Công khai bán điện thoại nhái
Thông tin từ Tổng cục Quản lý Thị trường, Bộ Công Thương cho biết, qua nguồn tin báo chí cho thấy website Samsungvietnam.online có giao diện giống trang web của Công ty Samsung chào bán điện thoại Galaxy Note 10, Galaxy Note 10+, A10, A20 và có dấu hiệu giả mạo hàng hóa của Samsung.
Ngày 20/8, Đội QLTT số 1 thuộc Cục QLTT Hà Nội phối hợp cơ quan công an TP. Hà Nội kiểm tra đột xuất cửa hàng kinh doanh điện thoại di động (27 Trần Bình, Cầu Giấy, Hà Nội) thuộc Công ty TNHH Relex Việt Nam, do ông L.Đ. S làm giám đốc.
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện công ty Relex đang sử dụng 16 website có tên miền didongso.com.vn; relexvietnam.com; tuyendung24h.net; otoday.vn; vertuvietnam.com; vertuvietnam.site; vertucaocap.com; didongso.vn; didongso.net; samsungvietnam.site; samsungvietnam.vip; relexauto.com; donoithatoto.net; facebookvietnam.com.vn; hotdel24h.com. Ông S đã mở lại webiste samsungvietnam.online và thừa nhận sử dụng các website trên để kinh doanh.
Ngoài ra, qua chứng cứ và sổ sách kế toán tự lập, lực lượng chức năng phát hiện cửa hàng này mua 19 cái điện thoại Samsung S10+ từ Lạng Sơn với giá 1.350.000 đồng -1.700.000 đồng, bán qua website samsungvietnam.online với giá từ 1.800.000-3.500.000 đồng/cái. Tuy nhiên, việc mua bán số lượng điện thoại trên không có hóa đơn chứng từ theo quy định.
Ngoài dòng điện thoại Samsung, cửa hàng còn có 18 chiếc điện thoại di động NOKIA 8800; 25 chiếc điện thoại di động VERTU; 13 chiếc điện thoại di động VTRETU cũng không có hóa đơn chứng từ nguồn gốc. Toàn bộ số hàng nêu trên, đoàn kiểm tra đã tạm giữ để làm rõ.
Điện thoại giá rẻ bán trên nhiều trang web, Fanpage giả mạo người dùng nên thận trọng lựa chọn |
Ham rẻ vớ “quả đắng” khi tin lời những fanpage bán điện thoại
Thủ đoạn của đối tượng lừa đảo là lập website với tên miền dễ gây nhầm lẫn với các trang thương mại điện tử nổi tiếng như Shopee, Lazada… với nội dung và giao diện tương tự, thậm chí còn sao chép nội dung của các sàn giao dịch thương mại điện tử rồi quảng cáo nhằm hướng người dùng truy cập vào website đặt hàng mạo danh.
Thông thường, những fanpage giả mạo này đăng tải thông tin xả kho hàng điện thoại Samsung Galaxy, iPhone với giá chỉ vài triệu đồng, cùng hàng loạt quà tặng kèm. Hoa mắt trước những lời quảng cáo có cánh, một số người đã nhanh chóng đặt lệnh mua hàng và chuyển tiền. Tuy vậy, chỉ đến khi nhận được sản phẩm, họ mới biết đó là hàng giả, nhái. Mặc dù thủ đoạn này không mới, song vẫn khiến người tiêu dùng dễ mắc lừa do tâm lý ham mua hàng công nghệ với giá rẻ.
Chị Bùi Thanh Xuân, nhân viên ngân hàng ở quận Tây Hồ, Hà Nội chia sẻ, một lần vào mạng, chị thấy một Fanpage khá giống trang của một siêu thị điện máy nổi tiếng, nơi chị thường xuyên mua hàng đăng tin xả kho điện thoại iPhone 7 với giá chỉ từ 6 triệu đồng...
