Phong trào xin ra khỏi hộ nghèo

Ở nhiều địa phương của nước ta, chuyện không muốn thoát nghèo, xin vào hộ nghèo còn khá phổ biến với tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ, cho không của nhà nước. Thế nhưng, ở huyện Đầm Hà thì lại khác hoàn toàn.

Là một huyện miền núi còn nhiều khó khăn tại tỉnh Quảng Ninh, song ở huyện Đầm Hà những ngày này lại rộ lên phong trào xin ra khỏi hộ nghèo.

Gặp chúng tôi sau khi tự nguyện nộp lá đơn xin ra thoát nghèo, ông Ngô Quang Thịnh ở xã Tân Lập (Đầm Hà) chia sẻ, gia đình ông thuộc diện hộ nghèo đã nhiều năm nay. Thế nhưng, giờ đây con cái đã trưởng thành, chỉ còn một đứa con út đang đi học, vợ chồng ông thấy sức khỏe vẫn còn tốt, còn lao động được nên quyết định làm đơn xin ra khỏi diện hộ nghèo của xã.

“Phải cố gắng thoát nghèo, cố gắng phát triển kinh tế ổn định cuộc sống của gia đình để làm tấm gương cho con cái. Chứ mãi trông chờ vào chính sách hỗ trợ của nhà nước thì chẳng bao giờ cuộc sống hết được khó khăn”, ông Thịnh chia sẻ.

{keywords}
Nhiều hộ gia đình ở Đầm Hà sau khi con cái khôn lớn, họ có sức khỏe, vẫn có khả năng lao động tốt đã tình nguyện viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo (ảnh Lê Anh Dũng)

Tương tự, là hộ đầu tiên viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo của xã Quảng Lâm (Đầm Hà), chị Chíu Tài Múi tâm sự, nhà chị thuộc diện hộ nghèo đã 4 năm. Trong khoảng thời gian đó, gia đình chị được Nhà nước hỗ trợ cho vay vốn làm ăn, tạo điều kiện cho con cái chị học hành. Giờ con cái đã lớn, vợ chồng chị còn sức khỏe để lao động nên không muốn ỷ lại vào chính sách của Nhà nước nữa.

Sau lá đơn xin ra khỏi hộ nghèo của chị Múi, tại bản Tài Lý Sáy (Quảng Lâm), nhiều hộ dân cũng đua nhau viết đơn xin thoát nghèo.

Hiện toàn tỉnh Quảng Ninh có khoảng 1.400 hộ tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo thì có tới 600 hộ thuộc huyện Đầm Hà. Đáng chú ý, số lượng đơn xin thoát nghèo của người dân gửi đến chính quyền đang ngày một nhiều hơn.

Ông Lê Bình Phương - Phó chủ tịch UBND huyện Đầm Hà cho biết, chính quyền đánh giá rất cao nhận thức của những hộ dân tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo. Ở những hộ dân này có sự chuyển biến nhanh. Từ chỗ còn ỉ lại, trông chờ vào sự giúp đỡ của nhà nước, của cộng đồng thì đến bây giờ họ đã thấy được tự bản thân cần vươn lên thoát nghèo, cải thiện cuộc sống của chính gia đình mình. Việc này phải chính bản thân họ làm chứ không phải chuyện của người khác. 

Không để dân tái nghèo

Ngoài việc khơi dậy ý chí để người dân tự thoát nghèo, những năm gần đây, chính quyền tỉnh Quảng Ninh nói chung và huyện Đầm Hà nói riêng còn còn quyết tâm không để các hộ dân này tái nghèo bằng cách hỗ trợ cho họ con giống hay cây giống để làm tư liệu sản xuất, nâng cao thu nhập của người dân.

Chỉ vào con bê đang ăn cỏ trong vườn, ông Thịnh cho biết, con bê này được chính quyền cấp cho vợ chồng ông nuôi. Nếu chăm sóc tốt, cuối năm nay con bê này có thể giúp vợ chồng ông thu nhập từ 13-14 triệu đồng.

{keywords}
Các gia đình được cấp tư liệu sản xuất để phát triển ổn định kinh tế, tránh tái nghèo

Tương tự, chị Nguyễn Thị Là ở xã Quảng Tân cũng khoe, chị đang cố gắng chăm sóc con bê, bởi chăm chúng lớn lên gia đình chị là người được hưởng thành quả, không còn phải nhờ vào sự trợ cấp của chính quyền xã như trước.

Chia sẻ về vấn đề hỗ trợ phương thức cũng như tư liệu sản xuất để người dân thoát nghèo, có cuộc sống ổn định, bà Phạm Thị Thanh Hoài - Cán bộ văn hóa xã Quảng Tân cho hay, xã xây dựng kế hoạch thoát nghèo có địa chỉ cụ thể. Trên những địa chỉ đó, xã sẽ có hỗ trợ các chính sách cho bà con theo kiểu “trao cần câu chứ không trao con cá”, đồng thời tuyên truyền vận động để các hộ có ý thức vươn lên thoát nghèo, không trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước.

Về Đầm Hà những ngày này sẽ thấy công tác giảm nghèo tại đây không chỉ nâng cao đời sống vật chất cho người nghèo mà con thay đổi nhận thức của họ. Những tấm gương tự nguyện làm đơn ra khỏi họ nghèo sẽ là động lực cho những hộ nghèo khác lỗ lực vươn lên. Tâm lý trông chờ, ỷ lại vào nhà nước đang dần được xóa bỏ, nhiều mô hình kinh tế giảm nghèo bền vững đã và đang được nhân rộng.

Nhiều hộ từ nghèo đói giờ có cuộc sống ổn định với những mô hình sản xuất kinh tế tốt, cho hiệu quả cao, thậm chí có hộ còn vươn lên mức khá giả.

Bài: Đỗ Thị Thúy Nga - Nhóm PV
Ảnh: Nguyễn Ngọc Quý - Nhóm PV