{keywords}

Đợt dịch thứ 4 bùng phát từ cuối tháng 4 vừa qua với sự lây lan mạnh của biến chủng Delta đã cướp đi sinh mạng của rất nhiều người. Cập nhật mới nhất trên cổng thông tin của Bộ Y Tế về đại dịch Covid-19 đến nay đã có 21.269 người qua đời, riêng TP.HCM đã có 16.240 người đã không qua khỏi.

Hồi tháng 8/2021, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có công văn gửi đến Ban Trị sự GHPG Việt Nam các tỉnh, thành phố; các chùa, cơ sở tự viện trong cả nước yêu cầu các chùa thiết lễ cầu siêu cho nạn nhân tử vong vì Covid-19 trong mùa Vu lan. Rất nhiều hoạt động cầu siêu trực tuyến cho đồng bào tử nạn vì Covid-19 đã được tổ chức khắp nơi trong điều kiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt. Tuy nhiên, một đại lễ cầu siêu trực tiếp vẫn chưa thể tổ chức.

Mới đây, phát biểu kết luận tại Hội nghị Thành ủy TP.HCM lần thứ 9, khóa XI, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết, qua thảo luận, Thành ủy TP.HCM thống nhất với đề xuất của Chủ tịch UBND TP.HCM nghiên cứu đề xuất hình thức phù hợp để tổ chức lễ cầu siêu cho đồng bào, cán bộ, chiến sĩ đã mất trong đại dịch Covid-19 vừa qua tại TP.HCM.

Bên cạnh đó, TP.HCM cũng sẽ triển khai các hoạt động chăm lo cho trẻ em mồ côi, người già neo đơn; tri ân các cán bộ chiến sĩ, lực lượng tuyến đầu, lực lượng vũ trang, lực lượng cơ sở, tình nguyện viên đã nỗ lực cống hiến, dũng cảm quên mình, hy sinh. TP.HCM cũng tri ân những nhà thiện nguyện, nhà hảo tâm âm thầm lặng lẽ vượt qua khó khăn, chung tay cùng thành phố vượt qua đại dịch. 

Bí thư Thành ủy TP.HCM yêu cầu cần duy trì, phát huy hiệu quả Trung tâm Bảo trợ xã hội thành phố, Trung tâm An sinh TP.HCM, TP.Thủ Đức và các quận - huyện; Tập trung rà soát, không để sót trường hợp nào thật sự khó khăn để tiếp tục việc vận động chăm lo, hỗ trợ; tiếp tục phát huy tinh thần nhường cơm sẻ áo trong nhân dân, kiên quyết xử lý nghiêm trường hợp sai phạm.

Thu Huyền

Ảnh: Ngọc Chính