- Lúc tất cả chui vào chăn ấm thì các chị lại ra ngoài trời. Các bạn trẻ chỉ ‘ngáo ảnh’ một lát rồi về thì các chị 1 ngày 24 lần ra giữa băng tuyết để làm việc. Nhiều người nói vui các chị bị ‘giời đày’!
Đó là công việc của những cán bộ công tác tại Trạm khí tượng Sa Pa (Lào Cai) ở độ cao 1.584m so với mực nước biển.
Chị Liên đo nhiệt độ ngoài trời tại trạm khí tượng Sa Pa trong đợt rét đang diễn ra. |
Chị Lê Thị Liên là trạm trưởng, đã có 29 năm làm việc tại Trạm khí tượng Sa Pa, chứng kiến ít nhất 7 lần tuyết rơi.
“Lần nào có tuyết là nhịp độ công việc và cả cuộc sống cũng khác. Bình thường một người trực 24/24 nhưng có tuyết là huy động cả 3 người của trạm làm cả ngày, rất vất vả” – chị Liên nói.
Với điều kiện cơ sở vật chất như hiện nay, việc đo nhiệt độ giữa trời giá rét có những câu chuyện khá độc đáo mà chỉ người trong ngành như chị Liên mới có được.
“Chúng tôi phải bật bếp gas đun nước sôi sục, rót vào bậc bước lên lều khí tượng để tan băng, tránh bị ngã do trơn trượt. Chúng tôi cũng phải dùng nước sôi đó để đổ vào thùng đo mưa của vũ lượng kế làm tan băng tuyết thì mới đo được và có số liệu chính xác” – chị Liên cho biết.
Băng tuyết dày đặc phủ kín mặt đất. Chị Liên và các đồng nghiệp vẫn miệt mài làm công việc mà người khác thường gọi là “giời đày” |
Cứ như thế, chị Tuyết và 2 cán bộ khác của Trung tâm đã miệt mài đo đạc, làm việc suốt 29 năm qua. Nếu thời tiết bình thường thì cứ 6 tiếng các chị lại đo 1 lần, nhưng có băng tuyết thì 1 giờ đo 1 lần.
“Mỗi lần đo và gửi được kết quả về mất khoảng 10-15 phút. Có lần ra giữa trời đại hàn lúc 1 giờ sáng chúng tôi phải mặc đủ các loại áo, khăn, chỉ hở độc 2 con mắt để rọi kết quả qua đèn pin” – chị Liên nói, không quên ‘đệm’ thêm thông tin “làm công việc này rất cần sức khỏe và sự bền bỉ, kiên trì”.
Làm việc trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, chị Liên cho biết chưa có cán bộ nào bị cảm lạnh hay gặp vấn đề về sức khỏe nhưng nguy hiểm thì luôn có.
Đoạn đường từ nhà ở thị trấn Sa Pa lên trạm khí tượng thủy văn chừng 2km nhưng với ngày có tuyết, chị và mọi người phải đi bộ hoàn toàn. Đường trơn trượt, có cán bộ đi được xe máy lên phải bỏ lại trạm để cuốc bộ về. Còn trong lều khí tượng, từng bậc thang đều bao bọc bởi băng tuyết, không có kinh nghiệm sẽ dễ gặp tai nạn.
Vất vả, khắc nghiệt là vậy song 5 năm các chị mới được cấp 1 áo bông, 3 năm mới được cấp 1 đôi ủng. “Nhưng mình yêu nghề “khám bệnh ông trời” mất rồi, và cảm thấy hạnh phúc khi được gắn bó với công việc này” – chị Liên chia sẻ.
Thấy các bạn trẻ khắp nơi đổ về Sa Pa săn tuyết , chị Liên cũng phấn khởi vì công việc của mình đã mang lại niềm vui cho người khác. Nhưng chị cũng đau đáu nỗi lo cho bà con vùng núi. “Những đợt rét thế này hoa màu gia súc chết rét nhiều, thương bà con lắm” – chị nói.
Hải Anh