Mời quý độc giả theo dõi video:

Đời sống Nhân dân các dân tộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hoá đang từng ngày phát triển, bà con một lòng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, thực hiện tốt các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, đó cũng chính là nhờ uy tín, trách nhiệm, sự nhiệt tình, năng nổ của những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; họ đã và đang phát huy vai trò “cầu nối” ý Đảng - lòng dân, trong tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng làng, bản văn hóa, xây dựng nông thôn mới và các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương.

Ông Phùng Quang Du là người có uy tín trong cộng đồng người Dao ở khu phố Hạ Sơn. Với khả năng thông thạo chữ Nôm Dao, đã nhiều năm nay, ông say mê với việc bảo tồn chữ của dân tộc mình. 

Đặc biệt, năm 2013 khi tỉnh Thanh Hóa có chủ trương bảo tồn tiếng nói, chữ viết của đồng bào các dân tộc thiểu số. Với sự hỗ trợ Ban Dân tộc tỉnh, Hội Dân tộc học và Nhân học Thanh Hóa, tại bản người Dao Hạ Sơn, ông đã cùng một số người biết chữ Nôm Dao họp bàn về việc bảo tồn tiếng nói và chữ viết của người Dao.

Ông Du là một trong những tác giả tham gia biên soạn thành công bộ sách chữ Nôm Dao Thanh Hóa gồm có 9 tập. Đây là bộ sách chữ Nôm Dao đầu tiên của cả nước được phê chuẩn. Bộ sách này đang được đưa vào giảng dạy trong cộng đồng người Dao tại các huyện Ngọc Lặc, Cẩm Thủy, Mường Lát.

Ông Du kể, từ năm 8 tuổi, ông đã được ông nội và cha, đều là những giáo viên dạy chữ Nôm Dao, dạy đọc và viết chữ Nôm Dao. Những năm tháng đó đã bồi đắp tình yêu và lòng đam mê tìm hiểu, nghiên cứu văn hóa dân tộc Dao, nhất là việc giữ gìn tiếng mẹ đẻ.

Hiện ông đang lưu giữ hàng trăm loại sách, tư liệu quý bằng chữ Dao có tuổi đời hàng trăm năm, trong đó có khá nhiều sách cổ từ thời xưa của ông để lại, như: “Hiền văn”, “Nghìn tự văn”, “Vạn niên”, “Đại sư ca” (dùng trong Tết nhảy của người Dao), “Lục hạt” (xem ngày tháng của người Dao cổ).

 Hiện nay, ông thường xuyên mở các lớp miễn phí dạy chữ Nôm Dao tại nhà và được mời dạy các lớp nôm dao tại các địa phương khác. Sự cần mẫn, kiên trì của ông Du trong việc bảo tồn, truyền dạy chữ viết Nôm - Dao trong những năm qua đã có sức lan toả mạnh mẽ trong việc phát huy những giá trị văn hoá của dân tộc Dao. 

Không chỉ quan tâm bảo tồn ngôn ngữ, chữ viết, ông Du còn quan tâm đến việc gìn giữ các phong tục tập quán, các làn điệu dân ca, dân vũ của đồng bào dân tộc mình.

Ông thường xuyên gặp gỡ, chia sẻ và trao đổi kinh nghiệm về bảo tồn văn hóa, phát triển du lịch và tuyên truyền phổ biến pháp luật với những người có uy tín ở địa phương khác trong huyện, tỉnh.

Với những cống hiến và đóng góp của mình trong gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống của người Dao, nhiều năm liền ông Phùng Quang Du được nhận giấy khen của Trung ương, tỉnh và huyện.