Các gia đình giàu có ở Trung Quốc đều có công thức chung để minh chứng cuộc sống thành công, thịnh vượng.
Đứng đầu trong các tiêu chí này là việc sở hữu một ngôi nhà, loại tài sản được dự đoán sẽ tiếp tục được đánh giá cao. Đứng thứ hai chính là việc có thể cung cấp cho con cái một nền giáo dục tốt hơn hầu hết bạn bè đồng trang lứa.
Tuy nhiên, gần đây, hàng loạt chính sách mới được chính phủ đưa ra khiến người giàu Trung Quốc không còn dễ dàng đạt được những mục tiêu đó, theo SCMP.
Phong trào “thịnh vượng chung” của Trung Quốc đã thúc đẩy giới nhà giàu có tìm cách giữ gìn tài sản của mình. Ảnh: AFP. |
Từ chối mua nhà đất
Đối với những người giàu có ở Trung Quốc, phong trào “thịnh vượng chung” của chính phủ, kêu gọi các công dân chia sẻ cơ hội làm giàu với nhau, chính là vật cản trở họ trên con đường thành công.
Theo đó, quy định thuế mới sẽ có hiệu lực vào năm 2022 yêu cầu tầng lớp trung lưu có thu nhập cao phải trả khoản thuế thu nhập cá nhân lên tới 45% cho khoản tiền thưởng cuối năm của họ.
Mặc dù không có áp đặt chính thức nào đối với phong trào “thịnh vượng chung”, nhưng những nhân vật giàu có vẫn lo lắng và tìm cách hành động.
Liu Zhen, một môi giới hỗ trợ thủ tục di cư và mua tài sản ở nước ngoài cho giới nhà giàu Trung Quốc từ năm 2015, cho biết: “Người giàu tham khảo ý kiến của các chuyên gia thuế trong nước và nước ngoài mà gia đình mình tin tưởng. Họ cũng sắp xếp lại tài sản đứng sở hữu dưới tên của mình”.
Ngày nay, có nhiều thanh niên có thu nhập rất cao nhờ việc đầu cơ tiền kỹ thuật số và fintech. Họ đang tìm cách lấy quốc tịch nước ngoài thông qua các chương trình đầu tư như do Malta hoặc Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp. Làm cách này, họ có thể di chuyển, nắm giữ tài sản và dòng tiền của mình
“Không ít người cảm thấy cần tiếp tục chuyển tài sản của mình và lấy thẻ xanh ở nước ngoài. Nhưng giờ đây, việc làm như vậy đã không còn dễ dàng như trước, chi phí cũng cao hơn nhiều”, Liu nói thêm.
Tại nhiều thành phố Trung Quốc, giá nhà đất đã bắt đầu giảm do mọi người dự đoán sẽ bị đánh thuế bất động sản rất cao.
Zhu Feng, đại diện một đại lý bất động sản tại Thâm Quyến, cho biết: “Những người có nhiều tài sản trong tay hiện cố gắng bán ra và chỉ giữ lại những bất động sản có giá trị. Nhưng khối lượng giao dịch nhà ở cũ tiếp tục giảm, với tính thanh khoản ngày càng thấp”.
Một phụ nữ mua hàng tại một cửa hiệu ở Thượng Hải. Ảnh: Reuters. |
Theo SCMP, cơ quan lập pháp Trung Quốc sẽ sớm áp dụng thuế bất động sản ở một số khu vực được chọn trên cả nước. Đây là một thí điểm của chiến dịch “thịnh vượng chung” nhằm nâng cao khả năng chi trả của người dân đối với nhà ở.
Doanh thu thị trường bất động sản nói chung có xu hướng giảm trong tháng 9 ở hầu hết thành phố. Giao dịch tổng thể ở các thành phố hạng nhất giảm 39,1% so với cùng kỳ năm ngoái; thành phố hạng hai giảm 31%; và các thành phố hạng ba giảm 54,5%, theo công ty nghiên cứu Hệ thống Chỉ số bất động sản Trung Quốc.
Kỳ vọng của các hộ gia đình đối với sự phát triển kinh tế trong năm tới cũng giảm sút vào quý III năm 2021, theo báo cáo Khảo sát Chỉ số tài sản hộ gia đình Trung Quốc năm 2021.
Theo đó, tỷ lệ hộ có kỳ vọng “rất tốt” về phát triển kinh tế trong năm tới giảm từ 37,5% trong quý II xuống 28,4 trong quý III, trong khi những hộ có kỳ vọng “khá” tăng từ 24,5% trong quý II lên 30,8% trong quý thứ ba.
Mức độ sẵn sàng mua nhà của người dân cũng đang giảm xuống. Tỷ lệ các hộ gia đình có kế hoạch mua nhà đã giảm đáng kể từ 11,6% trong quý IV năm 2020 xuống 7,7% trong quý III năm 2021.
Lo mất cơ hội học hành
Không chỉ ngần ngại vấn đề bất động sản, các bậc phụ huynh nhà giàu Trung Quốc cũng đang lo lắng vì số lượng trường tư thục có cung cấp giáo trình và khóa học quốc tế ngày càng giảm. Điều này làm gia tăng chi phí khi họ phải gửi con cái đi du học trong tương lai.
Alice Tan, người điều hành một hội thảo về tư vấn du học, cho biết: “Ngày càng nhiều trường trung học ở các thành phố hạng nhất và hạng hai hủy bỏ các khóa quốc tế, giáo viên nước ngoài ngày nay xin thị thực làm việc rất khó khăn”.
Cơ hội học tập tại các trường quốc tế bị thắt chặt tại Trung Quốc. Ảnh: Getty. |
Trong khi đó, những người trẻ tuổi thường ủng hộ phong trào “thịnh vượng chung” và thuế tài sản, nhưng họ cũng tin rằng chi phí hôn nhân cùng nuôi dạy con cái ngày nay vẫn quá đắt đỏ.
Báo cáo từ Đại học Kinh tế Tài chính Tây Nam cho thấy 79,4% người được phỏng vấn cho biết họ chưa bao giờ có kế hoạch sinh con. Trong số những người đã sinh sản, chỉ 13% bày tỏ mong muốn sinh con. Con số này là 38% ở nhóm người chưa có con.
“Tôi thực sự nghĩ rằng việc kết hôn và có con ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế. Đối với tôi và những người bạn còn độc thân, chúng tôi lạc quan về thu nhập, sự nghiệp thăng tiến của mình”, Liu Zi, 25 tuổi, làm việc tại công ty công nghệ y tế có trụ sở tại Thâm Quyến, cho biết.
“Tôi cũng không nghĩ rằng có cơ hội hay kênh đầu tư tốt cho những người trẻ tuổi như mình. Tôi đã định mua căn hộ ở Thanh Đảo, một thành phố hạng hai, nhưng giờ đây tôi cảm thấy giá nhà sẽ không tăng trong tương lai và giá trị đầu tư sẽ thấp”, anh nói thêm.
Theo Zing
Nhu cầu thuê chuyên cơ riêng của giới nhà giàu tăng cao sau đại dịch Covid
Giới nhà giàu tìm đến phương tiện di chuyển khác vì không muốn ngồi giữa những người xa lạ trong các chuyến bay thương mại thông thường.