Theo thông tin của Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp quốc (FAO), từ năm 2014 đến nay, tổng cộng đã có 64 quốc gia, vùng lãnh thổ báo cáo phát hiện chủng virus cúm gia cầm (CGC) thể độc lực cao A/H5N8.

Từ đầu năm 2021 đến nay, trên thế giới có tổng cộng 2.757 ổ dịch do chủng vi rút CGC A H5/N8 gây ra, chiếm gần 70% trong tổng số các ổ dịch CGC do các chủng vi rút khác nhau gây ra tại hàng chục quốc gia (trong đó có các quốc gia chung biên giới, gần Việt Nam). Trong tháng 02/2021, có 07 người tại Liên bang Nga được xác định nhiễm vi rút cúm A/H5N8 với các triệu chứng nhẹ (theo Tổ chức Y tế thế giới, đến nay chưa có bằng chứng về vi rút CGC A/H5N8 lây từ người sang người).

Ở nước ta, từ đầu tháng 6/2021 đến nay đã phát hiện chủng vi rút CGC A/H5N8 tại 04 tỉnh, thành phố: Hòa Bình, Cao Bằng, Quảng Ninh và Hà Nội. Theo nhận định của Bộ Nông nghiệp và PTNT nguy cơ phát sinh dịch bệnh CGC A/H5N8 lây lan và xảy ra diện rộng là rất cao vì đây là bệnh lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam.

Bởi vậy, thông tin rộng rãi về vi rút này là điều cần thiết để người chăn nuôi có thêm thông tin, bảo vệ an toàn dịch bệnh cho đàn gia cầm.

{keywords}
Từ năm 2014 đến nay, tổng cộng đã có 64 quốc gia, vùng lãnh thổ báo cáo phát hiện chủng virus cúm gia cầm (CGC) thể độc lực cao A/H5N8.

Theo khuyến cáo của các chuyên gia thú y:

Nguồn bệnh: Gia cầm bệnh, vi rút CGC trong nước dãi, phân, nước mũi, nước mắt, máu, lông, da; đồng thời ở người, động vật khác; dụng cụ, cỏ rác, bụi.... mang mầm bệnh.

Đường lây truyền bệnh:

- Trực tiếp do gia cầm khỏe tiếp xúc gia cầm bệnh.

- Gián tiếp do gia cầm khỏe tiếp xúc với người, động vật khác (chó, mèo, chim, chuột...); phương tiện, dụng cụ, cỏ rác, bụi.... mang mầm bệnh.

Triệu chứng bệnh

- Thời gian ủ bệnh từ vài giờ đến 3 ngày.

- Nhiều gia cầm ốm và chết đột ngột, mào, thân tím.

- Gia cầm ủ rũ, đầu gục xuống và đi loạng choạng, lông xơ xác, kém ăn.

- Phù đầu và cổ, mắt sưng, chảy nước mắt và nước mũi, có thể xuất huyết.

- Khuỷu chân và bàn chân, da chân xuất huyết.

- Phân lỏng lúc đầu có màu xanh sáng, sau là màu trắng và hậu môn chảy máu.

- Các đàn giống đang sinh sản, năng suất trứng giảm rõ rệt.

Trong thời gian tới, nguy cơ dịch cúm gia cầm A/H5N8 cũng như các chủng cúm gia cầm khác lây lan và xảy ra trên phạm vi rộng là rất cao. Vì vậy cần tăng cường các biện pháp tổng hợp phòng chống dịch bệnh:

Với người chăn nuôi gia cầm

* Thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, gồm các biện pháp sau đây:

- Cách ly:

Khi thực hiện tốt việc cách ly và kiểm soát ra vào khu vực chăn nuôi sẽ góp phần ngăn chặn được các loại mầm bệnh từ bên ngoài xâm nhập vào cơ sở chăn nuôi và ngược lại. Cách ly gia cầm từng lứa tuổi, giữa các đàn vật nuôi, giống vật nuôi và môi trường xung quanh.

Đối tượng cần kiểm soát là giống gia cầm nhập nuôi, con người, dụng cụ, phương tiện vận chuyển, thức ăn, nước uống, chất độn chuồng, động vật khác…

- Vệ sinh làm sạch

Vệ sinh làm sạch chuồng nuôi, phương tiện vận chuyển, dụng cụ chăn nuôi là biện pháp rất hiệu quả trong việc thực hiện chăn nuôi an toàn, việc vệ sinh làm sạch giúp loại bỏ trên 80% mầm bệnh tại trại chăn nuôi.

