Hai 20 tỉnh, thành phố phía Bắc được Vietnam Post áp dụng gói đồng giá cước vận chuyển na Lạng Sơn trong thời gian từ ngày 10/8 đến hết ngày 31/8 gồm có: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Hải Dương, Hải Phòng, Ninh Bình, Phú Thọ, Thái Bình, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Yên Bái, Bắc Kạn, Bắc Ninh, Cao Bằng, Điện Biên, Hà Giang, Hưng Yên, Hòa Bình, Lào Cai và Lai Châu.

Riêng vào các ngày từ thứ 6 đến Chủ nhật trong tuần, khi người tiêu dùng đặt mua na Lạng Sơn tại địa chỉ nachilang.postmart.vn sẽ được giảm cước vận chuyển thêm 5.000 đồng/đơn.

Trong thời gian một số địa phương đang giãn cách xã hội, Vietnam Post đã bố trí các loại xe vận chuyển chuyên dụng cấp giấy nhận diện phương tiện “luồng xanh” kèm QR Cod để hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình tại Lạng Sơn nhanh chóng đưa sản phẩm đến địa chỉ mua hàng. Thời gian vận chuyển na Lạng Sơn được doanh nghiệp cam kết là tối đa không quá 48 tiếng để đảm bảo độ tươi ngon, chất lượng của trái cây khi đến tay người tiêu dùng.

Cùng với đó, 100% nhân viên Bưu điện tham gia vào quy trình hỗ trợ tiêu thụ nông sản tại Lạng Sơn đều đảm bảo quy định 5K theo khuyến cáo của Bộ Y tế, các xe vận chuyển được phun khử khuẩn.

{keywords}
Nhân viên sàn Postmart, Vỏ Sò hướng dẫn các hộ dân Lạng Sơn cách thu hái, đóng gói để na đảm bảo chất lượng trong quá trình vận chuyển đến người tiêu dùng.

Gói cước đồng giá vận chuyển na Lạng Sơn của sàn Postmart được đánh giá sẽ góp phần giúp người tiêu dùng vừa tiết kiệm chi phí vừa có thể nhanh chóng thưởng thức đặc sản na Lạng Sơn ngay tại nhà, nhưng vẫn đảm bảo an toàn phòng chống dịch.

“Chúng tôi sẽ đóng vai trò giám sát chất lượng sản phẩm, đảm bảo đưa đến tay người tiêu dùng những sản phẩm nông sản được trồng đúng quy cách, đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và có các chứng nhận OCOP, VietGap”, đại diện Vietnam Post khẳng định.

Từ trung tuần tháng 6 đến nay, Vietnam Post và Viettel Post đang tham gia cùng Sở TT&TT Lạng Sơn và các cơ quan, đơn vị liên quan trên địa bàn để phát triển kinh tế số, hỗ trợ các hộ sản xuất nông nghiệp mở gian hàng số và tạo tài khoản thanh toán điện tử để kinh doanh online qua các sàn Postmart và Vỏ Sò, với sản phẩm đầu tiên là đặc sản na của địa phương này.

Đây là một hoạt động nhằm hiện thực hóa các nội dung trong kế hoạch “Hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông dân lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn” đã được Bộ TT&TT phê duyệt.

Đẩy mạnh kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của các địa phương cả nước thông qua các sàn thương mại điện tử được Bộ TT&TT xác định là một giải pháp quan trọng để phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn.

Theo đại diện Sở TT&TT Lạng Sơn, sau 2 tuần, từ ngày 17/6 đến ngày 30/6, thử nghiệm phát triển kinh tế số tại xã Chi Lăng và thị trấn Chi Lăng, các hộ dân ở 2 địa bàn đã được nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy.

Phương thức, quy trình tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa theo cách làm truyền thống dần được chuyển đổi sang phương thức mới - mua bán trên nền tảng công nghệ số. Số lượng cửa hàng số được mở trong 2 tuần này là 1.000, gấp gần 5 lần tổng số gian hàng của các hộ nông dân Lạng Sơn đã mở trên 2 sàn Postmart và Vỏ Sò trong gần 3 năm trước đó.

Từ sự kiện ra quân phát triển kinh tế số tại 5/10 huyện của Lạng Sơn từ ngày 20/7 đến 10/8, số lượng cửa hàng số của các hộ sản xuất nông nghiệp được mở trên 2 sàn Postmart, Vỏ Sò đã là 4.445, số ví điện tử/tài khoản thanh toán điện tử là 2.971.

Tổng số đơn hàng người tiêu dùng đặt mua hàng của các cửa hàng số do hộ dân Lạng Sơn tự bán hàng trên 2 sàn là 2.759 đơn, với 3.500 loại sản phẩm và tổng doanh thu gần 519 triệu đồng.

Vân Anh

Phát triển kinh tế số tạo cơ hội lớn cho tỉnh miền núi Lạng Sơn vươn lên

Phát triển kinh tế số tạo cơ hội lớn cho tỉnh miền núi Lạng Sơn vươn lên

Trong lễ ra quân phát triển kinh tế số tỉnh Lạng Sơn năm 2021, Chủ tịch UBND tỉnh này, ông Hồ Tiến Thiệu nhấn mạnh, phát triển kinh tế số trong thời điểm hiện nay là cơ hội to lớn để tỉnh phát triển.