Cuộc gặp gỡ ở đất nước thứ ba

Bước chân xuống sân bay Changi (Singapore), chị Ánh Tuyết đi qua cửa an ninh rồi tiến thẳng ra phía sảnh chờ để tìm người đàn ông da trắng, mái tóc màu hạt dẻ, cao 1m90. Từ đằng xa, chị thấy ai đó dáng cao lớn đang vẫy tay chào. Có lẽ đối phương cũng đã nhận ra chị nên nở nụ cười rất tươi.

Chị hồi hộp tiến lại gần. Trước mặt chị là anh Jarrod Hosking, người đàn ông mang quốc tịch Úc chị đã trò chuyện qua mạng suốt ba tháng trước đó. Chỉ cao hơn 1m50, đứng bên cạnh người đàn ông "khổng lồ", chị Tuyết có chút choáng ngợp. 

Chị Tuyết quen anh Jarrod Hosking đầu năm 2014 qua một ứng dụng hẹn hò sau khi chia tay mối tình 10 năm. Bên cạnh những tin nhắn kết bạn từ Viber, chị nhận được một bức thư đến từ Úc ký tên Jarrod Hosking với nội dung ngắn gọn: "Xin chào, em có nụ cười đẹp quá, chúng ta làm quen nhé". Chị Tuyết cũng gửi thư hồi âm và để lại địa chỉ nhắn tin trên ứng dụng hẹn hò.

Người đàn ông Úc cưới được vợ Việt sau kỳ nghỉ sát hạch ở xứ dừa - 1

Cặp đôi quen nhau qua một ứng dụng hẹn hò. (Ảnh: A. T)

Tuy nhiên, thấy những lần sau đó, anh Jarrod vẫn áp dụng cách thức gửi thư, chị Tuyết thấy có chút bất tiện nên không hồi đáp nữa. Chờ đợi mãi không thấy đối phương trả lời, anh Jarrod quyết không bỏ cuộc mà gửi tới rất nhiều câu hỏi.

Thấy người bạn của mình có phần "chậm tiến về công nghệ", chị Tuyết hỏi ra mới biết anh không hề biết tới Viber hay các ứng dụng trò chuyện dù đang sở hữu chiếc điện thoại iphone đời mới nhất lúc bấy giờ.

"Lúc ấy, tôi thấy anh ấy khá dễ thương, thật thà nên trò chuyện nhiều hơn. Tôi dạy Jarrod cách sử dụng Viber, WhatsApp. Càng nói chuyện, chúng tôi càng thấy có nhiều điểm tương đồng. Tính tôi vốn hài hước, từ một bức ảnh hay câu nói anh gửi tới, tôi có thể "chế" ra một câu chuyện cười. Vì vậy, nhiều lúc chúng tôi "buôn" mãi không hết chuyện", chị Tuyết kể với PV Dân trí.  

Hai tháng sau, chị Tuyết nhận được tin nhắn: "Có thể em không tin, nhưng với anh, em là người rất đặc biệt. Chúng ta gặp nhau được không?". Jarrod hẹn gặp chị Tuyết tại Singapore với lời hứa hẹn nếu mọi chuyện "tốt đẹp" anh sẽ về Việt Nam cùng chị sau đó.

Từ TPHCM, chị Tuyết tạm gác lại công việc rồi bắt chuyến bay sang Singapore hôm 19/4/2014. Lần đầu gặp mặt, cả hai nhanh chóng vượt qua những bỡ ngỡ bằng những nụ cười, cởi mở trò chuyện hơn.

Nhìn thấy người bạn quen qua mạng mặc áo phông đơn giản với chiếc quần jean rách ở hai đầu gối, chị Tuyết tếu táo khen "anh mặc mốt quá".

Tuy nhiên, người đàn ông Úc thật thà nói không phải anh thích mặc theo phong cách jean rách. Chiếc quần đó, anh đã mặc 14 năm nên mới bị rách như thế. Khi còn mới, nó rất lành lặn. Nghe bạn trai kể về chiếc quần "diện hơn 1 thập kỷ", chị Tuyết chỉ bấm bụng cười.