Loại bỏ tất cả bụi bẩn và các chất hữu cơ khỏi bề mặt các dụng cụ, thiết bị, sàn, tường, trần nhà,... Khi tất cả các chất bẩn bị loại bỏ, sẽ không còn các chất hữu cơ để nuôi dưỡng và chứa mầm bệnh; 

Việc vệ sinh làm sạch phải được thực hiện thường xuyên vệ sinh trước và sau khi ra vào trại: Phương tiện vận chuyển, thiết bị, dụng cụ; quần áo, giày dép, tay chân; chuồng nuôi...

 - Khử trùng

Khử trừng là một trong 3 nguyên tắc quan trọng trong chăn nuôi an toàn sinh học, tuy nhiên hiệu quả của việc khử trùng tùy thuộc vào chất lượng của việc vệ sinh làm sạch trước đó. Mục đích khử trùng nhằm loại bỏ những mầm bệnh còn sót lại sau khi đã vệ sinh làm sạch chuồng trai, dụng cụ và thiết bị phục vụ chăn nuôi.

Thường xuyên khử trùng phương tiện vận chuyển, quần áo, dụng cụ (bơm, kim tiêm,…) trước khi vào trại

Định kỳ khử trùng chuồng nuôi (cả bên trong và bên ngoài)

Tổng vệ sinh, khử trùng sau khi kết thúc mỗi lứa.

- Chăm sóc nuôi dưỡng gia cầm đúng kỹ thuật để gia cầm khỏe mạnh.

* Dùng vắc xin phòng bệnh

Bệnh cúm gia cầm độc lực cao do vi rút gây nên, không có thuốc điều trị đặc hiệu, do đó bên cạnh công tác CN ATSH, việc tiêm vắc xin phòng bệnh là giải pháp tối ưu. Khi tiêm vắc xin phòng bệnh cho GC, cần chú ý:

Chủ động tiêm vắc xin phòng CGC theo đúng lịch trình và dịch tễ của từng vùng, loại vắc xin có thể tham khảo thú y địa phương (H5N1 hay H5N6...). (theo OIE chủng virus CGC A/H5N8 cùng phân nhánh 2.3.4.4 với virus CGC A/H5N6).

Tuân thủ đúng lịch dùng vắc xin phòng các bệnh đúng thời gian, quy cách. Liều sử dụng, đường đưa vắc xin đúng theo chỉ định của nhà sản xuất và hướng dẫn của thú y địa phương. 

Báo cáo các trường hợp gia cầm chết bất thường cho trưởng thôn hoặc cơ quan thú y địa phương để kịp thời xử lý.

Với những người buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm

Chỉ thu mua bán gia cầm, sản phẩm gia cầm có nguồn gốc rõ ràng, không mắc bệnh và bán ở những khu vực được phép trong chợ;

Luôn rửa tay bằng nước sạch và xà phòng sau khi tiếp xúc với gia cầm, sản phẩm gia cầm;

Rửa sạch giày dép, thay quần áo, rửa sạch và khử trùng phương tiện, dụng cụ nhốt gia cầm hoặc chứa sản phẩm gia cầm khi rời khỏi chợ.

Với cộng đồng

Chỉ mua gia cầm, sản phẩm gia cầm an toàn dịch bệnh.

Thường xuyên rửa tay trước khi chế biến thực phẩm, quá trình nấu ăn và sau khi tiếp xúc với gia cầm, sản phẩm gia cầm;

Nấu chín kỹ thức ăn (thịt gia cầm và trứng), đặc biệt không ăn sống, tái (tiết canh, thịt, trứng tái...);

Rửa sạch và làm vệ sinh tất cả các bề mặt và dụng cụ được sử dụng để chế biến thực phẩm.

Tránh tiếp xúc với gia cầm ốm hoặc chết.

Nếu tiếp xúc với gia cầm có khả năng bị nhiễm bệnh, hãy liên hệ với cơ sở y tế gần nhất khi bạn có các triệu chứng đường hô hấp.

Báo cáo ngay khi thấy gia cầm ốm chết bất thường cho cơ quan thú y địa phương.