.
Chụp ảnh với Chủ tịch VPP |
CTI là đơn vị nghiên cứu bài bản về ô tô điện, đã thực hiện và bảo vệ thành công đề tài cấp Nhà nước KC.03.08/11-15 về “Thiết kế chế tạo hệ truyển động và điều khiển cho xe ô tô điện” vào năm 2015.
Trung tâm cũng tổ chức nhiều hội thảo về lĩnh vực này, kết nối với các nhóm nghiên cứu mạnh từ Nhật, Cộng hòa Pháp và Canada. Gần đây nhất là Trường hè quốc tế về “Phương pháp biểu diễn vĩ mô năng lượng - ứng dụng cho xe ô tô điện và xe điện lai” phối hợp tổ chức với Pháp và Canada, tháng 6/2018 tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội.
Xét uy tín khoa học và bề dày nghiên cứu của PGS. Tạ Cao Minh và Trung tâm CTI – ĐH Bách khoa Hà Nội, Hội đồng khoa học của VPP đã đề nghị Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị này vào năm sau (2019).
Chứng nhận giải thưởng tại hội nghị quốc tế về ô tô điện |
Đây là một vinh dự, nhưng cũng là thách thức rất lớn cho các thành viên ban tổ chức tại Việt Nam, khi mà ô tô điện chỉ mới thực sự được bắt đầu quan tâm trong thời gian gần đây, với việc Công ty Vinfast thuộc tập đoàn Vingroup công bố sẽ sản xuất ô tô điện từ năm 2019.
Hội nghị VPPC về ô tô điện được diễn ra sẽ là một cú hích lớn cho nghiên cứu, phát triển và sản xuất ô tô điện tại Việt Nam, kết nối các nhà nghiên cứu tại các trường đại học với công nghiệp, đồng thời cũng đặt ra yêu cầu cấp bách đối với Nhà nước và các cơ quan chức năng trong việc khẩn trương hoạch định một chiến lược phát triển ô tô điện tại Việt Nam, trước mắt là việc quy hoạch cơ sở hạ tầng và xây dựng bộ tiêu chuẩn cho các phương tiện chạy điện.
Được biết, kinh phí dự hội nghị lần này của nhóm tác giả được Quỹ phát triển Khoa học và Công nghệ (NAFOSTED) – Bộ Khoa học và Công nghệ tài trợ.
Nguyễn Bảo Huy
*******
* IEEE đươc viết tắt của Institute of Electrical and Electronics Engineers, có lịch sử hơn 130 năm và trụ sở đặt tại New York, Hoa Kỳ, là tổ chức nghề nghiệp lớn nhất thế giới, xuất bản hơn 70% số ấn phẩm trong lĩnh vực Điện, Điện tử, Công nghệ Thông tin và Khoa học máy tính.
IEEE được có 39 Hội chuyên môn, với 420 nghìn thành viên. Chi nhánh IEEE Việt Nam được thành lập năm 2007.
* VPPC (Vehicle Power and Propulsion Conference) là hội nghị quốc tế chuyên sâu về lĩnh vực Truyền động và Năng lượng cho Xe điện, nằm trong hệ thống IEEE. Hội nghị quy tụ các nhà nghiên cứu hàn lâm và công nghiệp trên thế giới, trao đổi các kết quả mới nhất trong các hướng chuyên sâu về ô tô điện và các phương tiện chạy điên khác. Hội nghị được tổ chức mỗi năm một lần, quay vòng 3 châu lục: châu Âu, châu Mỹ, châu Á. Sau 15 lần tổ chức, châu Á đã đăng cai 3 lần (2 lần tại Trung Quốc, 1 lần tại Hàn Quốc).
Hội nghị lần thứ 16 (IEEE-VPPC’2019) sẽ được tổ chức tại Hà Nội.
Ảnh 1: nhận Chứng nhận giải trên sân khấu từ Trưởng ban xét giải Ảnh 2: chụp với Chủ tịch Hội đồng khoa học VPP và Trưởng ban tổ chức VPPC-2018 Ảnh 3: Chứng nhận Giải bài báo Xuất sắc của Hội nghị VPPC-2018.