- Sau khi giải cứu lao động khỏi vùng chiến sự Libya, các doanh nghiệp XKLĐ đang đứng trước “thảm cảnh” khó khăn chồng chất khi chờ phương án thanh lý hợp đồng cho người lao động.

“Lực bất tòng tâm”

Với 1.644 lao động trở về từ Libya, ông Nguyễn Vạn Xuân, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Việt Thắng tính toán phần phí quản lý trả lại cho người lao động sẽ là 8-10 tỷ đồng (tùy theo thời gian thực tế lao động đã làm việc ở Libya).

Mặc dù đã được các tổ chức quốc tế, đối tác và nhà nước hỗ trợ giải cứu lao động về nước an toàn, song ông Xuân cho biết, công ty cũng đã phải chi hơn 1 tỷ đồng khi đón lao động về nước (gồm tiền mua vé tàu xe, hỗ trợ ăn nghỉ, chi phí cho lao động về tới nhà).

Tiền phí đưa lao động từ Libya về nước đang được các công ty đối tác nước ngoài  trừ vào lương  người lao động qua doanh nghiệp XKLĐ.
“Theo quy định của pháp luật, doanh nghiệp thu phí quản lý của người lao động và chi trả cho các khoản như phí tạo nguồn, quản lý khi lao động làm việc ở nước ngoài. Chúng tôi đã thành lập văn phòng đại diện tại Libya, ký hợp đồng 3 năm và sắm sửa các phương tiện để văn phòng hoạt động. Mới được 3 tháng thì xảy ra chiến sự. Giờ lao động về nước chúng tôi không thể nói không với quyền lợi chính đáng của lao động. Ngoài trả lại phí quản lý, chúng tôi phải hỗ trợ lao động một phần, song tình hình này chúng tôi sợ rằng “lực bất tòng tâm”, ông Xuân nói.

Cũng như công ty Việt Thắng, Công ty Sona cũng đang rơi vào tình cảnh hết sức khó khăn khi trong những ngày gần đây lao động tập trung đến trụ sở của công ty đòi thanh lý hợp đồng.

Ông Đoàn Đại Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Sona cho biết: Hiện công ty vẫn đang chờ phương án hỗ trợ của nhà nước rồi mới có thể thanh lý hợp đồng cho người lao động. Tuy nhiên, với tình hình hiện tại thì công ty đang đứng trước muôn vàn khó khăn.

Ông Thanh nói: Tiền môi giới, về nguyên tắc khi đưa lao động đi là phải trả cho phía đối tác, tiền đã giao cho họ bây giờ xảy ra sự việc như thế này đòi lại là không thể. Theo Luật Doanh nghiệp có thể đệ đơn kiện, nhưng kiện được là điều hết sức khó khăn.

Bên cạnh đó, phí quản lý trả lại cho người lao động với thời gian tương đương chưa làm việc, theo ông Thanh đương nhiên là doanh nghiệp phải trả, tuy nhiên khó khăn là công ty thu để nuôi bộ máy hoạt động chứ không phải thu rồi để trong két nên bây giờ lao động về hoàn trả lại cũng đang là cả vấn đề đối với doanh nghiệp.

“Thu của người lao động 10 đồng tiêu mất 7 đồng, giờ trả lại cho lao động cả 10 đồng là cực kỳ khó. Nếu như một vài trường hợp thì quá đơn giản, nhưng công ty với trên 2.000 lao động về thì không đơn giản chút nào”, ông Thanh nói.

Không chỉ dừng lại ở việc phải lo thanh toán phí quản lý và phí môi giới cho người lao động theo luật, mà tiền lương của người lao động làm tháng 1 và hơn nửa tháng 2 chưa được công ty đối tác thanh toán giờ đây cũng đang có nguy cơ đè nặng lên vai doanh nghiệp XKLĐ.

Theo đúng hợp đồng lương của người lao động là do đối tác nước ngoài thuê lao động phải trả, nhưng khi xảy ra chiến sự ở Libya, doanh nghiệp đối tác đã bỏ tiền ra để đưa lao động về nước.

