Ngôi trường có mức học phí đắt đỏ nhất nước Mỹ lại là một ngôi trường nhỏ mà có thể bạn chưa từng nghe tên.
Khuôn viên của Harvey Mudd - ngôi trường chỉ có hơn 800 sinh viên |
Harvey Mudd là một trường tư thục theo mô hình giáo dục khai phóng nằm phía ngoài Los Angeles. Năm học 2017-2018, trường này thu 71.939 USD cho học phí, ký túc xá và tiền ăn.
Khuôn viên của trường không lớn. Nhiều lớp học nằm dưới tầng hầm, không có những bức tường dành cho môn leo núi trong nhà. Trường cũng phải phối hợp với 2 đơn vị khác để lập ra một đội bóng đá.
Tuy nhiên, điểm thu hút của ngôi trường này lại nằm ở vấn đề khác. Những cựu sinh viên của trường được biết đến là những người có thu nhập rất cao ngay từ khi mới tốt nghiệp.
Hiệu trưởng Maria Klawe đi ván trượt trong khuôn viên trường |
Để nhận được một tấm bằng cử nhân của Harvey Mudd, bạn phải tốn chi phí hơn mua một ngôi nhà. Tuy nhiên, ‘quả ngọt’ của nó thì thực sự xứng đáng. Năm 2014, Google tuyển dụng 11 nhân viên trong số 170 cử nhân tốt nghiệp của trường. Amazon và Microsoft tuyển 4 người mỗi doanh nghiệp. Chưa hết, nhiều cựu sinh viên của trường làm việc cho những gã khổng lồ về công nghệ. Mức lương khởi nghiệp trung bình cho khóa tốt nghiệp năm 2015 là 92.500 USD.
Giống như các trường đại học tư thục khác, Harvey Mudd cũng đưa ra nhiều suất học bổng lớn cho sinh viên. Hơn ¾ sinh viên năm đầu của trường nhận được hỗ trợ tài chính cho năm học 2015-2016. Mức học bổng trung bình mà mỗi sinh viên nhận được là 26.700 USD.
Trại hè STEM trong 4 năm học
Quãng thời gian ở Harvey Mudd giống như bạn đang tham gia một trại hè STEM kéo dài 4 năm |
STEM là ưu tiên hàng đầu của Harvey Mudd. Hiện tại, trường chỉ có 10 chuyên ngành. Mỗi sinh viên đều phải học chương trình đại cương ở mỗi môn học, bất kể họ chọn ngành nào.
“Nó giống như một trại hè STEM dài 4 năm, nơi mà bạn phải làm việc rất chăm chỉ, nhưng lại có rất nhiều thứ thú vị xảy ra mỗi ngày” – Ian Fisher, một tư vấn viên giáo dục cho hay.
Bà Maria Klawe, hiệu trường nhà trường, cho biết, các lớp học của Harvey Mudd rất nghiêm ngặt và học với tiến độ nhanh, vì thế sinh viên được khuyến khích làm việc nhóm.
“Ở đây, trong vài tuần đầu tiên, chúng tôi học với số tài liệu nhiều hơn cả số mà bạn sẽ phải đọc trong cả một học kỳ ở Princeton” – bà Klawe nói.
Ngoài STEM, còn gì?
Các môn học khoa học xã hội nhân văn chiếm 1/3 và một nửa sinh viên của trường là nữ. |
Ngoài STEM, nhà trường cũng có một chương trình phối hợp mà bạn không thể tìm thấy ở những ngôi trường tập trung vào STEM khác. 1/3 môn học của sinh viên là về khoa học xã hội nhân văn.
Lý do mà cô sinh viên năm nhất Kathleen Kohl chọn Harvey Mudd thay vì MIT là ở sự linh hoạt trong chương trình của trường - nó cho phép sinh viên khám phá những lĩnh vực khác ngoài STEM.
“Hồi trung học, tôi thích môn Vật lý, nhưng tôi không thực sự biết tôi có muốn tiếp tục nghiên cứu nó hay không. Và tôi còn có những lĩnh vực học thuật khác mà tôi quan tâm. Vì thế, tôi không muốn tới một ngôi trường mà ở đó tôi phải dẹp bỏ những mối quan tâm khác” – Kohl nói.
