Các pharaoh thời Ai Cập cổ đại được xếp vào hàng những nhà lãnh đạo vĩ đại nhất trong lịch sử loài người. Trong khoảng hơn 3.000 năm họ đã thống trị được một dải sông Nile rộng lớn và xây dựng nên một nền văn minh đáng ngưỡng mộ.
Nhưng thật khó hiểu, ngay giữa thời đại huy hoàng của mình, các pharaoh Ai Cập lại đột nhiên mất quyền kiểm soát những vùng đất màu mỡ nhất họ từng sở hữu.
Theo các văn bản cổ đại, khoảng 3.600 năm trước, một lực lượng xâm lược được gọi là Hyksos đã chiếm giữ miền bắc Ai Cập. Họ đẩy các triều đại pharaoh dạt về phía nam, trục xuất họ đến một vùng đất nhỏ nhoi còn lại trong suốt 3 triều đại kéo dài 100 năm.
Vậy những người Hyksos này đến từ đâu mà có thể thách thức quyền lực và sức mạnh của những triều đại pharaoh? Cho đến gần đây, đó vẫn là một bí ẩn quấn lấy tâm trí của các nhà khảo cổ và sử học.
Một nghiên cứu mới trên tạp chí PLOS One bây giờ hé lộ một số bằng chứng cho thấy nguồn gốc của những người Hyksos. Theo kết quả phân tích hài cốt tìm thấy trong các nghĩa trang lớn ở thủ đô cổ đại của họ (cách Cairo ngày nay khoảng 120 km về phía đông bắc), những người Hyksos thực chất không phải những kẻ xâm lược ngoại bang.
Họ chính là con cháu của những thế hệ người Ai Cập nhập cư đến từ nhiều nơi khác nhau ở Châu Á. Những người Hyksos đã sống ở miền bắc Ai Cập hàng trăm năm trước khi nổi dậy đánh bại các pharaoh. Và các cuộc chiến ấy có thể đã diễn ra khá chậm chạp, ôn hoà nhưng vô cùng hiệu quả.
"Kết quả thách thức những câu chuyện cổ về người Hyksos coi họ là một lực lượng ngoại xâm", các tác giả viết. Nghiên cứu này là một bằng chứng cho thấy huyền thoại về người Hyksos là một câu chuyện lịch sử đã bị làm méo mó bởi thời gian.
Để có thể có được bằng chứng xác đáng về nguồn gốc của một nhóm người Ai Cập sống ở hơn 3.000 năm trước, các nhà khoa học đã sử dụng đến một kỹ thuật đặc biệt được gọi là tỷ lệ đồng vị strontium.
Strontium là một nguyên tố được tìm thấy trong tất cả các loại đá nhưng có thể nhiễm vào thực phẩm và nguồn nước, sau đó lắng đọng lên xương và răng của chúng ta. Các khu vực địa lý khác nhau sẽ có tỷ lệ của hai đồng vị strontium - Sr-86 và Sr-87 khác nhau.
Vì vậy, hai đồng vị Sr-86 và Sr-87 có thể làm việc như chỉ số trong một hệ toạ độ Oxy. Bằng cách đối chiếu các tỷ lệ strontium trong xương hoặc răng của các nhóm người, các nhà khoa học từ đó có thể biết được hoành độ và toạ độ nguồn gốc của họ, nơi mà họ đã từng sinh sống.
Trong nghiên cứu mới này, các nhà khoa học đã tìm dấu vết strontium có trong răng của 36 bộ hài cốt có niên đại trước thời kỳ Hyksos 350 năm và 35 bộ hài cốt được chôn cất trong trong khi những người Hyksos thống trị miền bắc Ai Cập.
Kết quả cho thấy có 24 bộ hài cốt sống trước thời kỳ Hyksos 4 thế hệ thuộc về những người nhập cư vào Ai Cập. Có lẽ họ đã đến từ một miền đất Tây Nam Á, giữa Syria và Israel ngày nay.
Trong số 35 bộ hài cốt tìm thấy trong các nghĩa trang thời Hyksos, tỷ lệ đồng vị strontium trong răng của họ khẳng định đó là con cháu của những người nhập cư trước đó.
Ai Cập thực sự không phải vùng đất riêng của người Ai Cập bản địa, các nhà nghiên cứu cho biết. Thay vào đó, "vùng đồng bằng phía đông bắc sông Nile đại diện cho một trung tâm đa văn hóa lâu đời trước cả thời Hyksos".
Phân tích đồng vị cho thấy hầu hết mọi người ở đó không phải là người địa phương.Họ đã đến Ai Cập từ một dòng chảy nhập cư quốc tế, hội tụ lại từ nhiều tuyến đường nối sang Châu Á.
Nhiều bằng chứng khảo cổ khác cũng ủng hộ ý tưởng này. Có nhiều tài liệu ghi lại những cuộc hôn nhân khác chủng tộc, của những người đàn ông có tên Ai Cập kết hôn với phụ nữ không có tên Ai Cập.
Các bức vẽ trên kim tự tháp cổ đại mô tả nhóm người này với lối ăn mặc sặc sỡ, quần dài, áo dài khác hẳn với người Ai Cập. Trước cuộc nổi dậy của người Hyksos, có vẻ như đã có một làn sóng phụ nữ ngoại tộc di cư đến khu vực này. Số lượng phụ nữ đến đây còn nhiều hơn nam giới.
Điều này quan trọng bởi vì hầu hết các cuộc xâm lược trong lịch sử đều được tiến hành bởi những đội quân nam giới. Các nhà khoa học đã cố gắng tìm những dấu vết hay tàn tích của một trận đánh xâm lăng.
Đây cũng là một điểm rất đáng lưu ý, bởi nếu người Hyksos xâm chiếm Ai Cập từ bên ngoài biên giới, có lẽ một trận chiến hết sức ác liệt đã phải xảy ra. Nhưng đến giờ, các nhà khoa học vẫn không tìm thấy dấu vết những cuộc chiến như vậy trên khắp các khu vực khảo cổ.
Ngược lại, các bằng chứng đồng vị strotium cho thấy dấu vết của một làn sóng di cư và hoà huyết. Những phụ nữ ngoại tộc đến từ Châu Á đã đến sinh con với đàn ông bản địa Ai Cập. Quá trình đó xảy ra một cách chậm chạp và hòa bình.
Những người nhập cư có thể còn đã mang vào Ai Cập cả bảng chữ cái và những công nghệ xe ngựa. Họ không đến đó để gây chiến tranh cho đến khi chính biến Hyksos xảy ra.
"Điều này phù hợp với giả định rằng, trong khi giai cấp thống trị có nguồn gốc Cận Đông, sự trỗi dậy của người Hyksos không phải là kết quả của một cuộc xâm lược", các tác giả nghiên cứu cho biết. "Đó chỉ là một sự lật đổ chính trị nội bộ, trao quyền thống trị vào tay một bộ phận ngoại tộc tinh hoa".
Mặc dù vậy, những người Hyksos cũng chỉ có thể chiếm cứ miền bắc Ai Cập trong 3 triều đại. Các pharaoh sau đó đã phản công và chiếm lại được toàn bộ lãnh thổ của mình. Họ đẩy người Hyksos ra khỏi lãnh thổ.
Một số nhà sử học cho rằng sự kiện này đã truyền cảm hứng cho Exodus trong Kinh Thánh, khi nó có rất nhiều trùng khớp với câu chuyện kể về Moses, một nhà tiên tri đã rẽ nước Biển Đỏ để dẫn nửa triệu người Do Thái thoát khỏi Ai Cập trở về miền đất hứa của họ.
Theo GenK