Triển khai Nghị quyết 01-NQ/TU, ngày 31/12/2020 của Tỉnh ủy và sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt các các cấp ủy, chính quyền, ngành chức năng, kinh tế số, xã hội số và công dân số trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên phát triển mạnh, trong đó đáng chú ý là khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã thúc đẩy xây dựng nông thôn mới theo hướng hiện đại, nông dân văn minh, trước hết là ở khía cạnh ứng dụng công nghệ, tiếp cận phương thức thanh toán hiện đại.
“Chợ 4.0” bắt đầu xuất hiện từ cuối tháng 4/2022 tại chợ Hùng Sơn, thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ), theo hình thức thí điểm. Ngay sau đó, mô hình này được đánh giá rất cao, nhiều người dân tham gia hưởng ứng, tạo hiệu ứng tích cực để triển khai trong toàn tỉnh.
Với nền tảng mobile money do Viettel cung cấp, người dân, tiểu thương có thể mua, bán và thanh toán tại chợ bằng cách quét mã QR hay chuyển tiền qua số điện thoại một cách nhanh chóng, không phải dùng tiền mặt như trước đây.
Lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông cho hay, mô hình “chợ 4.0” là một điểm sáng ở Thái Nguyên trong phát triển xã hội số. Mô hình này giúp người dân địa phương tiếp xúc với công nghệ số, thúc đẩy việc sử dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt ngay cả trong những giao dịch đơn giản hằng ngày.
Sau khi triển khai bước đầu thành công ở Đại Từ, Sở tiếp tục phối hợp với Viettel Thái Nguyên khảo sát, triển khai tại một số địa phương. Hiện đã triển khai mô hình này ở nhiều địa phương khác nhau.
Vốn là một huyện thuần nông, sau nhiều năm nỗ lực, đến nay Phú Bình đạt chuẩn nông mới và 14 chợ trên địa bàn thanh toán không dùng tiền mặt, tất cả tiểu thương và 80% dân số trong độ tuổi lao động trên địa bàn có tài khoản thanh toán điện tử, ví điện tử để phục vụ nhu cầu thiết yếu hằng ngày.
Tất cả các sản phẩm OCOP của Phú Bình được đưa lên sàn giao dịch thương mại điện tử và thanh toán trực tuyến. Góp phần đạt kết quả đó, 276 tổ công nghệ số cộng đồng với hơn 1.800 thành viên thường xuyên hỗ trợ người dân tham gia chuyển đổi số, hướng dẫn tiếp cận, sử dụng hình thức thanh toán trực tuyến.
Từ mô hình điểm chợ 4.0 được huyện Phú Lương triển khai tại chợ Đu cuối năm 2022, với sự hướng dẫn của cán bộ chức năng và sự tiện lợi trong thanh toán, chỉ sau thời gian ngắn, gần như 100% tiểu thương, hộ kinh doanh tại đây đã sử dụng hình thức thanh toán điện tử và lan toả ra toàn huyện.
Đó là 12/12 chợ truyền thống ở huyện Phú Lương thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt, điển hình là chợ xã Phú Đô, nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, ở vùng xa, nhưng có đến 50% tiểu thương, người đi chợ có tài khoản, mã QR code để thanh toán.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, số người dùng mạng internet và điện thoại thông minh tiếp tục gia tăng. Đặc biệt, người dùng thích ứng rất nhanh với những thay đổi của công nghệ số. Đây là điều kiện thuận lợi để Thái Nguyên triển khai hiệu quả các nền tảng số phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân, trong đó có nhu cầu thanh toán không dùng tiền mặt ở cả thành thị và nông thôn.