XEM CLIP

Người dân bức xúc

Người dân sống dọc đường Nguyễn Văn Tuyết (phường Thuận An, TP Huế) thời gian qua liên tục phản ánh đến chính quyền sở tại, cơ quan chức năng về việc cuộc sống của họ bị ảnh hưởng, đảo lộn khi hàng ngày phải hứng bụi từ những xe chở than từ Lào về đổ tập kết trong cảng Thuận An.

Bãi tập kết than khủng bên trong cảng Thuận An

Một số người dân cho biết, hoạt động của phương tiện, xe cộ chở than về tập kết tại cảng Thuận An bắt đầu diễn ra thường xuyên, sôi động từ đầu năm 2023.

Chia sẻ với PV, bà NguyễnThị Nữ (một người dân bán cà phê) ngay gần cảng Thuận An chia sẻ, ngày nào xe chở than cũng chạy ra vào cảng, chạy cả ngày lẫn đêm. Hầu như năm nào hoạt động vận chuyển và tập kết than về cảng cũng diễn ra, nhưng từ đầu năm 2023 đến nay thì nhiều hơn.

Để hạn chế ô nhiễm, người dân dùng vật dụng ra chắn giữa đường

“Mỗi khi có xe chở than chạy qua chúng tôi đều phải đóng cửa nếu không các vật dụng trong nhà sẽ phủ một lớp bụi đen của than. 

Nhà tôi kinh doanh quán nước giải khát, cà phê chủ yếu là phục vụ công nhân trong cảng chứ khách nơi khác thì ít ai dám ngồi vì bụi bặm”, bà Nữ chia sẻ.

Tay cầm vòi nước xịt bụi than, tay kia chỉ về đoạn đường sình lầy trước cửa nhà do xe cộ chạy liên tục, bà La Thị Lê cho biết, cuộc sống của gia đình bà và hàng chục hộ dân dọc tuyến đường vào cảng Thuận An từ lâu bị đảo lộn, sống trong ô nhiễm của khói bụi.

Chỉ gạt nhẹ lên đồ dùng trong gia đình, đôi bàn tay của bà La Thị Lê đã dính dầy bụi than

Theo bà Lê, bụi than do các xe chở vào cảng không chỉ khiến đoạn đường trước mặt nhà bị sình lầy, phủ bụi dày đặc mà than bay cả vào tận trong nhà, bám dày trên tường, các vật dụng gia đình khiến cuộc sống của nhà bà bị đảo lộn.

“Xe chở than toàn xe cỡ lớn chạy lún cả một bên đường. Chúng tôi bức xúc phải mang vật dụng ra cản để họ đánh lái sát sang bên kia đường cho đỡ lún và hạn chế bụi bay vào nhà.

Chúng tôi cũng nhiều lần phản ánh lên chính quyền địa phương, phía cảng hứa sẽ khắc phục và cử lực lượng ra quét và tuới nước nhưng hôm được hôm không”, bà L. nói.

Những núi than khủng

Từ phản ánh của người dân, những ngày qua, PV có mặt tại hiện trường để ghi nhận hoạt động tại những bãi than khủng tập kết bên trong cảng Thuận An.

Bên trong cảng, máy móc hoạt động khá rầm rộ

Thời điểm PV có mặt, bên trong cảng này xuất hiện những núi than khổng lồ, ước lượng hàng chục nghìn tấn được tập kết. 

Điều đáng nói, những bãi than khổng lồ này không hề được phủ bạt hoặc phủ một cách sơ sài. Tại một vài điểm, máy xúc hoạt động hối hả, bốc than lên xe để trung chuyển ra khu vực cầu cảng và bụi than bay mù mịt.

Những núi than được phủ bạt, che đậy sơ sài

Tại khu vực cầu cảng, công nhân miệt mài điều khiển hai máy xúc cỡ lớn hối hả bốc than lên tàu chở hàng mang tên Việt Thuận 28, có trọng tải 1.700 tấn. 