Lúc ấy, chị băn khoăn không rõ, người đàn ông này thuộc túyp "siêu tiết kiệm" hay anh chỉ là người sống giản dị, không quá chau chuốt vẻ bề ngoài. Những hành động của Jarrod sau đó đã giúp chị Tuyết giải đáp những thắc mắc này.

Những ngày ở đảo quốc sư tử, họ cùng đi chơi, bàn luận đủ thứ chuyện. Chị Tuyết ấn tượng với Jarrod Hosking bởi sự chu đáo, tỉ mỉ. Chị kể: "Anh ấy liên tục bảo tôi mua thứ này, thứ kia. Khi đi mua sắm, ăn uống, anh chăm sóc tôi rất kỹ khiến những người xung quanh tưởng chúng tôi là một cặp vợ chồng. Lúc này, tôi càng hiểu, anh ấy vốn tính giản dị chứ không phải túyp người tiết kiệm đến mức quần áo không dám mua mới mà mặc".

Một hôm đang đi chơi, chiếc giày của chị bị gẫy gót, vì sợ chị bị đau chân khi phải đi trên con đường không bằng phẳng, anh Jarrod đã cõng chị suốt 2km. Nhiều lần, khi đi bộ trên đường, anh cũng luôn quan sát, thi thoảng lại lùi lại phía sau vì như vậy mới có thể "bảo vệ" được chị.

Chị Tuyết thấy tình cảm của mình lớn dần lên và cảm nhận được sự ấm áp, che chở từ phía anh. Về phần Jarrod, sau nhiều năm ly hôn, đó lần đầu anh có cảm giác rung động thực sự trước một phụ nữ. Đặc biệt, chị không hay mè nheo, đòi quà cáp, nhưng lại thích nói chuyện về quyền phụ nữ, tự do.

Kết thúc 4 ngày ở Singapore, Jarrod ngỏ ý muốn sang Việt Nam cùng chị Tuyết. Lắng nghe nhịp đập của con tim, chị Tuyết đồng ý đưa người đàn ông Úc về quê hương chị - xứ dừa Bến Tre.

"Sốc văn hóa" với ẩm thực và cách trả tiền của người Việt

Hai tuần ở Bến Tre, người đàn ông Úc gặp vô số những câu chuyện thú vị, hài hước xen lẫn sự ngạc nhiên về ẩm thực và nhiều nét văn hóa của người dân nơi đây.

"Mấy ngày đầu, tôi tiếp đón anh ấy bằng những món làm từ trái dừa - đặc sản của quê hương, nào là kẹo dừa, nước dừa, thịt kho dừa, tàu hũ dừa… Đến ngày thứ ba, anh ấy nhăn nhó bảo: "Em ơi, ngày thứ ba anh ăn dừa rồi, cho anh ăn gì khác đi", chị Tuyết bật cười nhớ lại.

Những hôm sau, gia đình chị Tuyết đặc biệt chế biến món "gà thả vườn" để chiêu đãi anh Jarrod. Tới bữa ăn, ai cũng tấm tắc khen ngon vì thịt gà dai, ngọt và thơm, riêng Jarrod phải "đánh vật" với những miếng thịt nhai mãi cũng không nát.

Người đàn ông Úc cưới được vợ Việt sau kỳ nghỉ sát hạch ở xứ dừa - 2

Cả hai vượt qua nhiều khác biệt văn hóa để đến bên nhau. (Ảnh: A. T)

Một lần khác, cả nhà làm món cá lóc, đặc sản miền Tây cho Jarrod ăn. Vốn quen dùng những loại cá to, đã được rút xương nên khi ăn cá lóc, người đàn ông Úc không may bị hóc xương. Đang luống cuống chưa biết làm thế nào thì anh thấy chị Tuyết đưa cho mình một miếng cơm trắng bảo anh nhai rồi nuốt xuống cổ họng, vừa nuốt tay vừa vuốt ngực. Ít phút sau, anh Jarrod thấy không còn cảm giác bị mắc họng nữa và cũng tròn mắt ngạc nhiên với cách chữa hóc xương kỳ lạ này.

