"Bệnh nhân mắc bệnh Leptospira (nhiễm khuẩn xoắn khuẩn vàng da) thể nặng", bác sĩ Nguyễn Thành Đô, Khoa Hồi sức tich cực - chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn, cho biết.
Đây là bệnh nhân 40 tuổi, ban đầu nhập viện vì đau bụng. Trước đó, anh được gia đình đưa tới cơ sở y tế tuyến huyện trong tình trạng tỉnh, vàng da toàn thân, đau bụng hạ sườn phải.
Kết quả siêu âm ổ bụng cho hình ảnh sỏi túi mật, xử trí truyền dịch, kháng sinh, giảm đau. Sau 1 ngày điều trị tình trạng không cải thiện, bệnh nhân được chuyển tới bệnh viện tỉnh, vào Khoa Ngoại tiêu hóa với chẩn đoán theo dõi viêm túi mật do sỏi.
Tuy nhiên, sau 1 ngày nhập viện, bệnh nhân có diễn biến nhanh với triệu chứng lơ mơ, ngủ gà, ăn uống kém, vàng da tăng dần, nước tiểu ít, dưới 500ml/ngày, ho.
Sau khi hội chẩn, thầy thuốc quyết định chuyển bệnh nhân về Khoa Hồi sức tích cực điều trị tiếp. Các bác sĩ nghi ngờ và làm xét nghiệm xoắn khuẩn Leptospira cho bệnh nhân. Tuy nhiên, vì thời gian trả kết quả là sau 5 ngày nên buộc bác sĩ điều trị theo chẩn đoán tạm thời "theo dõi nhiễm Leptospira mức độ nặng có tổn thương đa cơ quan, nổi bật là tổn thương thận cấp, suy chức năng gan và giảm tiểu cầu".
Sau 5 ngày, tình trạng bệnh nhân cải thiện hơn. Anh hết sốt, bụng giảm đau và không còn gồng cứng, lượng nước tiểu tăng lên, da niêm mạc giảm vàng. Xét nghiệm máu và hình ảnh học cũng cho thấy những thay đổi tích cực qua từng ngày. Hiện bệnh nhân đã ổn định và ra viện.
Leptospira, xoắn khuẩn vàng da, là bệnh lý do vi khuẩn ảnh hưởng đến con người và động vật, lây truyền chủ yếu qua đường da, niêm mạc ngoài ra có thể qua đường tiêu hóa, hô hấp.
Bệnh có thể gây ra một loạt các triệu chứng như: Sốt, rét run, đau đầu, nhức mắt, buồn nôn, đau cơ thường dữ dội, tự nhiên và tăng khi sờ nắn, nhất là cơ bắp chân, da niêm mạc xung huyết, vàng da, vàng mắt, tiểu ít,… Tuy nhiên, một số người bị nhiễm bệnh có thể không có triệu chứng nào.
Ở thể bệnh nặng (thể Weil) nếu không điều trị, bệnh có thể dẫn đến tổn thương suy thận, suy gan, suy hô hấp và thậm chí tử vong.
Bác sĩ Đô cho biết khoa từng tiếp nhận nhiều trường hợp mắc bệnh Leptospira. Tuy nhiên, đây là trường hợp mắc thể nặng đầu tiên, các triệu chứng khởi phát không điển hình, nhiều triệu chứng nặng nề, có bệnh lý mắc kèm gây khó khăn trong chẩn đoán, nguy cơ tử vong cao.
Leptospira là bệnh lý có tính chất đặc thù, do khả năng sống tự do trong đất, trong nước ngọt và hàng tháng trong môi trường nước mặn. Bác sĩ khuyến cáo người dân cần lưu ý trong quá trình sinh hoạt và sản xuất, cần sử dụng phương tiện phòng hộ (đi giày, ủng, găng tay…).