Năm 2023, thực hiện chuẩn nghèo mới, huyện Đăk Glei (tỉnh Kon Tum) còn 1.457 hộ nghèo tại 12 xã, thị trấn, chiếm tỷ lệ 10,4% so với tổng số hộ dân cư; hộ cận nghèo là 1.091 hộ, chiếm tỷ lệ 7,79%. Kết quả này vượt mục tiêu đề ra đầu năm. 

Năm 2024, huyện phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 3,5-4%. Trong đó, xã Mường Hoong phấn đấu giảm 10,57% và xã Ngọc Linh phấn đấu giảm 10,91% hộ nghèo. Ngoài ra, xã Đăk Long phấn đấu giảm 6,53%; xã Đăk Môn phấn đấu giảm 1,97%; xã Đăk kroong 1,73%; thị trấn phấn đấu giảm 3,49%; xã Đăk Pék phấn đấu giảm 2,21%; xã Đăk Nhoong phấn đấu giảm 1,67%; xã Đăk Man phấn đấu giảm 6,1%; xã Đăk Plô phấn đấu giảm 2,51%; xã Đăk Choong phấn đấu giảm 2,5%; xã Xốp phấn đấu giảm 3,57%...

Tại huyện này, việc giảm nghèo cho người dân không chỉ quan tâm đến tiêu chí thu nhập mà còn đảm bảo các dịch vụ xã hội cơ bản khác như việc làm, nhà ở, y tế, giáo dục, dinh dưỡng... 

Xã Mường Hoong (huyện Đăk Glei) có 875 hộ, trên 96% là người đồng bào dân tộc thiểu số. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo ở đây luôn ở mức cao với trên 40%. Hơn 2 năm qua, xã đã xóa được 96 nhà tạm (riêng thôn Làng Mới 27 căn) với tổng kinh phí 5,4 tỷ đồng. Hiện toàn xã còn khoảng 10% số hộ khó khăn về nhà ở. Năm 2024, xã phấn đấu xoá 95 căn nhà tạm. Đến nay, có 63 hộ được giải ngân vốn làm nhà mới và đang thi công.

Năm 2024 là năm đầu tiên gia đình anh A Hiếm, ở thôn Làng Mới, xã Mường Hoong, được dọn vào căn nhà mới. Mái ấm của gia đình này rộng 50 mét vuông, được xây dựng nhờ sự hỗ trợ của MTTQ tỉnh và nguồn tích cóp của gia đình. Có sự hỗ trợ kinh phí, anh A Hiếm tự làm tất cả các khâu để giảm bớt chi phí. “Có nhà ở kiên cố rồi, chúng tôi không sợ mưa, sợ gió nữa. Gia đình cố gắng chăm chỉ làm ăn và lo cho con học hành”, anh A Hiếm nói.

Từ nguồn kinh phí Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững và các chương trình khác, sự ủng hộ của cộng đồng, từ năm 2021 đến nay, toàn huyện Đăk Glei đã xây mới được 263 căn nhà cho hộ có công, hộ nghèo, cận nghèo, riêng năm 2024 xây dựng 129 căn, với mức hỗ trợ từ 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng/căn.

Ông Thái Văn Tưởng, Bí thư Huyện ủy Đăk Glei, cho biết huyện đặt mục tiêu hoàn thành nhiệm vụ xóa nhà tạm, nhà dột nát vào năm 2025 với 300 căn nhà được xây mới, kinh phí khoảng 24,3 tỷ đồng.

"Đòn bẩy" cho người dân nghèo

Ngoài việc lo mái ấm cho người dân nghèo, Đăk Glei cũng chăm lo đến việc làm, tạo sinh kế cho người dân bằng cách trao tặng vật nuôi, cây trồng, song song với đào tạo nghề, cầm tay chỉ việc. Đặc biệt, huyện chú trọng hỗ trợ nguồn vốn chính sách cho người dân, trở thành điểm tựa vững chắc để bà con vươn lên thoát nghèo.

W-du lịch cộng đồng Kon Tum 16.jpg
Đồng bào dân tộc thiểu số ở Kon Tum được quan tâm, chăm lo đa chiều trong đời sống. 

Chị Y Tôm, 48 tuổi, dân tộc Giẻ-Triêng ở thôn Đăk Bo, xã Đăk Kroong có hoàn cảnh rất khó khăn. Là trụ cột trong gia đình, chị phải nuôi 3 con nhỏ và mẹ chồng. Hiểu hoàn cảnh của chị, huyện bố trí cho chị vay 70 triệu đồng để đầu tư chăm sóc 2ha cây cao su đã trồng mấy năm trước để tăng năng suất, chất lượng mủ.

Có đà, chị vay thêm 30 triệu đồng mua 2 con bò sinh sản để nuôi. Năm 2024, 2 con bò ban đầu phát triển được 5 con, dự kiến năm 2026 đàn bò sẽ tăng lên 11 con. Ngoài ra, chị còn trồng 1ha mì, 2 sào ruộng lúa nước.

Nhờ được hỗ trợ kịp thời, được hướng dẫn sử dụng đúng cách, đúng mục đích, sinh kế của chị Y Tôm chứng minh hiệu quả khi đem lại nguồn thu nhập cho gia đình từ trồng trọt và chăn nuôi. Năm 2023, chị đã vượt qua “ngưỡng nghèo”, vươn lên “cận nghèo”. Gia đình 5 người này đang phấn đấu cuối năm 2024 sẽ ra khỏi diện cận nghèo, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Nguồn vốn tín dụng chính sách tại huyện Đăk Glei ngày càng chứng minh là “đòn bẩy” cho các hộ nghèo nỗ lực, chăm chỉ làm ăn. 

Tương tự chị Y Tôm, anh A Phích, 49 tuổi, dân tộc Giẻ-Triêng ở thôn Đăk Túc, xã Đăk Kroong, cũng có 2 lần vay vốn tín dụng chính sách 130 triệu đồng để đầu tư chăm sóc 3ha cây cao su; chăn nuôi 11 con bò, heo, gà, vịt. Nguồn vốn được hỗ trợ đúng địa chỉ giúp gia đình anh Phích có thu nhập từ 80-100 triệu đồng/năm, từ đó thoát nghèo đa chiều, bền vững.

Chị Y Tiểu (thôn Đăk Ra, thị trấn Đăk Glei) cũng thoát nghèo đa chiều, có việc làm, có nhà ở, các con được đi học, cuộc sống ổn định nhờ vay vốn 30 triệu đồng để nuôi 5 con bò.

Lãnh đạo Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đăk Glei cho biết đơn vị thực hiện giải ngân tới các hộ có nhu cầu vay vốn để tạo việc làm, phát triển kinh tế, tăng thêm thu nhập. Cụ thể, cho vay giải quyết việc làm cho 125 lao động tại 2 xã Đăk Pek và Đăk Môn, trồng mới 95 ha cà phê, cao su, 14 ha dược liệu, chăn nuôi 231 con trâu, bò...

Nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách, thời gian qua, đã giúp hơn 9.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn; góp phần tạo việc làm cho gần 1.800 lao động, xây dựng hơn 5.800 công trình nước sạch - nhà vệ sinh, hơn 1.500 căn nhà, mua hơn 1.400 con trâu, bò, trồng hơn 3.400ha cà phê, 2.500ha cao su, hơn 350ha sâm dây, gần 150.000 cây sâm Ngọc Linh...

Đòn bẩy về nguồn vốn giúp các hộ yên tâm đầu tư phát triển sản xuất, bám đất, bám làng, tăng thu nhập, nâng cao đời sống, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững...