- Trong cuộc họp báo chung với Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Ngoại trưởng John Kerry đã khẳng định gói viện trợ Mỹ dành cho khu vực, trong đó có Việt Nam, nhằm nâng cao các khả năng hàng hải là không nhằm vào một quốc gia nào, một căng thẳng cụ thể nào trong khu vực.

“Đó là một phần của sự mở rộng từng bước và được lên kế hoạch trước. Nó mở rộng các thỏa thuận và chương trình mà chúng ta đang có, nó cũng là cam kết xây dựng khả năng hàng hải mạnh mẽ hơn trong ASEAN và trong khu vực. Vì thế, đây thực sự là một chính sách đang diễn ra và không phải là kiểu phản ứng nhanh chóng với bất kể sự kiện nào trong khu vực”, ông Kerry trả lời phóng viên Reuters về việc liệu quyết định gia tăng hỗ trợ hàng hải của Mỹ cho khu vực có trùng khớp với diễn biến tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và Hoa Đông.

{keywords}
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Ngoại trưởng John Kerry chiều 16/12 tại Hà Nội. Ảnh: Minh Thăng

Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nói thêm, dù có bất đồng trên biển nhưng “chúng tôi có thỏa thuận về sáu nguyên tắc giải quyết các vấn đề, chúng tôi đang thực thi DOC và trên đường xây dựng COC. Những biện pháp này sẽ duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải”.

Trong cuộc họp báo chung trước phần hỏi đáp, Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh, hai bên đang nỗ lực làm việc để thúc đẩy an ninh khu vực. “Chúng tôi đang mở rộng hợp tác về hỗ trợ nhân đạo và ứng phó thảm họa cũng như các khả năng tìm kiếm cứu hộ”.

Ông Kerry tuyên bố: “Không một khu vực nào có thể an toàn nếu thiếu vắng sự thực thi pháp luật có hiệu quả trên biển. Vì thế, hôm nay tôi vui mừng thông báo việc Mỹ quyết định hỗ trợ 32,5 triệu USD cho thực thi luật pháp hàng hải ở các nước Đông Nam Á. Gói hỗ trợ này bao gồm cả việc đào tạo và mua sắm tàu mới cho đơn vị phòng vệ bờ biển. Nó sẽ góp phần mở rộng hợp tác khu vực trong các vấn đề hàng hải và cuối cùng là cung cấp khả năng cho các nước Đông Nam Á thực hiện hoạt động nhân đạo, giám sát vùng biển của họ một cách hiệu quả hơn”.

Về vấn đề Biển Đông, Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh: “Hòa bình và ổn định ở Biển Đông là ưu tiên của chúng tôi và các nước trong khu vực. Chúng tôi quan ngại và phản đối mạnh mẽ chiến thuật áp chế, gây hấn để giành lợi thế trong tuyên bố chủ quyền lãnh thổ. Các bên tuyên bố chủ quyền có trách nhiệm làm rõ tuyên bố của mình và để các tuyên bố ấy phù hợp với luật pháp quốc tế. Các nước có thể nhờ trọng tài phân xử hay các phương tiện khác của đàm phán để giải quyết tranh chấp một cách hòa bình. Chúng tôi ủng hộ nỗ lực của ASEAN với Trung Quốc nhằm nhanh chóng đi tới Bộ quy tắc ứng xử trên biển. Trong khi Bộ quy tắc là điều cần thiết về dài hạn, thì các nước có thể giảm bớt nguy cơ hiểu lầm, tính sai bằng cách thỏa thuận ngăn chặn khủng hoảng. Đây là con đường đơn giản để nỗ lực và giảm thiểu căng thẳng, cố gắng giảm bớt nguy cơ xung đột”.

Ông Kerry bày tỏ những quan ngại về các hành động gần đây làm gia tăng căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản ở Hoa Đông. “Chúng tôi kêu gọi nhanh chóng tăng cường đàm phán và các sáng kiến ngoại giao”, ông nói.

Ngoại trưởng Mỹ cũng nói rõ quan điểm về Vùng nhận diện phòng không mà Trung Quốc tuyên bố thiết lập ở Hoa Đông - nơi họ có tranh chấp với Nhật. “Liên quan tới tranh chấp lãnh thổ, tôi bày tỏ sự quan ngại sâu sắc về tuyên bố của Trung Quốc trong việc thành lập Vùng nhận diện phòng không ở Hoa Đông. Động thái này rõ ràng làm tăng nguy cơ hiểu lầm nguy hiểm cũng như xảy ra sự cố, nó có thể làm leo thang căng thẳng hơn nữa. Tôi nói với ngài Phó Thủ tướng rằng, Mỹ không công nhận vùng này và không chấp thuận nó. Tuyên bố của Trung Quốc sẽ không thay đổi cách Mỹ thực hiện các hoạt động quân sự trong khu vực”.

Ông tuyên bố: “Đây là mối quan ngại mà chúng tôi rất thẳng thắn, rất trực tiếp thể hiện với Trung Quốc. Vùng nhận diện phòng không không nên được thực thi, và Trung Quốc nên tránh những hành động đơn phương tương tự ở các nơi khác trong khu vực, nhất là ở Biển Đông”.

Thái An