Bên cạnh chuyện ăn uống, việc tiêu tiền thế nào cũng là điều khiến người đàn ông Úc cảm thấy ngạc nhiên. Trong chuyến về chơi ấy, có lần cả hai đưa mẹ của chị Tuyết đi mua sắm. Người mẹ lựa quần áo xong liền xách hàng đi luôn mà không trả tiền. Anh Jarrod cảm thấy rất lạ khi người thanh toán lại là chị Tuyết.

Anh chia sẻ rằng ở đất nước anh sinh sống, ai mua thì người đó phải trả tiền, bất kể đó là bố, mẹ hay người thân của mình. Bố con anh có thể đi ăn chung bữa tối nhưng sẽ vẫn chia tiền bữa ăn đó. Nếu không sẽ tuần tự bố trả bữa ăn này, con trả bữa ăn sau.

Chị Tuyết khi đó mới giải thích với anh rằng, ở Việt Nam, khi về già cha mẹ thường nương tựa, trông cậy vào con cái. Người con coi việc đưa cha mẹ đi mua sắm, đi chơi, đi ăn… như một cách chăm sóc, báo hiếu chứ không nặng nề chuyện tiền bạc.

Người đàn ông Úc cưới được vợ Việt sau kỳ nghỉ sát hạch ở xứ dừa - 3

Anh Jarrod cải tạo đất để trồng vườn hồng làm quà tặng vợ nhân kỉ niệm ngày cưới. (Ảnh: A. T)

Những ngày ở Bến Tre, anh Jarrod còn được chị Tuyết dẫn đi thiện nguyện nhiều nơi. Chứng kiến nhiều hoàn cảnh cơ cực, anh càng nhận ra chị là người phụ nữ nhân từ, tốt bụng.

Cuộc sống ở Bến Tre không được tiện nghi như ở Úc. Anh Jarrod nằm giường tre, ngồi ghế đá thay vì những chiếc đệm hay chiếc ghế sofa êm ái. Thời tiết nắng nóng, khắc nghiệt, thức ăn không hợp khẩu vị… Tuy nhiên, người đàn ông Úc vẫn cố gắng hết mức để hòa nhập bởi đã trót phải lòng "cô gái Bến Tre".

Chị Tuyết tâm sự: "Tôi để anh ấy trải nghiệm cuộc sống của tôi như một "phép thử" xem anh ấy có hòa nhập được không và tôi thực sự xúc động khi anh đã vì tôi mà thích ứng tất cả".

Kết thúc kỳ nghỉ hai tuần, anh Jarrod trở về Úc tiếp tục công việc. Trong một năm kể từ lần đầu gặp gỡ, cứ vài ba tháng sắp xếp được lịch nghỉ, anh lại bay sang Việt Nam. Khi có thời gian, chị Tuyết lại đáp máy bay sang thăm bạn trai.

Suýt ký hợp đồng hôn nhân

Một lần khi cả hai đang ở Úc, Jarrod vô tình tiết lộ bản thân không muốn lập gia đình. Lý do là bởi anh vẫn chưa hết ám ảnh về cuộc hôn nhân trước đây, cuộc hôn nhân đã lấy đi của anh tất cả. Ngoài ra, anh cũng rất lo sợ về những mối quan hệ mà đối phương chỉ nhắm tới việc kết hôn với anh để nhập quốc tịch hay nhằm vào tài sản. Anh cũng đã ghi rất rõ trong hồ sơ hẹn hò là "không muốn kết hôn".

Người đàn ông Úc cưới được vợ Việt sau kỳ nghỉ sát hạch ở xứ dừa - 4

Những bông hoa đầu tiên trong vườn hồng anh Jarrod tặng vợ. (Ảnh: A. T)

"Trước đó, vì nhận được lời mời kết bạn qua email, tôi không đọc hồ sơ của anh ấy nên không biết anh chỉ tìm bạn gái mà không có ý định kết hôn. Tôi rất buồn. Nếu biết trước anh ấy có ý định như thế, có lẽ tôi đã không kết bạn với anh vì ở tuổi của mình, tôi cần một mối quan hệ nghiêm túc. Tình cảm lúc ấy đã đi quá xa rồi…", chị Tuyết chia sẻ.

