Tại Khoa Điều trị, Bệnh viện Đặng Văn Ngữ (Hà Nội), các bác sĩ đang điều trị sán cho hàng chục ca khác nhau điển hình như sán não, sán lá gan lớn, sán lá phổi… đều bắt nguồn từ thói quen ăn uống không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Cụ thể, bệnh nhân D.V.P (58 tuổi, trú tại huyện Phú Lương, Thái Nguyên) bị sán não. Bệnh nhân cho biết tháng 2, trong một lần đang ngồi ăn cơm, ông đột ngột co giật, lưỡi tụt, miệng méo… Gia đình cho rằng ông bị đột quỵ nên đưa đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên cấp cứu.
Tại đây, bác sĩ chụp CT không thấy có bất thường chảy máu não hay nhồi máu não. Hình ảnh trên phim chụp cho thấy có nhiều tổn thương dạng sán não. Bác sĩ chuyển ông xuống Bệnh viện Đặng Văn Ngữ kiểm tra và điều trị. Hiện nay, bệnh nhân này xuống viện để điều trị tiếp đợt thứ 3.
Nói về thói quen ăn uống, người đàn ông này chia sẻ mình rất thích các món tiết canh từ lợn, vịt, ngan. Khi được bác sĩ thông báo mắc sán não, ông bất ngờ vì “ăn ở miệng sao sán lại chui lên não?”.
Theo bác sĩ Tạ Huy Hải, khoa Điều trị, Bệnh viện Đặng Văn Ngữ, cho biết sán não là do ấu trùng sán lợn gây ra. Khi ăn phải các loại thịt lợn chưa nấu chín, tiết canh các ấu trùng sán lợn đi vào hệ tiêu hóa sau đó vào máu và chu du lên các cơ quan. Ấu trùng sán lợn có hai thể là sán não và sán cơ.
Ở trên cơ, người bệnh sẽ xuất hiện các u cục dưới da, rất dễ nhầm lẫn với u mỡ. Sán thường nằm sâu trong cơ, mắt thường khó phát hiện.
Ở não, sán sẽ tạo thành các nang sán có thể gây ra biến chứng. Tùy vào vị trí của nang sán nằm ở trung khu nào của não sẽ có biểu hiện khác nhau như co giật, đau đầu.
Theo bác sĩ Hải, sán não có 4 giai đoạn: Giai đoạn 1, 2 nang sán đang hoạt động, giai đoạn 3 sán chết, thoái hóa. Giai đoạn 4 vôi hóa. Khi chụp phim của bệnh nhân P., bác sĩ phát hiện có cả nang sán đang hoạt động và đã vôi hóa.
Nguyên nhân dẫn đến bệnh sán não chủ yếu là thói quen ăn thịt tái, sống, tiết canh… Do đó, bác sĩ Hải khuyến cáo người dân cần tuân thủ ăn chín, uống sôi, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Lưu ý, việc điều trị sán không đơn giản, các loại thuốc tẩy giun sán thông thường không có tác dụng. Bệnh nhân có thể trải qua nhiều đợt điều trị khác nhau.