Hiện nay, toàn tỉnh Hà Giang có hơn 76.000 người cao tuổi, chiếm 8,62% dân số, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, sống ở vùng nông thôn. Những năm qua người cao tuổi nơi địa đầu của Tổ quốc luôn có vai trò quan trọng trong các lĩnh vực phát triển kinh tế xã hội, giữ gìn và phát huy tốt văn hóa truyền thống của địa phương, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn… 

Tuổi cao, gương sáng

Ông Đặng Văn Ỏn, hội viên Hội Người cao tuổi thôn Lũng Loét, xã Ngọc Linh, huyện Vị Xuyên luôn được mọi người trong thôn, xã kính nể bởi dù đã ở tuổi 70 nhưng ông vẫn rất cần cù, chịu thương chịu khó trong phát triển kinh tế. Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, ông còn gương mẫu trong phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Ông tích cực huy động bà con tham gia làm đường, ủng hộ ngày công, góp đất mở đường vào thôn giúp việc đi lại thuận tiện hơn. Ông cũng thường xuyên đến thăm hỏi và tìm hiểu nguyện vọng của hộ nghèo để báo cáo lên xã, nhằm có hướng hỗ trợ và giúp đỡ thiết thực.

Trong khi đó, ông Vàng Văn Phảng, dân tộc Mông ở thôn Na Lũng, xã Bản Díu, huyện Xín Mần là một trong những hội viên người cao tuổi tiêu biểu trong phong trào làm kinh tế giỏi của tỉnh. Có lợi thế diện tích đất của gia đình, ông Phảng trồng mận, ngô, lúa, đào ao thả cá, sản xuất đậu phụ, làm chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm. Ông tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động và dành một phần thu nhập đóng góp xây dựng quê hương, ủng hộ các chương trình từ thiện nhân đạo ở địa phương.

Với tinh thần “Tuổi cao chí càng cao”, rõ ràng, vẫn luôn có những người cao tuổi vẫn năng động, nhạy bén, cống hiến trí tuệ, sức lực làm giàu cho bản thân, gia đình, nâng cao đời sống, đóng góp tích cực cho xã hội.

nct 12.jpg
Người cao tuổi ở Hà Giang tích cực phát triển kinh tế, xây dựng đời sống tốt đẹp. Ảnh: Lê Anh Dũng

Giữ gìn, phát huy phong tục tập quán tốt đẹp

Không chỉ làm tốt trong lĩnh vực phát triển kinh tế, người cao tuổi ở Hà Giang còn đóng vai trò quan trọng trong việc giữ gìn, phát huy phong tục tập quán tốt đẹp; góp phần bảo tồn và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của người bản địa như ẩm thực, các lễ hội truyền thống,... đồng thời nhắc nhở các thế hệ tích cực bài trừ những hủ tục, tập quán lạc hậu, thực hiện nếp sống văn minh, các quy ước, hương ước cộng đồng, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. 

Nhờ sự tích cực của các chi hội người cao tuổi mà nhiều năm qua, tình trạng hôn nhân cận huyết thống, vấn đề tảo hôn giảm theo từng năm, đám cưới, đám tang được tổ chức phù hợp với điều kiện của cuộc sống và điều kiện mới. Đặc biệt người dân luôn đoàn kết và giúp đỡ nhau trong cuộc sống.

Là tỉnh biên giới nên tình hình an ninh trật tự trên địa bàn khá phức tạp. Với vai trò là người có tiếng nói trong gia đình, xã hội, người cao tuổi ở Hà Giang đã tích cực tham gia vào công tác bảo vệ biên giới, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, xây dựng và duy trì tốt các mô hình tự quản về an ninh trật tự, hàng trăm tổ hòa giải với rất đông thành viên tham gia. 

Bên cạnh đó, công tác tham gia xây dựng gia đình văn hóa, gia đình kiểu mẫu cũng được các cụ hưởng ứng. Hội người cao tuổi Hà Giang cũng thường xuyên tổ chức các sân chơi “Sống - vui - khỏe – có ích”. Nhờ đó mà phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao được phát triển mạnh mẽ với sự đa dạng của các loại hình câu lạc bộ như: dân ca, dân vũ, dưỡng sinh… góp phần nâng cao đời sống tinh thần và sức khỏe cho người cao tuổi.

Tuệ Nhi