Sau một vài ngày suy nghĩ, chị Tuyết đã chia sẻ hết lòng mình với bạn trai. Chị nói với anh sẽ ký hợp đồng tiền hôn nhân và mời luật sư làm chứng. Chị cam kết sẽ không can thiệp vào bất cứ tài sản gì của anh.

Đề nghị của chị Tuyết khiến anh Jarrod khá bất ngờ và xúc động. Hai ngày sau, người đàn ông này đã cầu hôn chị bằng một chiếc nhẫn kim cương mà không ký kết vào bất cứ hợp đồng hôn nhân nào.

Đám cưới của cặp đôi được tổ chức đầu năm 2016 tại Bến Tre. Chị Tuyết sau đó theo chồng sang định cư tại New South Wales, Úc. Ngày đặt chân đến nước Úc, chị Tuyết cầm tay chồng nói: "Anh hãy tin ở em. Em sẽ đem đến cho anh một hạnh phúc mà anh chưa từng chạm tới".

Những ngày đầu ở đất nước xa lạ, sợ vợ buồn, anh Jarrod đưa chị Tuyết đi chơi khắp nơi, chia sẻ văn hóa Úc để giúp chị hòa nhập. Gặp ai Jarrod cũng tự hào về người vợ Việt Nam đảm đang, chịu khó, khoe về những món ngon cô nấu mỗi khi anh đi làm về.

Sợ vợ bị bắt nạt khi làm dâu xứ người, anh Jarrod luôn căn dặn chị Tuyết nếu gặp bất cứ chuyện gì cũng phải nói cho anh biết. Một lần, trên xe bus, Tuyết chị bị tài xế buông lời miệt thị. Biết chuyện, Jarrod lập tức đến công ty xe bus cách nhà hàng chục km, gặp giám đốc đề nghị sa thải tài xế có hành vi khiếm nhã. Từ đó, anh cũng không cho vợ sử dụng xe công cộng nữa. Chị Tuyết muốn đi đâu, anh sẵn sàng nghỉ việc, dành thời gian đi cùng.

Để minh chứng cho tình yêu và sự tự chủ trong cuộc sống, chị Tuyết nhờ chồng mua cho mình chiếc bàn massage để mở một spa nhỏ tại nhà. Chị in tờ rơi phát trong khu dân cư mình sinh sống. Khách tìm đến với spa của chị Tuyết ngày một đông.

Kinh tế dư dả nên Jarrod không dùng đến tiền vợ kiếm được trong chi tiêu hàng ngày. Chị Tuyết dành số tiền đó để mua tặng anh những món quà vào các dịp lễ, đưa anh về Việt Nam chơi hoặc đi du lịch ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc…

Người đàn ông Úc cưới được vợ Việt sau kỳ nghỉ sát hạch ở xứ dừa - 5

Từ khi lấy vợ, anh Jarrod biết lo lắng quan tâm đến người thân nhiều hơn. (Ảnh: A. T)

Tại Úc, chị Tuyết thường giúp đỡ những phụ nữ Việt khó khăn hoặc bị chồng bạo hành. Chị cũng thường xuyên tham gia các hoạt động thiện nguyện hoặc tham gia quyên góp các vật tư y tế chống dịch Covid-19 cho cộng đồng.

Từ ngày lấy chị Tuyết, anh Jarrod cũng thay đổi rất nhiều. Anh Jarrod trông trẻ trung, vui tươi hơn trước rất nhiều. Anh thường xuyên gọi điện hỏi thăm bố mẹ, việc trước đây anh hiếm khi làm. Mỗi lần đi ăn, anh cũng giành trả tiền, thay vì phân chia sòng phẳng với họ như trước.

Trong cuộc sống, anh biết lo lắng quan tâm đến người thân nhiều hơn. Khi những người bạn Việt Nam đến nhà chơi, anh sẵn sàng cho tặng rất nhiều quà cáp, mua sắm giúp họ những vật dụng khó kiếm hàng ngày…

Trải qua 6 năm hôn nhân, người đàn ông Úc càng thêm hiểu về tình yêu mà vợ dành cho mình. Anh nhận ra việc nắm lấy tay chị là quyết định đúng đắn nhất cuộc đời thay vì ký vào tờ giấy hợp đồng hôn nhân đầy nghi ngờ.

Theo Dân trí