Theo Chosun Ilbo, lý do có thể là người Hàn chỉ đang cố gắng xoa dịu nỗi đau nội tại bên trong họ.

Mọi người xếp hàng chờ mua hàng hiệu tại trung tâm thương mại ở Seoul. Ảnh: Chosun Ilbo

Chi rất nhiều cho hàng hoá xa xỉ

Một báo cáo của Morgan Stanley vào tháng trước cho thấy Hàn Quốc đã đánh bại châu Âu, Nhật Bản và Mỹ về mức chi tiêu bình quân đầu người cho hàng hóa xa xỉ.

Năm 2022, người Hàn Quốc đã chi 16,8 tỷ USD cho quần áo và túi xách xa xỉ, tăng 24% so với năm 2021. Mức chi tiêu lớn càng được thúc đẩy do nền văn hóa coi trọng vật chất và nhu cầu phô trương sự giàu có trên mạng xã hội ở Hàn Quốc.

Những hãng xe sang cũng chứng kiến sức mua tăng mạnh mẽ của các khách hàng đến từ Hàn Quốc. Hãng Rolls Royce lập kỷ lục doanh số mới trong lịch sử 118 năm. Một trong những nguyên nhân là nhu cầu tăng cao đột biến ở Hàn Quốc.

Năm 2022, có 234 chiếc xe Rolls Royce được bán ra tại Hàn Quốc. Con số này tăng 37% so với năm 2021 và gần bằng Nhật Bản với 240 chiếc bán ra. Mỗi chiếc có giá khoảng 384.000 USD.

Với các hãng xe khác như Mercedes-Benz, Bentley và Lamborghini, sức mua ở Hàn Quốc đã vượt qua Nhật Bản. Xu hướng tương tự cũng thấy ở các trung tâm thương mại.

Trong khi doanh thu ở các cửa hàng trong trung tâm thương mại Hàn Quốc tăng kỷ lục, thì những cửa hàng ở Nhật Bản đang lần lượt đóng cửa.

Một người phụ nữ đi ngang qua cửa hàng Chanel tại khu mua sắm Myeongdong ở Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: Insider

Giàu có không đồng nghĩa với hạnh phúc

Theo Korea Times, Hàn Quốc là hình mẫu của nhiều nước đang phát triển. Quốc gia này đã chuyển mình mạnh mẽ sau vài thế hệ. Văn hóa đại chúng của Hàn Quốc, làn sóng "hallyu", càn quét ở nhiều khu vực, cũng như ở các lễ trao giải lớn của Mỹ và châu Âu.

Trong lịch sử hàng nghìn năm, chưa bao giờ ảnh hưởng văn hóa và kinh tế toàn cầu của Hàn Quốc lại rộng rãi, quan trọng hơn bây giờ. Tuy nhiên, với người Hàn, giàu có hơn không đồng nghĩa với hạnh phúc. Thậm chí, các chỉ số cho thấy người Hàn đang bất hạnh hơn bao giờ hết.

Hàn Quốc xếp thứ 32 trong số 33 quốc gia thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) về Chỉ số Cuộc sống Tốt đẹp đo lường tình trạng phúc lợi. Hàn Quốc xếp cuối bảng trong một nghiên cứu tương tự của Liên Hợp Quốc và xếp cuối về chất lượng giấc ngủ.

Theo báo cáo "Hạnh phúc thế giới" của Liên Hợp Quốc năm 2022, Hàn Quốc xếp thứ 36 trong 38 từ năm 2019 đến năm 2021 khi nói đến mức độ hài lòng về cuộc sống của người dân.

Tại đất nước này, tỷ lệ tự tử cao và tỷ lệ sinh đang thấp chưa từng có. Đây là một đất nước của sự cạnh tranh khốc liệt và không giới hạn. Cạnh tranh tồn tại từ "cái nôi" đến "nấm mồ".

Xã hội phân cấp dựa trên tiền bạc. Những người "ngậm thìa đất" không bao giờ đánh bại những người sinh ra đã "ngậm thìa vàng". Hàn Quốc có thể là quốc gia duy nhất mà tiền bạc, chứ không phải gia đình, là mối quan tâm hàng đầu của người dân. 

Thế hệ người trẻ Mỹ ăn bám gia đình

Thế hệ người trẻ Mỹ ăn bám gia đình

Thường được khuyến khích ra ở riêng khi đủ 18 tuổi hoặc học đại học, nhưng người trẻ Mỹ ngày càng mong muốn chung sống cùng gia đình vì có thể tiết kiệm tiền bạc.