Gia đình chị N. N. T. N. (ngụ tại thành phố Biên Hòa, Đồng Nai) đến Vườn để trao lại 3 cá thể rùa, gồm 2 rùa răng và 1 rùa núi vàng. Cả 3 đều đã đạt tuổi trưởng thành, đến Vườn tình trạng lành lặn, khỏe mạnh. Cả 2 loài rùa răng và rùa núi vàng đều là loài quý hiếm, được xếp vào nhóm IIB trong danh mục Động vật rừng nguy cấp, thuộc nhóm Nguy cấp trong Sách Đỏ Việt Nam. Rùa chậm chạp vẫn bị bẫy bắt và mua bán trái phép, gây tổn hại đến trữ lượng đa dạng sinh học và mất cân bằng sinh thái. Nhiều người dân thấy mua bán rùa trái phép đã mua lại và mang giao lại cho Vườn quốc gia Cát Tiên.

Cuối tháng 11 vừa qua, trong lúc đang làm rẫy, anh N.H.D Cát Tiên phát hiện cặp cu li nhỏ kiếm ăn. Anh D. nhanh chóng liên hệ với cơ quan chức năng  và trao lại với sự chứng kiến, xác nhận của đơn vị kiểm lâm TP. Bảo Lộc, Lâm đồng.

vuon quoc gia.png
Nhiều người dân tự nguyện giao nộp các loài động vật hoang dã. Ảnh: Phương An

Cu li nhỏ (danh pháp khoa học Nycticebus pygmaeus) là một trong hai loài cu li phân bố ở Việt Nam. Trước đây, người dân thường săn bắt cu li để ăn thịt và làm thuốc, nuôi nhốt làm thú cưng, số lượng cu li đã suy giảm mạnh trong tự nhiên. Cả 2 loài cu li lớn và cu li nhỏ đều có tên trong Sách Đỏ thế giới, và được xếp vào Danh mục các loài thực vật, động vật nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại tại Việt Nam.

Ngay sau đó, cặp cu li này đã được đưa về Trung tâm Cứu hộ Linh trưởng Đảo Tiên thuộc Vườn quốc gia Cát Tiên. Các cán bộ tại đây đã kiểm tra sức khỏe, dịch tễ và quan sát đánh giá khả năng thích nghi với môi trường tự nhiên. Khi thú đủ điều kiện sinh tồn trong môi trường sẽ tiến hành tái thả về rừng.

Chỉ trong tháng 11/2023, Vườn quốc gia Cát Tiên đồng thời cứu hộ 1 cá thể cu li nhỏ do người dân vùng đệm xã Gia Viễn, huyện Cát Tiên, Lâm Đồng tự nguyện giao nộp khi bắt gặp trong khu vực rẫy canh tác, và 1 cá thể khỉ mặt đỏ tại huyện Tân Phú, Đồng Nai.

Số động vật hoang dã tiếp nhận tại Trung tâm Cứu hộ Động vật hoang dã Vườn quốc gia Cát Tiên từ nhiều tỉnh thành miền Nam và Tây Nguyên. Sau thời gian chăm sóc, theo dõi sức khỏe và xác định bản năng tự nhiên tốt, đảm bảo khả năng thích nghi môi trường tốt, Vườn sẽ tiến hành tái thả về tự nhiên, tại nhiều địa điểm khác nhau sâu trong lõi rừng, đáp ứng đặc thù sinh cảnh riêng biệt của từng loài.

Trong thời gian qua, Vườn quốc gia Cát Tiên đã tổ chức nhiều chương trình truyền thông với người dân sinh sống xung quanh Vườn thuộc địa phần các tỉnh liên quan về công tác bảo tồn đa dạng sinh học, ngăn ngừa tội phạm mua bán, săn bắt động vật hoang dã trái phép, nhận thức của người dân đã có nhiều thay đổi. Khi gặp các cá thể động vật hoang dã họ đã liên hệ với cơ quan chức năng để bàn giao, thả động vật về môi trường tự nhiên.

Vườn quốc gia Cát Tiên cũng thường xuyên kêu gọi tổ chức, cá nhân khi thấy các loài động vật quý hiếm có tên trong Sách Đỏ bị bày bán trái phép, hãy liên lạc đến đơn vị kiểm lâm hoặc các cơ quan chức năng tại địa phương, thay vì trực tiếp thu mua, chuộc lại những cá thể động vật trên. Việc giải cứu bằng cách mua lại các loài động vật hoang dã sẽ vô tình tạo nhu cầu thúc đẩy các đối tượng săn bắt, vận chuyển và buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật càng hoạt động mạnh mẽ.

Vườn quốc gia Cát Tiên là khu dự trữ sinh quyển lớn của tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng, Đắk Nông, Bình Phước. Đây là rừng chuyển giao hệ sinh thái cao nguyên Tây Nguyên sang đồi thấp Đông Nam Bộ. Vuốc gia Cát tiên có diện tích hàng hơn 82 nghìn ha trong đó vùng lõi gồm VQG Cát Tiên và khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai. Vườn có 1.610 loài thực vật, hơn 1500 loài động vật. Nơi đây có quần thể bò tót lớn nhất Việt Nam và nơi duy nhất có cá sấu nước ngọt sống trong tự nhiên.

Vườn quốc gia Cát Tiên, Đồng Nai chứa nhiều dạng môi trường sống vô cùng quý giá của các sinh vật quý hiếm còn sót lại ở phía Nam Việt Nam. Đây là vùng rừng mưa ẩm nhiệt đới cuối cùng ở miền Nam nước ta.
Quần thể động vật thú lớn như voi và bò tót tại đây đã được ghi nhận có vai trò quan trọng trong chiến lược bảo tồn.
 Phương An