Internet đang nằm trong tầm ngắm của WHO. Tổ chức này đã theo dõi tác động của các thiết bị điện tử nói chung và trò chơi điện tử lên con người nói riêng từ năm ngoái. Và câu chuyện sẽ càng trở nên nghiêm túc hơn khi “nghiện game” chính thúc được coi là một bệnh.

Nhưng rốt cục “nghiện game” là gì?

WHO định nghĩa nó là “hành vi chơi game thường xuyên và liên tục có thể là game offline hay game online” gồm các biểu hiện sau: thiếu khả năng kiểm soát khi chơi game (về tần suất, nội dung, thời gian,…); chơi game được ưu tiên hơn các thú vui, hoạt động hàng ngày khác; và tiếp tục gia tăng thời lượng chơi game bất chấp hiệu quả tiêu cực.

“Nghiện game” được WHO đưa vào danh sách Các loại Bệnh được Quốc tế Công nhận là một quyết định có ý nghĩa lớn bởi từ đây, nó sẽ được các bác sĩ cùng giới chuyên gia y tế coi là một loại bệnh, triệu chứng để chẩn đoán cho bệnh nhân.

Nó cũng sẽ được các hãng bảo hiểm dùng để phân định các hệ thống hoàn trả và chi trả chi phí cho khách hàng. Tuy nhiên, phía WHO yêu cầu phải thực hiện những hành vi trên ít nhất một năm thì một người mới được coi là có triệu chứng của bệnh “nghiện game”.

Mặc dù bỏ phiếu thông qua, nhưng nhiều quốc gia đã lên tiếng phản đối quyết định mới nhất của WHO. Hàn Quốc là một trong những quốc gia đầu tiên lên tiếng bày tỏ sự không hài lòng.

Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch Hàn Quốc đã lập luận chống lại việc WHO coi “nghiện game” là một căn bệnh và thậm chí còn đưa ra bằng chứng chơi game không phải là vấn đề.

Theo đó, cơ quan này đã trích dẫn một nghiên cứu dài năm năm được thực hiện ở Hàn Quốc và nhấn mạnh rằng việc chơi game là do nhiều yếu tố - chẳng hạn như sự ủng hộ từ giáo viên, căng thẳng từ trường lớp và cả những mối quan hệ với bạn bè. WHO đổ lỗi cho trò chơi điện tử mà không nhìn vào bất cứ thứ gì khác, theo Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch Hàn Quốc.

Người “nghiện game” không thiếu trong xã hội hiện đại. Nhiều báo cáo chỉ ra rằng những người bỏ bê trách nhiệm cuộc sống hoặc trở nên bạo lực chỉ vì mải mê chơi game không hề khan hiếm.

Nhưng sự khác biệt giữa một fan nhiệt thành với người “nghiện game” đôi khi rất khó để xác định, phân định rạch ròi.

None (Theo Dot Esports)