Anh Phạm Văn Hoài, 36 tuổi ở xã Việt Hùng, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định vốn bị khuyết tật chân thấp chân cao từ nhỏ, khiến anh phải đi cà nhắc. Gương mặt lại bị lệch nên anh luôn sống trong mặc cảm.

Sau này may mắn anh tìm được một nửa đời mình là chị Phạm Thị Hoa, 44 tuổi. Ở tuổi ngoài 40, chị Hoài mới mang bầu con đầu lòng.

Để có thu nhập, anh Hoài hàng ngày đi bán tăm, đũa ở bãi biển Quất Lâm, Nam Định, còn chị Hoài ở nhà nuôi gà, chăn lợn. Dù gà, lợn đầy chuồng nhưng vợ chồng anh chỉ nuôi “thuê”, công ty hỗ trợ con giống, thức ăn, đến khi bán thành phầm chỉ còn thu về 15 triệu đồng/năm.

Hơn 2 năm trước, chị Hoa ngày càng tiều tuỵ, cân nặng chỉ ngoài 30kg. Khi đến Bệnh viện E thăm khám, bác sĩ kết luận chị bị hẹp van 2 lá nặng, kích thước van chưa đầy 1cm, trong khi người bình thường là 4cm.

{keywords}

Vợ chồng anh Hoài hạnh phúc hạnh phúc khi có thêm cô con gái khoẻ mạnh 

Tình trạng của chị Hoa quá nguy cấp, phải phẫu thuật ngay, nếu không chắc chắn sẽ tử vong. Khi ấy, anh Hoài khóc nức nở, cầu xin bác sĩ tìm mọi cách cứu vợ. Trong túi người đàn ông khắc khổ, chỉ có vẻn vẹn vài trăm nghìn đồng.

Dù vậy, các bác sĩ vẫn quyết định mổ cho chị Hoa. Sau ca phẫu thuật, sức khoẻ chị Hoa dần hồi phục. Bệnh viện cùng các nhà hảo tâm kêu gọi hỗ trợ được 140 triệu đồng giúp vợ chồng chị vượt qua cơn hoạn nạn.

Giữa năm 2020, chị Hoa báo tin mừng có thai lần 2. Hai vợ chồng ôm nhau khóc vì hạnh phúc nhưng nỗi lo từ đây cũng đè ngập, nhất là khi sức khoẻ chị Hoa chưa hồi phục.

Bác sĩ cho biết, với người bình thường, khi mang thai quả tim đã phải hoạt động tăng lên gấp nhiều lần để đảm bảo oxy, dinh dưỡng, trao đổi chất cho thai nhi phát triển. Với chị Hoa, do quả tim đã bị bệnh nên người mẹ dễ mệt mỏi quá sức, tổn hao sức khoẻ, thậm chí có thể đối mặt nguy cơ tử vong.

Một lần nữa, anh Hoài “gõ cửa” PGS.TS Phạm Kim Lan, Trung tâm tim mạch, Bệnh viện E nhờ hỗ trợ tư vấn giữ lại sinh linh bé nhỏ.

Từ đây, PGS Lan là người đồng hành với vợ chồng anh Hoài suốt 9 tháng cả về kiến thức, tinh thần và vật chất để bào thai lớn lên khoẻ mạnh.

Những ngày vợ mang bầu, anh Hoài vất vả chạy ngược xuôi nhưng luôn thấy bất lực vì bản thân tàn tật, không thể giúp vợ được nhiều.

{keywords}

Lá thư cảm động của anh Hoài gửi các bác sĩ

“Vợ em mà làm sao thì bố con em không sống được. Cô ấy chính là tổ ấm của bố con em”, anh Hoài chia sẻ với PGS Lan.

Nhờ sự theo sát của các chuyên khoa, thai nhi trong bụng chị Hoa phát triển tốt, không có nguy cơ mắc dị tật bẩm sinh.

Đến 15h30, ngày 19/3, ekip sản khoa cùng ekip tim mạch của Bệnh viện E thực hiện ca mổ bắt con đặc biệt. Bé gái nặng 3,2kg khoẻ mạnh chào đời.

Người cha nghe thấy tiếng khóc của con vội tập tễnh chạy lại trước cửa phòng sinh, nước mắt lăn dài vì hạnh phúc, anh nói không thành tiếng: “Con gái tôi đấy! Mẹ tròn con vuông rồi! Cám ơn các bác sĩ vô cùng!”.

Anh quyết định đặt tên con là Nguyễn Thanh Ngân với mong muốn lời cám ơn chân thành gửi đến các bác sĩ bệnh viện sẽ ngân vang mãi.

Ngay sau khi con gái chào đời, anh Hoài xin vội tờ giấy trắng trên khoa Phụ sản, nắn nót viết từng chữ, dù với một người khiếm khuyết như anh, việc này không dễ dàng.

Dòng chữ nguệch ngoạc còn sai lỗi chính tả với những lời nhắn gửi ngắn gọn nhưng chứa đựng sự biết ơn, trân trọng vô ngần với các bác sĩ.

“Tôi không biết lấy gì để cảm tạ các bác sĩ Bệnh viện E, phòng Công tác xã hội và các nhà hảo tâm cách đây 2 năm đã cứu sống vợ tôi thoát khỏi lưỡi gươm thần chết vượt qua bệnh tim.

Chín tháng gần đây, khi biết vợ tôi có thai, các bác sĩ đã hội chẩn giữ lại cháu - con gái cho tôi.

Hôm nay vào khoảng 15h30, Trung tâm tim mạch phối hợp với khoa Sản mổ sinh vợ và con gái tôi thành công. Gia đình tôi xin cảm ơn các bác sĩ Bệnh viện E”, anh viết.

BS Nguyễn Thị Kiều Oanh, khoa Phụ sản chia sẻ, trong suốt quá trình mang thai, các bác sĩ cùng gia đình nín thở theo dõi từng nhịp đập của thai nhi và trái tim sản phụ. May mắn, thai nhi đã phát triển đủ 9 tháng 10 ngày và chào đời thành công.

Thúy Hạnh

21 tỉnh 'lười đẻ', Việt Nam không cấm người dân sinh con thứ 3

21 tỉnh 'lười đẻ', Việt Nam không cấm người dân sinh con thứ 3

Việt Nam đang triển khai nhiều biện pháp để tăng mức sinh tại 21 địa phương. Bộ Y tế cho biết, đây là bài toán khó chưa có nước nào giải được.