Sau thời gian dài phải trò chuyện trực tuyến do ảnh hưởng của đại dịch, nhiều người dân ở các nước trên thế giới phải tìm đến các lớp học "đặc biệt" để lấy lại sự tự tin, loại bỏ nỗi sợ giao tiếp.
Người Hàn học nói chuyện điện thoại
Điện thoại giúp con người có thể trò chuyện, kết nối dễ dàng hơn nhưng giờ đây việc gọi điện nói chuyện điện thoại đang khiến nhiều người Hàn Quốc lo sợ. Nỗi ám ảnh khiến kỹ năng giao tiếp của họ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
"Gọi cho tôi" tưởng như là lời nói vô thưởng vô phạt, nhưng giờ đây chứng sợ nghe điện thoại bao trùm Hàn Quốc, nhất là trong giới trẻ. Họ lo lắng, thậm chí căng thẳng.
Kwak Keum-joo, giáo sư tại Khoa Tâm lý học Phát triển của Đại học Quốc gia Seoul, cho biết: "Nỗi ám ảnh phải nói chuyện đã tồn tại trước đại dịch. Nhưng giờ đây, hiện tượng này trở nên trầm trọng hơn khi mọi người trải qua một thời gian dài không trò chuyện trực tiếp".
Theo Chosun, thủ phạm chính là do sự gia tăng của việc nhắn tin. Ngày càng có nhiều người không còn cảm thấy cần phải nói chuyện với người khác nữa, sau một thời gian dài quen với việc nhắn tin qua điện thoại. Nhiều người phàn nàn rằng họ không biết cách truyền đạt cảm xúc hoặc ý định của mình chỉ bằng giọng nói.
Để cải thiện kỹ năng giao tiếp họ tìm đến các nhà trị liệu, các lớp học để vượt qua nỗi sợ nói chuyện điện thoại.
Tại một trung tâm như vậy ở Seoul, những người ở độ tuổi 20-30 tích cực tham gia lớp học, thực hành nói chuyện qua điện thoại với sự giúp đỡ của người hướng dẫn.
Mỗi lớp học kéo dài khoảng 90 phút và 8 buổi học có giá khoảng 450-520 USD. Học viên lớp học đến từ nhiều vị trí, lĩnh vực khác nhau trong cuộc sống. Có người đứng đầu công ty, có người là chuyên gia tư vấn chuyên nghiệp ...
Tất cả viết ra một kịch bản nói chuyện phù hợp với nghề nghiệp của mình. Người hướng dẫn giúp học viên thực hiện các cuộc gọi điện thoại mô phỏng và đưa ra các mẹo.
Kang Min Jung, người đứng đầu trung tâm, cho biết: "Thay vì dạy các kỹ năng nói chuyện điện thoại đơn giản, chúng tôi dành thời gian hướng dẫn cách xây dựng mối quan hệ giữa con người với nhau để học viên có thể hiểu được tâm lý của người bên kia đầu dây".
Người Nhật học cười
Nhiều người Nhật Bản thừa nhận vì đeo khẩu trang quá lâu nên biểu cảm gương mặt họ hơi gượng gạo, họ quên mất cách mỉm cười, nụ cười không còn chân thực, rạng rỡ nữa.
Để giao tiếp tự tin hơn, họ tìm đến các trung tâm học để học cách mỉm cười sau 3 năm giấu mặt sau khẩu trang.
Keiko Kawano, huấn luyện viên của lớp học nụ cười Egaoiku cho biết: "Đeo khẩu trang trong thời gian dài khiến mọi người có ít cơ hội để cười, nhiều người trở nên mặc cảm về điều đó. Vận động và thư giãn các cơ mặt là chìa khóa để có một nụ cười đẹp. Tôi muốn mọi người dành thời gian mỉm cười một cách có ý thức vì sức khỏe thể chất và tinh thần của họ".
Tính đến nay, Keiko đã huấn luyện ít nhất 4.000 người cách mỉm cười. Cô cũng đào tạo hơn 700 người trở thành chuyên gia, đứng lớp dạy về nụ cười, theo Timesnownews.
Các lớp học dạy mỉm cười thường bắt đầu bằng những động tác kéo căng cơ để giảm căng thẳng trên khuôn mặt. Sau đó giáo viên hướng dẫn mọi người nâng gương cầm tay lên ngang tầm mắt.
Vừa nhìn hình ảnh của mình trong gương, vừa làm theo hướng dẫn uốn cong các bộ phận khác trên khuôn mặt để có nhiều biểu cảm hạnh phúc, vui vẻ nhất.
Miho Kitano, huấn luyện viên nụ cười cũng nhận thấy nhu cầu học tăng cao. Cô cho biết: "Tôi từng nghe học viên chia sẻ rằng họ không muốn để lộ nửa dưới khuôn mặt, có người không biết mỉm cười như nào nữa. Họ cảm thấy mặt bị xệ xuống vì không cười nhiều như trước".
Miho sử dụng ống hút để hướng dẫn mọi người luyện xương gò má và miệng. Yêu cầu đưa ra là phải cắn nhẹ vào ống hút, nâng cơ má để lộ răng trên cùng.
"Tôi gặp nhiều người nói rằng họ cười không đẹp nhưng tất cả là do cơ. Chúng ta phải sử dụng thường xuyên, tập luyện để có nụ cười đẹp. Giống như việc tập thể dục cho phần cánh tay, tập luyện cơ mặt để biểu cảm tốt cũng rất quan trọng", cô nói.