Gia đình chị Lý Mán Mẩy (trú tại xã Tả Phìn, thị trấn Sapa, tỉnh Lào Cai) là một trong những hộ người Dao mạnh dạn thay đổi cơ cấu cây trồng để phát triển sản xuất, nâng cao giá trị hàng hóa.

Trước đây, trên nương rẫy chỉ trồng ngô, thu nhập của gia đình chị Mẩy không đáng kể. Từ đầu năm nay, chị Mẩy tham gia vào hợp tác xã trồng cây dược liệu tại địa phương.

Chị được hợp tác xã cung cấp cây giống tía tô đỏ và bao tiêu đầu ra cho sản phẩm. Giá bán cho hợp tác xã là 12 - 15 nghìn đồng/cân. Mỗi hecta có thể cho thu hoạch từ 200 – 240 triệu đồng. Nhờ trồng tía tô, gia đình chị Mẩy có thu nhập tốt hơn, không còn phải lo đi kiếm tiền ở xa như trước.

Trong khi đó, bà Chảo Lở Mảy làm việc trong hợp tác xã tía tô tại xã Tả Phìn, mỗi tháng được trả lương từ 5 - 6 triệu đồng. Công việc trồng, thu hái và sấy tía tô rất hợp với những người dân tộc Dao như bà Mảy. Bởi vì, người Dao có nhiều kinh nghiệm làm thuốc, nổi tiếng với bài thuốc tắm lá. 

Tại xã Tả Phìn, nhiều phụ nữ đã có công ăn việc làm nhờ trồng tía tô. Có người trước kia chỉ đi bán hàng rong, đi làm thuê thì nay trở về địa phương để tự sản xuất, phát triển kinh tế gia đình thông qua trồng cây dược liệu. 

365514625 6157295914400118 4274881938391546910 n.jpg
Người dân trồng tía tô làm dược liệu ở Sapa. 

Tía tô sau khi thu hái được chế biến thành dạng bột hoặc tinh dầu để bán cho các doanh nghiệp dược mỹ phẩm để làm trà, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm.

Hiện nay, Phòng Kinh tế kỹ thuật thị trấn Sapa cũng định hướng mở rộng vùng nguyên liệu trồng tía tô, trong đó hợp tác xã bao tiêu sản phẩm cho người dân, đăng ký làm sản phẩm OCOP để nâng cao giá trị của cây tía tô. Từ đó, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân ở xã nông thông mới Tả Phìn. 

Chia sẻ với VietNamNet, chị Trần Anh Xuân, người đầu tiên đưa cây tía tô đỏ lên trồng ở đất Tả Phìn, cho biết, hiện nay các sản phẩm từ cây tía tô đã quen thuộc với người dân.

Trước đó, năm 2019, chị Xuân thành lập hợp tác xã trồng tía tô với diện tích 3.000m2. Năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát, nhu cầu về tía tô tăng đột biến. Trà tía tô, cao tía tô, tinh dầu tía tô làm ra bao nhiêu bán hết từng đó, cháy hàng. Sau đó, hợp tác xã của chị Xuân đã mở rộng diện tích trồng tía tô lên 3ha năm 2021, 10ha năm 2022 và 50ha trong năm 2023.

Hợp tác xã của chị Xuân đã nghiên cứu và phát triển thành công gần 20 sản phẩm từ tía tô, giúp tạo công ăn việc làm ổn định cho 10 lao động dân tộc thiểu số với thu nhập ổn định từ 6-10 triệu đồng/tháng, giúp 35 hộ gia đình có thu nhập tốt hơn mỗi năm, giúp hàng trăm chị em phụ nữ tự tin, tự chủ hơn trong gia đình, và giúp hàng ngàn khách hàng được sử dụng sản phẩm tốt từ thiên nhiên với mức giá hợp lý.

Để tạo ra những sản phẩm chất lượng, chị Xuân đã chủ động tìm hiểu về công thức tạo ra sản phẩm từ các loại dược liệu, trong đó có tía tô rồi test thử nhiều lần. Đồng thời, quảng bá sản phẩm, trên các kênh mạng xã hội Zalo, Facebook, TikTok, các hội chợ nông sản… Hiện nay khách hàng của chị Xuân chủ yếu mua qua lời giới thiệu vì sản phẩm dùng tốt, quảng bá cho nhau.

Năm 2023, chị Xuân mở rộng diện tích trồng tía tô và hỗ trợ người dân trồng rồi thu mua. Tuy nhiên, chị còn gặp một số khó khăn.

Chị Xuân cho biết, việc xuất khẩu các sản phẩm từ tía tô sang Nhật Bản và Hàn Quốc gặp khó khăn vì giá của Việt Nam cao hơn của Ấn Độ. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp trong nước cũng nhập nguyên liệu từ nước ngoài, thay vì sản phẩm trong nước vì giá cao.

Cây tía tô đỏ trồng ở độ cao từ 1.000m trở lên so với mực nước biển mới cho ra hàm lượng tinh dầu cao, gấp 3-4 lần so với ở dưới đồng bằng. Vì trồng ở độ cao như vậy nên rất khó áp dụng máy móc vào sản xuất vì đất rất dốc, gần như mọi công đoạn từ trồng, làm cỏ đến thu hoạch đều làm thủ công dẫn đến chi phí đội lên cao. 

Để xuất khẩu tía tô đỏ sang nhiều nước trên thế giới, chị Xuân mong muốn, trong thời gian tới, các cấp chính quyền ủng hộ hợp tác xã hơn nữa, đặc biệt là các hộ dân cùng chung tay phát triển, mở rộng vùng nguyên liệu.

Vân Anh và nhóm PV, BTV