“Thì là đang kẹt chung hết thôi mà! Tui không nói chuyện thì xe cũng có đi nhanh hơn được đâu? Thôi nếu cô không thích thì cô bấm hủy đi!”.

Tôi bực bội thảy mớ tiền xe lên ghế rồi đạp cửa bước bừa xuống đường ngay khu chợ Bến Thành, rồi cứ vậy đi bách bộ ngược hướng đại lộ Lê Lợi, đợi qua cơn bốc hỏa.

Cuối năm…

Ngôi chợ nhà lồng trứ danh của thành phố đã mang đầy dấu hiệu ngắc ngoải thoi thóp khi dịch bệnh hoành hành, người ta chuyển sang mua bán online. Vừa không hao tiền mặt bằng, lại an toàn khi lúc đó, nỗi sợ tiếp xúc khiến cho cung cách chợ truyền thống trở thành cơn ác mộng. Hàng loạt tiểu thương lâu đời ngậm ngùi bỏ sạp, chợ mất hai năm cầm cự chủ yếu bằng dãy sạp hàng nằm chính diện, khỏa lấp qua loa mớ dãy hàng không còn người bán phía sau.

Từ khi bà cụ cao niên - người từng tận tay đóng guốc cho giai nhân Thẩm Thúy Hằng - không còn trở lại sạp sau dịch mà chính vị thân chủ trứ danh của bà cũng vừa ra người thiên cổ năm nay, tôi cũng không còn lui tới nơi này thường xuyên nữa.

Vài tuần trước, người ta đẩy một lực lượng TikToker ra livestream hỗ trợ tiểu thương. Những tiếng rao không còn hướng về một cô Bảy chú Năm nào đó ghé mua mà được tung vào không gian mạng vỏn vẹn trên mặt lướt điện thoại, tưởng chừng quá nhỏ bé so với quảng trường bạt ngàn cháy nắng, nhìn mông lung ra hướng nơi từng có tượng ông tướng Trần Nguyên Hãn một tay tung cánh chim bồ câu, một tay ghì cương chiến mã… 

Rồi sẽ không lâu nữa đâu, chính khoảng trống cháy nắng này cũng sẽ chỉ còn là ký ức của một thế hệ thị dân trẻ, rất có thể, cả trào lưu livestream lẫn khái niệm “tiểu thương vật lý”, rồi tất thảy cũng sẽ đổi thay thành ký ức. Nghe đâu đợt rồi có hãng ra mắt cả AI streamer để bán hàng online phụ, có mặt biết cười, biết tương tác, rành cả ngoại ngữ và không biết… mệt.

Đợt hoạt động hỗ trợ nghe nói rất thành công, như một cú hà hơi thổi ngạt cho ngôi chợ từng là nút thắt giao thương thành Gia Định.

Còn tôi, dẫu sao vào một ngày rảnh, tôi vẫn muốn đích thân ghé hàng bà Chè Bé, vừa coi bả tính tiền bằng não trạng toán học vượt trội, vừa múc chè vô cái chén miểng không dư hột đậu nào.

Gánh bún riêu ngoài hông chợ đã rời đi từ lâu, nghe đâu mở mới bên Lê Thánh Tôn. Phía này chỉ còn bà bột chiên và bà chuối hấp. Chưng hửng nhận ra hàng bột chiên không còn ở đó, lòng thầm cầu nguyện chỉ là bữa nay hết hàng sớm, và ngày mai bả lại dọn hàng quạt khói tưng bừng như trước giờ.

image 50384897.jpg
 Ngược dòng đại lộ. Minh họa: Nguyễn Minh 

Sau dịch, cứ mỗi lần sực nhớ một hàng cóc quen, thậm chí một người bán rong, người ăn xin, chú xe ôm truyền thống, lòng vẫn thắt lại âu lo tự hỏi họ còn đó hay không.

Dọc lối Lê Lợi mới được trả lại mặt lộ thông thoáng sau nhiều năm thi công. Nhưng không như chờ đợi, ngày tái sinh đã không bùng nổ thịnh vượng cho khu trung tâm mà trái lại, những mặt tiền sập cửa, dán chằng chịt bảng rao cho thuê mặt bằng. 

Đã có rất nhiều thứ đã không như người ta nghĩ, rằng một khi hết dịch.

Một khi hết dịch, ta sẽ trọng quý tình thân, hơi thở, sức khỏe.

Một khi hết dịch, ta hứa sẽ không phàn nàn, sẽ trân trọng từ bữa nhậu mặt đối mặt cụng ly “vật lý” nghe lanh canh, trân trọng cho tới từng cuộc họp hành “vật lý” như những ngày trước dịch.

Một khi hết dịch, ta sẽ cùng ùa ra đường reo hò cho đã buồng phổi.

Đã chẳng có gì như vậy, khi ta nhận ra ngoài hai lá phổi tạm thời lành lặn nhưng tài khoản ngân hàng thì không.

Cũng như đã chẳng có cuộc hồi sinh đại phát đại thịnh nào của các chủ mặt tiền đại lộ trung tâm cả mà là một hoang mạc đìu hiu trông khá giống một lá phổi bị tổn thương, chằng chịt băng keo vá víu ngặt nghèo.