Ông Thanh cho biết: Riêng đối với công ty ông, đối tác bỏ tiền ra mua vé máy bay cho 1.800 lao động về nước, với mức vé 1.500 USD/ người thì đây là một số tiền khổng lồ. Trong khi đó, các công ty nước ngoài đang nợ lương tháng một và tháng hai của người lao động, đối tác yêu cầu công ty chia sẻ khó khăn bằng cách giữ lại lương và yêu cầu doanh nghiệp Việt Nam trả lương cho người lao động thông qua chi phí họ đưa lao động về.

Công ty với khoảng 2.000 lao động, với mức trung bình mỗi lao động 5.00 USD tiền lương thì số tiền này cũng quá lớn với doanh nghiệp.

Trước những khó khăn bộn bề trước mắt, ông Thanh cho rằng: Khó khăn này là bất khả kháng, và cần được nhà nước và người lao động chia sẻ chứ doanh nghiệp phải gánh cả thì… không ổn.

Loay hoay tìm lối thoát

Trong khi chờ phương án hỗ trợ cho người lao động, một số doanh nghiệp cũng đã chủ động tìm phương án để giải quyết việc làm cho người lao động về nước và tìm lối thoát cho mình.

Ông Nguyễn Vạn Xuân cho biết: Sau khi lao động về nước, công ty đã khảo sát tâm tư nguyện vọng của họ và phần lớn đều có nguyện vọng đi XKLĐ tiếp.

Doanh nghiệp XKLĐ đứng trước nỗi lo thanh lý hợp đồng cho người lao động.
Lao động Nguyễn Văn Toàn, ở xã Đại Hùng (huyện Ứng Hoà, Hà Nội) cho biết: “Nếu đi làm công nhật trong nước thu nhập một tháng chừng 5 triêu đồng, song công việc không đều nên để trả được khoản nợ vay đi Libya nhanh thì chỉ có cách đăng ký đi XKLĐ tiếp”.

Tại Công ty Việt Thắng, có cả ngàn lao động có nguyện vọng như anh Toàn, song công ty này không dễ gì đáp ứng được bởi thị trường lớn nhất của họ là Libya, các thị trường khác đơn vị này chưa có nhiều đơn hàng.

Dù vậy nhưng đã có gần 100 lao động được Công ty CP Việt Thắng đưa đi học hàn tản nhiệt để chuẩn bị đưa sang Dubai làm việc tiếp. Công ty này cũng đã xúc tiến khai thác thị trường Tanzania để đưa lao động sang.

Ông Đoàn Đại Thanh cũng cho rằng: Giải pháp đưa lao động đi XKLĐ tiếp là phương án khả thi nhất để giải quyết khó khăn cho cả người lao động và doanh nghiệp. Chính vì vậy, ngay sau khi lao động Libya về nước được 2-3 ngày đã có một số lao động được Công ty Sona gọi lên tuyển đi Ẩ Rập Saudi.

“Lao động đã có kinh nghiệm làm việc ở nước ngoài nên doanh nghiệp không phải đào tạo, thêm vào đó mức lương làm việc ở Ả Rập Saudi từ 6-7 triệu đồng tháng cũng là mức thu nhập khá ổn định cho người lao động”, ông Thanh cho biết.

Với hơn 10 ngàn lao động về nước, gánh nặng không chỉ trên vai các doanh nghiệp đưa đi mà còn là gánh nặng của nhà nước. Con số lao động thất nghiệp, thiếu việc làm vì thế cũng gia tăng, phong trào XKLĐ tổn thất.

Cộng đồng doanh nghiệp XKLĐ với hơn 160 doanh nghiệp không phải là con số đáng kể so với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, song mỗi năm họ cũng đóng góp không nhỏ đối với công tác giải quyết việc làm cho người lao động.  

Chỉ tiêu Quốc hội giao cho ngành LĐTBXH những năm gần đây thường khoảng 70-80 vạn lao động/năm. Từ năm 2008 đến nay, các doanh nghiệp trong lĩnh vực này đã liên tiếp gánh chịu rủi ro, lao động về nước trước hạn do khủng hoảng kinh tế toàn cầu và giờ đây là tình hình bất ổn ở các nước Bắc Phi.

Thiết nghĩ, trong phương án hỗ trợ người lao động trở về từ Libya, Chính phủ và Bộ LĐTBXH cũng cần tính toán các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp XKLĐ để các doanh nghiệp này có thể “làm tròn” trách nhiệm với người lao động cũng như còn cơ hội để vực dậy.

Vũ Điệp