Sáng 18/2, UBND TP.HCM đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác cải cách hành chính năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022.
Báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT cho biết, ngành tài nguyên thực hiện nhiều thủ tục liên quan đến người dân, trong đó có thủ tục đăng ký và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Giám đốc Sở TN-MT TP.HCM Nguyễn Toàn Thắng |
Theo ông Thắng, có hai nội dung quan trọng, ảnh hưởng đến ngành, cũng như quyền lợi của người dân.
Thứ nhất, tháng 7 năm 2015, TP.HCM ra mắt Văn phòng đăng ký đất đai một cấp trên cơ sở hợp nhất 24 chi nhánh của quận, huyện về TP. Đây là một thách thức rất lớn, bởi vì sẽ thay đổi thẩm quyền ký, số lượng hồ sơ nhiều, cách thức luân chuyển, kể cả con dấu.
“Trước đây, tại 24 chi nhánh đều được đóng dấu để xử lý các công việc, nay thay đổi theo cách thức này thì chỉ còn 4 người được ký và đóng dấu chỉ một dấu duy nhất của Sở TN-MT”, ông Thắng thông tin.
Thứ 2, đến 2021, chi nhánh Thủ Đức ra đời hợp nhất 3 đơn vị thành 1 chi nhánh cũng làm thay đổi thực hiện công tác cấp giấy.
“Đứng trước tình hình này, ngành TN-MT đã tiến hành khảo sát đối với số lượng hồ sơ đăng ký và thực hiện cấp giấy. Qua khảo sát cho thấy, nếu không thực hiện liên thông giữa ngành TN-MT với các ngành khác thì người dân phải đi lại 8 lần để thực hiện thủ tục đăng ký cấp giấy quyền sự dụng đất”, ông Thắng cho biết.
Cụ thể, ông Thắng liệt kê, để hoàn thành thủ tục đăng ký quyền sử dụng đất, người dấn đến nộp hồ sơ tại chi nhánh; chờ chi nhánh xử lý rồi nhận kết quả đem tới ngành thuế xử lý. Ngành thuế xử lý xong thì người dân quay lại nhận kết quả, sau đó đi qua kho bạc đóng tiền nhận kết quả. Tiếp đến, người dân quay trở lại ngành TN-MT nhận giấy…
“Liệt kê như trên cho thấy, để hoàn thành thủ tục đăng ký quyền sử dụng đất, người dân phải tới lui các cơ quan từ 7-8 lần, vừa mất thời gian và gây phiền hà rất nhiều”, ông Thắng chia sẻ.
Cũng theo người đứng đầu ngành TN-MT thành phố, bình quân, mỗi năm thực hiện công tác đăng ký và cấp giấy với số lượng hồ sơ xử lý trung bình nửa triệu trường hợp/năm. Áp lực đó đòi hỏi phải có nhiều giải pháp kịp thời trong việc ứng dụng công nghệ thông tin và phối hợp, liên thông giữa các cơ quan nhằm rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục.
Ông Thắng cũng dự báo, số lượng hồ sơ trong năm 2022 sẽ tăng rất cao, điều này sẽ tạo áp lực rất lớn cho hệ thống đăng ký tại Văn phòng đăng ký đất đai thành phố và các chi nhánh.
Trong khi đó, công tác liên thông điện tử (giữa ngành TN-MT và cơ quan thuế) còn nhiều bất cập xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau.
Liên thông điện tử để giảm phiền hà cho dân
Đứng trước tình hình đó, Giám đốc sở TN-MT nêu ra một số giải pháp để tháo gỡ các vướng mắc, đẩy nhanh việc liên thông, số hóa dữ liệu giữa ngành TN-MT và ngành thuế, giảm bớt các thủ tục phiền hà và sự đi lại nhiều lần của người dân.
Theo đó, Sở TN-MT sẽ triển khai thử nghiệm kết nối liên thông dữ liệu đất đai quốc gia bằng việc thực hiện nâng cấp phiên bản phần mềm HCMLIS 2.0 (VBDLIS) tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai quận 1, quận 3, quận 12, thành phố Thủ Đức.
Người dân đến đăng ký thủ tục tại TP Thủ Đức |
Đồng thời, kiến nghị UBND TP chấp thuận cho Sở TN-MT áp dụng thí điểm phần mềm HCMLIS cho toàn bộ hệ thống văn phòng đăng ký đất đai trên địa bàn thành phố.
Chỉ đạo chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai thành phố Thủ Đức triển khai thử nghiệm việc liên thông nộp thuế qua ngân hàng từ ngày 25/1/2022.
Theo ông Thắng, khi triển khai các phương án trên, người dân chỉ đến bộ phận một cửa 2 lần (so với 4 lần so trước đây).
Lần 1: nộp hồ sơ, lần 2: nhận kết quả (sau 3 ngày kể từ ngày nhận tin nhắn của chi nhánh và nộp tiền thuế tại ngân hàng).
Qua đó, ông Thắng cho rằng, việc triển khai công tác liên thông điện tử trong giải quyết hồ sơ nhà đất sẽ giúp tiết kiệm được thời gian, kinh phí, nhân sự, kiểm soát quy trình giải quyết hồ sơ, đảm bảo tính công khai minh bạch, giảm bớt được tình trạng nhũng nhiễu tiêu cực.
Nếu triển khai tốt, ngoài cơ quan thuế, việc phối hợp với kho bạc nhà nước, ngân hàng để người dân nộp tiền thuế sẽ giảm bớt 2 lần đi đến bộ phận một cửa (lần 1: nhận giấy báo thuế, đến kho bạc đóng tiền và lần 2: đến gửi giấy báo đã thực hiện nghĩa vụ tài chính) là bước quan trọng trong việc phục vụ người dân trực tiếp, đầy đủ nhất trước khi nhận kết quả.
“Xác định ngành TN-MT xử lý nhiều thủ tục, giấy tờ liên quan đến người dân và doanh nghiệp, công tác cải cách hành chính của ngành cũng còn tồn tại nhiều vấn đề. Chính vì vậy, chúng tôi lựa chọn khâu đăng ký cấp giấy chứng nhận là khâu còn rất nhiều phiền hà để làm thủ tục cải cách hành chính trên cơ sở thống nhất với ngành thuế để số hóa và thực hiện liên thông”, theo ông Thắng.
TP.HCM tập trung gỡ vướng 12 dự án nhà ở cho người thu nhập thấp
Trong năm 2022, TP.HCM sẽ tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc tại 12 dự án nhà ở xã hội và nhà lưu trú cho người lao động thuê với tổng quy mô hơn 11.000 căn hộ.
Hồ Văn