Trên các hội nhóm kinh doanh online, nhiều người than thở dù đã đặt hàng 5-6 ngày, thậm chí có người đặt gần hai tuần nhưng đến nay vẫn chưa nhận được hàng.
Chị Nguyễn Phương Thanh (Hà Đông) cho biết, chị đặt mua online hàng mỹ phẩm nhưng chờ gần hai tuần vẫn chưa thấy shipper gọi giao hàng. Chị Thanh liên hệ với chủ shop thì được biết, phía đơn vị giao nhận đang quá tải. Chị bức xúc phản ứng, kể cả quá tải nhưng cũng không thể lâu đến vậy.
Trên diễn đàn, một nickname tên Đoàn Huyền cũng chia sẻ, mấy ngày nay hóng shipper (người giao hàng) hơn hóng người yêu, ngày mở Shopee hối giục hàng chục lần. Nickname này bày tỏ chỉ mong hàng về đến tay trước Tết.
Không chỉ riêng người mua hàng bức xúc, ngay cả chủ shop bán hàng online như chị Mai ở Cầu Giấy - Hà Nội cũng rất lo lắng. Chị Mai nói, những ngày cận Tết Nguyên đán, lượng đơn đặt hàng tăng đột biến, việc chậm hàng là chuyện rất bình thường.
Việc chậm đơn hàng đến tay người nhận không phải điều chị Mai lo ngại nhất, mà chị sợ hơn cả là đơn hàng thất lạc, có thể sẽ mất hàng, mọi tổn thất chị phải chịu.
Theo giải thích của nhiều chủ shop online, việc gửi hàng qua hệ thống Giao hàng Tiết kiệm (GHTK) đang bị đình trệ do nhân viên giao hàng quá tải, thậm chí trên mạng xã hội lan truyền thông tin nhiều nhân viên đình công không giao hàng.
Trên mạng xã hội, nhiều shipper giao hàng thừa nhận rất nản, vì mức thưởng Tết không xứng đáng với công sức bỏ ra thời gian qua.
Shipper có nick name Jack Sparrows than thở: "Làm cả năm trời cày cuốc như trâu, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời mà đến Tết không có thưởng thì anh em đình công là chuyện bình thường".
Theo shipper Nguyễn Văn Bảy, anh cũng như nhiều người trong hệ thống GHTK cảm thấy nản khi được biết năm nay sẽ không có thưởng Tết. "Biết thông tin không có thưởng Tết, nhiều anh em shipper bức xúc, làm việc rất uể oải".
Trao đổi với PV.VietNamNet về thông tin trên mạng xã hội cho rằng nhân viên GHTK đang đình công, đại diện đơn vị này cho biết đang tập trung giải quyết các vấn đề cho khách hàng.
"Trong 2 tuần gần đây, lượng hàng thương mại điện tử đưa vào mạng lưới tăng cao đột biến gây ảnh hưởng đến chất lượng vận hành. Vì vậy, GHTK chúng tôi buộc phải tạm ngừng nhận đơn ở một số khu vực cục bộ nhằm đảm bảo chất lượng vận hành. Chúng tôi rất hiểu và đồng cảm với các shop bán hàng vì dịp Tết là mùa kinh doanh cao điểm với các shop", đại diện công ty nói.
GHTK cam kết ngay trong tuần này sẽ nỗ lực hết sức nhằm thúc đẩy năng suất xử lý đơn hàng để nhận thêm đơn, kịp thời chuyển hàng Tết cho các chủ shop bán hàng.
GHTK cũng khẳng định không có đình công, mà chỉ là lượng hàng cao đột biến dịp cuối năm.
Để đơn kịp giao tới khách, nhất là khi cái Tết đã cận kề, nhiều chủ cửa hàng xoay xở, tìm mọi cách để vận chuyển hàng, liên hệ đổi sang hệ thống vận chuyển khác như Grab, Viettel post...
Đơn cử, chị Hoàng Lan, chủ một shop thời trang tại quận Thanh Xuân - Hà Nội, cho hay, khi hệ thống GHTK ngừng nhận đơn, chị đã sử dụng dịch vụ Grab Express.
"Tùy vào địa chỉ giao hàng, nếu trong nội thành Hà Nội, bán kính khoảng 7km giá ship khoảng hơn 50.000 đồng. Hệ thống giao hàng của Grab so với GHTK không hề đắt hơn, nhưng giá cước lại cao nếu giao vào giờ cao điểm, khách cần gấp hoặc thời tiết mưa rét... "- chị Lan nói.
Đối với hàng ship đi các tỉnh, để hàng đến người nhận nhanh và rẻ, cách duy nhất là chị Lan phải chở hàng ra tận bến xe Mỹ Đình rồi gửi qua xe khách.
"Chuyển hàng qua xe khách vừa rẻ lại nhanh, chỉ trong ngày là đến. Tuy nhiên, khách mua hàng phải ra điểm dừng xe gần nhất để nhận hàng, khá là vất vả. Nhưng đây là giải pháp tốt nhất ở thời điểm cận Tết", chị Lan chia sẻ thêm.
Tại phía Nam, chủ một cửa hàng thời trang ở phường Bình Thạnh, kể rằng, shop có gần 50 đơn hàng tồn kho đang chờ giao. Cửa hàng cố gắng liên hệ với đơn vị vận chuyển để giao hàng đến khách sớm nhất có thể. Đối với những đơn hàng chưa được gửi đi, phía cửa hàng phải tìm đơn vị vận chuyển mới, như giao bằng đường hàng không của Nasco cho khách ở miền Bắc và đường bộ hỏa tốc cho khách ở miền Trung và miền Nam.