Cầu nối giữa chính quyền và nhân dân
Sóc Trăng là tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Dân số của tỉnh hơn 1,3 triệu người; bao gồm 19 dân tộc thiểu số với gần 469.000 người (chiếm 35,76% dân số). Trong đó, riêng cộng đồng người Khmer chiếm 30,69% dân số.
Năm 2022, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện. Kinh tế tăng trưởng 7,71%, cao nhất từ năm 2011 đến nay. Các giá trị văn hóa được phát huy, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân tiếp tục được quan tâm và cải thiện; quốc phòng, an ninh được đảm bảo.
Tỉnh đã tổ chức thành công nhiều sự kiện lớn, quan trọng như: Lễ kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh và Hội nghị xúc tiến đầu tư; Ngày hội Văn hóa, thể thao và du lịch của đồng bào Khmer Nam Bộ lần thứ VIII...
Đại tá Huỳnh Hoài Hận, Phó Giám đốc Công an tỉnh Sóc Trăng cho biết, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp đã quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân; chỉ đạo các ngành chức năng thực hiện tốt các chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng và Nhà nước. Từ đó tạo sự tin tưởng, phấn khởi của các tầng lớp nhân dân nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số, tín đồ các tôn giáo nói riêng.
Tuy nhiên, các phần tử cực đoan và các thế lực thù địch thường xuyên lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để tổ chức một số hoạt động trắng trợn nhằm chống phá khối đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo trên địa bàn.
Trước vấn đề này, Sóc Trăng đã có nhiều giải pháp đáng chú ý. Trong đó chú trọng xây dựng và phát huy vai trò của những người có uy tín, lực lượng nòng cốt, cốt cán trong đồng bào dân tộc và các tín đồ tôn giáo.
Hiện toàn tỉnh Sóc Trăng, số người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2023 - 2027 là 611 vị, gồm: dân tộc Khmer 612 người, Hoa 72 người, Kinh 14 người; giới tính nam 594 người, nữ 17 người. Trong đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh quản lý là 50 người.
Đội ngũ người có uy tín là chỗ dựa tin cậy của đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Bản thân họ và gia đình đã nắm vững, gương mẫu thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Đồng thời tích cực tuyên truyền, giải thích, vận động bà con thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia ngăn ngừa, hòa giải các mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nhân dân, góp phần giữ gìn an ninh, trật tự ở địa phương. Họ đã giúp đỡ đồng bào phát triển kinh tế, góp phần giảm nghèo, tham gia xây dựng nông thôn mới và các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước đạt được những kết quả đáng tuyên dương.
Bằng uy tín của mình, những người có uy tín đã trực tiếp tham gia đóng góp Quỹ Vì người nghèo, vận động các nhà hảo tâm, đồng bào dân tộc Khmer trong phum, sóc tham gia thực hiện tốt các chương trình an sinh xã hội, các phong trào thi đua tại phum, sóc.
Tiêu biểu như Nhà giáo nhân dân Lâm Es, nguyên Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Sóc Trăng, là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Ông còn đóng góp lớn trong việc giảng dạy văn hóa Khmer, dạy chữ Pali cho sư sãi các chùa.
Hơn 20 năm qua, Nhà giáo nhân dân Lâm Es đã đi khắp các nhà trường, các gia đình vận động con em đồng bào Khmer không bỏ học, khuyến khích các gia đình tham gia phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Ông còn tích cực tham gia các phong trào hoạt động xã hội từ thiện, nhất là xây dựng Hội Khuyến học tỉnh, góp phần nâng cao dân trí trong đồng bào Khmer.
Hay sư cô Thích Nữ Tâm Liên, người sáng lập đồng thời là Trụ trì Tịnh xá Ngọc Châu Như ở phường 2, thị xã Vĩnh Châu trong 5 năm đã vận động mạnh thường quân gần 100 tỷ đồng giúp người nghèo xây nhà, lo mai táng, giúp người khiếm thị có thu nhập bằng mô hình se nhang, giúp đỡ học sinh nghèo…
Bên cạnh đó, nhiều người có uy tín ở Sóc Trăng còn là lực lượng nòng cốt tích cực vận động nhân dân tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”; giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới. Đây là những người tiên phong hiến đất, giải phóng mặt bằng, đóng góp ngày công để mở rộng các tuyến đường nông thôn và các công trình phúc lợi. Nhiều người đã trở thành gương sáng về xây dựng nông thôn mới ở cơ sở.