Ngọn nến trang hoàng sầm uất duy nhất, níu kéo tinh thần sang cả từng có của đại lộ Lê Lợi, chính là khu trung tâm thương mại ngay ngã tư Nam Kỳ. Viền bên ngoài, trên vỉa hè là những lượt thị dân xúng xính chụp những bức hình chắc chắn sẽ bị ngược sáng với khung cảnh hàng hóa lộng lẫy nhưng mặt người đen thui. Mặc tình, người ta trong khốn khó, lại càng khao khát hơn những dấu chỉ của thịnh vượng, dù chỉ để giữ làm kỷ niệm, hay để đăng lên tài khoản mạng xã hội cho một chút trang trí hình thức quen thuộc của mùa lễ hội lên cái chân dung nhân hiệu ỉu xìu của một năm chật vật.

Nép vào mái hiên không xa tiệm kem Bạch Đằng, một xe đẩy loại dùng trong siêu thị, bên trên lỉnh kỉnh treo máng bịch xốp giỏ đệm, bên dưới nhìn nhằng một nùi dây cột loanh quanh cỡ bốn năm con chó cỏ đang giỡn. Con lớn nhất vêu vao nhìn ra mặt lộ, nơi một đám chụp cưới còn vớt vát chút nắng cuối ngày. Bên cạnh, một dáng người cong vòng như dấu chấm hỏi, đầu đội nón tơi, nhìn như một tấm bích chương sống của bộ phim Quỷ cẩu mới ra rạp. Gần cuối năm, các nhà sản xuất cine nội địa rũ sổ cho hết mùa phim kinh dị, mà những câu chuyện lùm xùm lan truyền trên báo chí lại thường chẳng nói cho người ta biết được chút gì về phim. Vài chuyện lẻ tẻ về diễn viên đào kép cà nanh tị nạnh lẫn nhau.

Từng li chuyển động của các minh tinh như những miếng vụn nhẹ tênh rải xuống mặt hồ tịnh không của thời sự văn nghệ cả năm qua, được khai thác tỉ mỉ không khoan nhượng.

chua phap hoa 13 4661.jpg
Dòng sông hoa đăng tiễn đưa hơn 23.000 người mất do dịch Covid-19. Ảnh: Lê Nam

Thân người đang gục mặt ngủ dưới chiếc nón tơi hình như cảm nhận có khách lạ đang đứng dòm nên ngập ngừng ngước lên. Bên dưới vành nón, nụ cười chông chênh ngờ nghệch nở ra, đón tờ giấy bạc từ người khách qua đường hào phóng.

Rất có thể, tôi vừa hào phóng một cách xa xỉ và ngu dại trong cái năm ai cũng phải ngó chừng túi tiền của mình cho cẩn thận.

Rất có thể, dịch bệnh và khủng hoảng đã không chỉ đơn giản làm hao mòn túi tiền, mà theo đó, người ta hao mòn ít nhiều hồn nhiên.

Đó không phải là thứ mất đi.

Rất có thể, đó là thứ ta đã tự nguyện cho luôn con virus và trận đại dịch, cho đi một cách hào phóng và dại dột lòng hồn nhiên thơm thảo cổ lỗ và lỗi thời.

Quãng bách bộ còn lại, ngược chiều Đồng Khởi, nắng đã tắt hẳn và thành phố gian nan của tôi lại tới giờ lên đèn. Như cái kiểu trong nắng nhiệt đới sẽ có chút se lạnh vào mùa Đông nhiệt đới, bất chấp những bài toán của các nhà kinh tế.

Hồi trước Noel, nhà thờ Đức Bà cho giăng 80.000 đèn led bao trùm đôi tháp chuông lẫn dàn giáo công trình tu bổ, đẹp như ngọn nến sáng thắp giữa trái tim thành phố, dù bên dưới kia, một cuộc đại tu bổ vẫn đang chậm chạp diễn ra. Thánh đường như một cơ thể đang buộc phải lìa xa những viên gạch đã ở đó hàng trăm năm, nhưng cơ thể nào mỗi ngày không có vài tế bào nhỏ chết đi.

Giữa cuộc nhọc nhằn, tiếng chuông nhà thờ vẫn cứ đúng giờ vang lên, và sự hào phóng của con người vẫn còn đủ để đàn bồ câu vẫn tụ tập quanh quảng trường chờ những nắm thóc vàng tung lên trong không trung, không toan tính.

“Ờ thì nếu có kẹt, thì ở đâu cũng đã kẹt hết rồi.

Và khi đó, có ai đi nhanh hơn ai được chút nào đâu?”

Thoáng một vệt sáng hắt trên khuôn mặt sầu bi của tượng Đức Bà.

Chắc là phản quang từ dãy đèn mùa lễ.

Một khách qua đường bất chợt dừng lại dưới chân Đức Mẹ, mở điện thoại tìm số điện thoại bác tài xế vô ý hồi chiều, gửi đi một lời xin lỗi và một lượt vote 5 sao.

Từ bên trong giáo đường, vẳng ra tiếng ca đoàn “… và bình an dưới thế cho người thiện tâm”.

Vài ngày nữa thôi, đã là năm mới.

Trác Thúy Miêu