Nghị quyết Đại hội Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa Khóa XIX nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định, Chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới và Chương trình phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025 là 2 chương trình trọng tâm của tỉnh.

Đến nay, toàn tỉnh có 12 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; có 346 xã, 902 thôn, bản (trong đó có 690 thôn bản miền núi) đạt chuẩn nông thôn mới; 56 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 9 xã, 242 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. 

Đặc biệt, tỉnh có 236 sản phẩm OCOP cấp tỉnh được xếp hạng từ 3 - 4 sao, trong đó, có 1 sản phẩm 5 sao.

Trong quá trình xây dựng nông thôn mới hơn 10 năm qua, người dân đã tự nguyện hiến 1.250ha đất để xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là mở rộng đường giao thông, khuôn viên nhà văn hóa… góp phần hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới ở các mức độ (nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu) thuộc cấp huyện, xã, thôn, bản.

anh chup man hinh 2023 10 18 luc 094914.png
Người dân hiến đất mở đường giao thông nông thôn.

Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Thanh Hoá - Dương Văn Giang cho hay, Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới là chương trình lớn của Đảng và Nhà nước, tác động toàn diện đến mọi mặt về đời sống kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh… ở khu vực nông thôn. Do đó, bên cạnh sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc của các doanh nghiệp và tầng lớp nhân dân, thì người đứng đầu cấp ủy, chính quyền có vai trò rất quan trọng trong quá trình thực hiện.  

Thanh Hóa là địa phương đi đầu trong việc ban hành Bộ tiêu chí xây dựng thôn, bản nông thôn mới. Đây cũng là tỉnh có diện tích, dân số lớn; có số đơn vị hành chính trực thuộc tỉnh (huyện, xã, thôn, bản) nhiều nhất cả nước, trong đó, có 11 huyện miền núi (có 6/11 huyện là huyện nghèo 30a) với đặc thù về điều kiện tự nhiên, xuất phát điểm về kinh tế còn khó khăn, nhất là khu vực miền núi.

Vì vậy, bên cạnh việc xây dựng nông thôn mới cấp xã như toàn quốc đang triển khai, ngay từ những năm đầu, tỉnh Thanh Hóa đã linh hoạt, sáng tạo trong xây dựng nông thôn mới cấp thôn, bản thuộc các huyện miền núi, với phương châm “Có nhiều thôn, bản nông thôn mới trong xã thì sẽ có xã nông thôn mới”.

Do đó, tỉnh đã chủ động ban hành Bộ tiêu chí thôn, bản nông thôn mới để làm cơ sở cho các địa phương thực hiện và có cơ chế, chính sách khuyến khích kịp thời. Sự sáng tạo của tỉnh Thanh Hóa trong xây dựng nông thôn mới đã được Trung ương đánh giá cao, các tỉnh bạn nghiên cứu vận dụng vào thực tế của địa phương mình.

Thuý An