Theo quan sát, quá trình bốc than tập kết từ cầu cảng lên tàu, một khối lượng lớn than đá rơi vãi xuống biển. Khu vực cầu cảng cũng không có hệ thống xử lý nước thải, nước thải trực tiếp xuống cửa biển kèm than khiến vùng nước ở gần khu vực cảng có một màu đen xì.

Xe tải hạng nặng bốc than từ các bãi tập kết, trung chuyển ra khu vực cầu cảng

Trao đổi với VietNamNet, ông Trương Văn Đông, Giám đốc Công ty cổ phần Cảng Thuận An cho biết, lượng than tập kết trong cảng có nguồn gốc từ Lào về qua cửa khẩu quốc tế La Lay (Quảng Trị) từ đầu năm 2023 đến nay và chủ yếu để phục vụ cho nhu cầu của các nhà máy nhiệt điệt ở các tỉnh phía Nam. 

Hiện có hai đơn vị ký kết với cảng Thuận An về hoạt động tập kết và trung chuyển than tại cảng là Công ty cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn và Công ty than Việt Nam.

Than được bốc lên tàu trọng tải 1.700 tấn

“Mấy ngày nay lượng than về cảng hơi nhiều và tập kết thành mấy bãi dưới khu vực cảng. Vừa rồi đơn vị làm thương mại than cho nhà máy nhiệt điện có lô hàng tàu Pacific 01 với sức chở 2,8 vạn tấn để chuyển tải ra khu vực phao số 0 ngoài biển Cửa Việt (tỉnh Quảng Trị).

Tuy nhiên, do tàu Pacific 01 máy móc kém và hỏng liên tục nên công tác chuyển tải ra tàu bị chậm lại. Trong khi đó, lượng than từ Lào vẫn về đều đặn để đủ sức chở của tàu nên than bị đọng lại tức thời đâu đó khoảng 7 – 10 ngày”, ông Đông thông tin.

Lượng nước thải lẫn bụi than đen nghịt, tồn đọng trên cầu cảng Thuận An

Trước phản ánh của người dân, ông Đông thừa nhận, hoạt động của các xe chở than cũng ít nhiều làm ảnh hưởng, xáo trộn đời sống người dân. 

Vị này cho rằng, đơn vị vẫn cử lực lượng tưới nước thường xuyên giữa mặt đường nhưng không tránh khỏi việc bụi than ảnh hưởng đến người dân 2 bên đường.

Quá trình xúc than lên tàu, một lượng lớn than bị rơi xuống biển, gây ô nhiễm môi trường

Ông Trương Văn Đông, Giám đốc Công ty cổ phần Cảng Thuận An khẳng định, đơn vị luôn tuân thủ đánh giá tác động môi trường và công tác phòng cháy chữa cháy cũng như đảm bảo an toàn cho khu vực cầu cảng.

"Việc để than rơi xuống biển, nước thải chảy ra là điều tối kỵ. Chúng tôi sẽ cho kiểm tra và chấn chỉnh", ông Đông nói.

Bên cạnh đó, khi PV đề nghị tiếp cận những giấy phép liên quan đến cam kết môi trường thì Giám đốc Công ty cổ phần cảng Thuận An chỉ cung cấp được một quyết định từ cách đây 21 năm của Giám đốc Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường về phê chuẩn báo cáo đánh giá tác động môi trường của cảng Thuận An và một biên bản kiểm tra phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ tại Công ty cổ phần cảng Thuận An của Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh TT-Huế vào ngày 22/7/2022.

Ông Trương Văn Đông thừa nhận, các giấy tờ trên là của chung hoạt động tại cảng Thuận An chứ việc tập kết than tại cảng thì không có giấy phép riêng.

Trao đổi với VietNamNet, một lãnh đạo Sở TN&MT tỉnh TT-Huế cho biết, Sở sẽ chỉ đạo các phòng ban chuyên môn kiểm tra việc tập kết than đá tại đây, kiểm tra hồ sơ liên quan đến đánh giá tác động môi trường và cung cấp thông tin cho báo chí khi có kết quả.