Mặc dù đang có nhu cầu đổi điện thoại song chị Xuân vẫn gọi đến siêu thị điện máy để kiểm tra. Rất may, chị Xuân được nhân viên trực tại đây cho biết, hiện siêu thị không có bất cứ chương trình khuyến mại nào đối với sản phẩm điện thoại iPhone 7 và Fanpage đó là giả mạo, không phải Fanpage chính thức của siêu thị.
Về hiện tượng trên, theo đại diện một sàn thương mại điện tử, các sàn sẽ không chịu trách nhiệm đối với những giao dịch mua nhầm hàng giả, hàng nhái không thuộc hệ thống quản lý của họ. Tuy vậy, hành vi mạo danh đã ảnh hưởng không nhỏ đến thương hiệu và uy tín của những sàn làm ăn chân chính. Để tránh rủi ro, người tiêu dùng cần thận trọng trước khi tiến hành giao dịch thương mại điện tử.
Nhận biết điện thoại 'rởm'
Làm thế nào để nhận biết một chiếc điện thoại là chính hãng hay điện thoại rởm. Theo anh Trần Trung Dũng, Siêu thị Điện máy Nguyễn Kim, có thể kiểm tra bằng cách chạy phần mềm, kiểm tra số IMEI, sử dụng thử thiết bị là những cách để người dùng tránh phải rủi ro mua một chiếc smartphone giả, nhái, không rõ nguồn gốc. Đầu tiên là quan sát vẻ bên ngoài của điện thoại. Chú ý vị trí của các phím bấm, đường viền bezel có phù hợp hoặc camera có bị mờ hay không. Các thiết bị được làm nhái tinh vi đều sở hữu vẻ ngoài bắt mắt khiến người dùng bình thường rất dễ bị đánh lừa.
Ngoài ra, một chiếc di động nhái sẽ chỉ toàn các phần cứng kém chất lượng, như camera rởm, không có kết nối NFC hoặc cảm ứng vân tay. Ngoài ra, đảm bảo Wi-Fi, Bluetooth, GPS hay bất kỳ chức năng nào khác vẫn còn hoạt động tốt. Bạn nên kết nối với một thiết bị hoặc mạng khác, và nếu được, thử luôn cả cảm biến vân tay trước khi mua. Người dùng cũng có thể kiểm tra thông số này bằng cách vào phần thông tin trong thư viện ảnh hoặc Google Photo. Một module camera kém chất lượng rất dễ để nhận ra thông qua hình ảnh, ngay cả khi xem trên smartphone.
Hãy chạy phần mềm để kiểm tra chip xử lý bằng cách hãy tải ứng dụng CPU-Z từ cửa hàng Play Store, ứng dụng này sẽ cung cấp một bản tóm tắt thông tin phần mềm chiếc smartphone đó, kể cả CPU và GPU. Nhiều smartphone giả hiện cài sẵn phiên bản giả mạo của CPU-Z, khiến nó luôn hiển thị thông số như hàng thật. Hãy xoá ứng dụng CPU-Z có sẵn và tải về từ kho ứng dụng để kiểm tra.
Cuối cùng, hãy kiểm tra số IMEI. Số IMEI (International Mobile Equipment Identifi) là mã số nhận dạng thiết bị quốc tế. Mỗi thiết bị di động đều được cấp mã số IMEI gồm 15 chữ số, và bạn có thể tìm dãy số này trong phần Giới thiệu ở Cài Đặt, hoặc bấm gọi *#06#. Ngoài ra, cũng có thể tìm thấy mã số này trong bao bì, nhưng với những giao dịch không rõ ràng, rất khó để có được bao bì gốc. Và hãy cảnh giác với những website lạ, rao bán với những mức giá quá rẻ dù bất cứ lý do gì. Chọn nhà cung cấp uy tín, chính hãng, có bảo hành là cách tốt nhất để tránh bị lừa.
(Theo Viet Q)