Phát huy vai trò của người có uy tín
Để phát huy vai trò đội ngũ người có uy tín, những năm qua, tỉnh Sóc Trăng thực hiện tốt chính sách đối với người có uy tín; khen thưởng, biểu dương kịp thời người có uy tín tiêu biểu trong các phong trào; hỗ trợ, tạo mọi điều kiện để người có uy tín phát huy vai trò của mình trên các lĩnh vực đời sống xã hội, thực sự là trung tâm đoàn kết đồng bào dân tộc thiểu số, là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, nhằm xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc bền vững.
Ông Ngô Hùng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư thị xã Vĩnh Châu chia sẻ, thị xã nằm ở ven biển, đồng bào Khmer, chiếm trên 50% tổng dân số của thị xã.
Đồng bào Khmer chiếm trên 50% tổng dân số thị xã Vĩnh Châu.
Trước đây, điều kiện, đời sống của đồng bào gặp rất nhiều khó khăn, Thị ủy, UBND thị xã đã nghiên cứu, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo trong việc phát triển đời sống của bà con. Triển khai kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, những chương trình dự án có liên quan đến đồng bào được thụ hưởng.
Bên cạnh đó, Thị xã chú trọng xây dựng và nêu cao vai trò của người có uy tín trên các địa bàn có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Người có uy tín là các trụ trì chùa, ban quản trị chùa… đã tích cực vận động, tuyên truyền đồng bào dân tộc Khmer vươn lên trong cuộc sống, thay đổi nhận thức, tư duy làm ăn.
Thời điểm này, trên địa bàn thị xã Vĩnh Châu có 21 chùa Nam tông Khmer, 67 người có uy tín.
Thị xã tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho người có uy tín, làm tốt vai trò, trách nhiệm của mình tại các địa phương có đông đồng bào dân tộc Khmer. Hỗ trợ cung cấp về thông tin, lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, chính trị của các địa phương.
Cung cấp sách báo để làm cơ sở thông tin, nắm được chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, kịp thời làm tư liệu cho quá trình vận động, thuyết phục ở địa bàn dân cư. Tạo điều kiện cho người có uy tín đi học tập kinh nghiệm trong tỉnh, trong nước và kể cả nước ngoài. Đây là chính sách rất tốt để người có uy tín phát huy tốt vai trò của mình.
Ông Lý Rotha, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng khẳng định, người có uy tín trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng luôn phát huy vai trò là cầu nối để tiếp nhận và truyền tải thông tin, phản ánh kịp thời những tâm tư, nguyện vọng của bà con đến với chính quyền các cấp.
Thông qua hoạt động này, người có uy tín đã góp phần quan trọng vào việc tuyên truyền, hòa giải, thông tin đầy đủ để đồng bào nhận thức đúng chủ trương và tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành của Nhà nước.
Đây cũng là lực lượng nòng cốt trong các phong trào thi đua yêu nước, tích cực đóng góp công sức vào công cuộc xây dựng phát triển quê hương, nhất là tham gia thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới…
"Hàng năm, lãnh đạo tỉnh sẽ có một buổi họp mặt người có uy tín trên địa bàn. Người có uy tín là người có tiếng nói trong các phum, sóc. Các chủ trương chính sách của Đảng hay một số vấn đề, dự án lớn của Trung ương triển khai trên địa bàn tỉnh đều thông tin cho người có uy tín biết và họ về triển khai trong làng xóm nhân dịp tổ chức các lễ hội ở chùa (tranh thủ khoảng nửa tiếng). Nhờ đó, thời gian qua tỉnh triển khai rất tốt một số chủ trương lớn của Đảng.
Ngoài ngân sách của Trung ương, hàng năm tỉnh Sóc Trăng cũng dành ngân sách riêng, tổ chức cho các vị là những người làm tốt nhiệm vụ trong năm đi tham quan, học tập.
Thời gian tới, tỉnh Sóc Trăng sẽ phấn đấu, phát huy hiệu quả của chương trình người có uy tín để vận động, tuyên truyền bà con chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; xây dựng quê hương Sóc Trăng ngày càng giàu mạnh, góp phần cho đất nước ngày càng phồn vinh", ông Lý Rotha nói.