Cuối cùng, Kohl cũng chọn trở thành một sinh viên chuyên ngành Vật lý, nhưng cô cũng tham gia cả lớp viết sáng tạo và đội hợp xướng.
Khu vực hành lang của trường |
Một phòng ký túc xá của Harvey Mudd |
Làm việc cho SpaceX trước khi tốt nghiệp
Với chất lượng đào tạo của mình, các doanh nghiệp đã phải xếp hàng để được làm việc với sinh viên của Mudd trước khi họ tốt nghiệp. Khoảng 40% doanh nghiệp tài trợ cho cái được gọi là “chương trình chăm sóc sức khỏe” mỗi năm, và thường sẽ có một danh sách chờ - hiệu trưởng Klawe cho biết.
Một nhóm sinh viên sẽ được giao cho một dự án. Trước kia, SpaceX từng đề nghị sinh viên của Mudd cải thiện phần mềm được sử dụng cho tên lửa của mình. Một công ty có tên là RevMedX cũng đề nghị sinh viên của trường giúp thiết kế một loại băng keo cầm máu khi tiêm, có khả năng ngăn ngừa chảy máu nhiều cho quân đội. Một nhóm sinh viên khác thì làm nhiệm vụ tạo ra một chương trình giúp các tạp chí People và Time sắp xếp hàng trăm, hàng ngàn bức ảnh được gửi đến trong những sự kiện như Oscars.
Học hết sức, chơi hết mình
Cuối tuần là thời gian sinh viên Mudd dành cho vui chơi, giải trí |
“Từ thứ 2 tới thứ 5, mọi sinh viên của trường đều phải vùi đầu vào sách vở, phòng thí nghiệm, nhưng vào cuối tuần, chúng tôi có văn hóa ký túc xá rất mạnh. Nó giống như một phiên bản của đời sống Hy Lạp” – nữ sinh Tiffany Lim chia sẻ.
Harvey Mudd không có các hội nam sinh hay nữ sinh, nhưng mỗi ký túc xá đều có 2 bữa tiệc lớn mỗi năm. Ký túc xá của Lim thậm chí còn ném đến 5 tấn tuyết trong bữa tiệc của mình khiến khoảng sân nhỏ biến thành hồ bơi. Một ký túc khác thì tổ chức bữa tiệc theo phong cách “miền Tây hoang dã” với đống vỏ đậu phộng bay đầy khắp sân. Và tất nhiên không thể thiếu những con bò, nhưng là làm bằng máy móc.
Trong bối cảnh học phí đại học, nợ sinh viên đang là vấn đề “nóng” của giáo dục Mỹ thì một ngôi trường với mức thu nhập hứa hẹn ắt hẳn là một điểm hấp dẫn lớn với sinh viên. Tuy nhiên, mức thu nhập 6 con số đầy hứa hẹn không phải là yếu tố đưa Kohl đến với Harvey Mudd.
“Chắc chắn nếu mục tiêu của tôi là kiếm được thật nhiều tiền thì đó sẽ là một đặc quyền, nhưng nó không phải là ưu tiên” – Kohl nói.
Cô nhận một suất học bổng chi trả gần như toàn bộ chi phí. Nhưng sau khi tốt nghiệp, Kohl vẫn nợ khoảng 25.000USD. Và mặc dù một sự nghiệp với mức lương cao vót không hẳn là thứ mà Kohl nhắm đến, song cô biết rằng các ngành công nghiệp STEM đang có những cơ hội việc làm rất lớn.
Làm thế nào để được học ở Mudd?
Hầu hết sinh viên của Mudd đều là những người đứng đầu trong lớp phổ thông. Bạn phải yêu môn toán và khoa học, nhưng không phải vì thế mà bạn mù tịt những thứ khác.
“Một điều mà chúng tôi tìm kiếm ở sinh viên viên của mình là họ phải đủ quan tâm để đảm bảo rằng những người khác cũng sẽ hiểu những thứ đó giống như họ” – bà Thrya Briggs, phó giám đốc tuyển sinh và hỗ trợ tài chính của trường cho hay.
- Nguyễn Thảo (Theo CNN)