Cả phần văn xuôi và những phần phụ lục thơ đều được dựng lên với một ngôn ngữ ám ảnh và những suy tưởng của nhà thơ về cuộc sống thế gian.
Nhà xuất bản Trẻ vừa cho ra mắt bạn đọc cuốn “Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng” tập hợp 25 bài viết được ví như 25 ghi chép - tiểu luận của nhà văn Nguyễn Quang Thiều về những chuyến đi, những mảnh đời và những chiêm nghiệm từ những gì quan sát được như: “Thông điệp từ một đêm trăng”, “Trong căn phòng của người bại liệt”, “Trò chuyện với những cái cây đã chết”…
Tác giả sắm vai một người kể chuyện, kể một cách thâm trầm mà cũng day dứt về quê hương, về xứ Ai-len xa xôi hay về một chuyến đi không chắc có ngày trở về. Cuối mỗi bài viết còn có phụ lục là một bài thơ của chính tác giả. Đây là lần đầu tiên tác giả dùng cấu trúc này và ông không có ý định lặp lại một lần nữa.
Tại buổi ra mắt sách, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ “Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng” được viết trong khoảng trong 5 hay 7 năm gì đó, ông không nhớ rõ. Những gì ông viết trong cuốn tiểu luận này được viết ra khi ông lang thang trên các miền đất ngoài Việt Nam. Mỗi đoạn văn, có lúc, nhà thơ như là một ông già, có lúc lại như một đứa trẻ thơ chiêm nghiệm những thứ kỳ vỹ mà trên những chặng đường ông qua, ông thấy.
PGS TS, Nhà phê bình văn học Nguyễn Đăng Điệp khi đọc “Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng” đã đúc kết ra rằng: “ Khi đọc sách, tôi nghĩ về giấc mộng, không nghĩ về Nguyên Quang Thiều mà nghĩ về sách, Nguyễn Quang Thiều đã đi giữa hoang tưởng và phân liệt, trang viết của anh xuống tận đáy, nó là điểm khởi đầu và điểm đến, neo giữ Nguyễn Quang Thiều. Tôi nghĩ những giấc mộng này là như thế nào đối với Nguyễn Quang Thiều. Nguyễn Quang Thiều không hẳn viết cho vợ và con, viết cho người thân thuộc mà viết cho cả người ở bên kia chiến tuyến. Tất cả nằm trong điểm quy tụ là nhân tính, tôi tin đây là khởi đầu của những thành công”.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều và họa sĩ Lê Thiết Cương trong buổi giao lưu ra mắt sách |
TS Đỗ Hải Ninh, Trưởng phòng văn học đương đại, Viện Văn học thì bị ám ảnh bởi vẻ đẹp, ám ảnh những số phận con người, trong chiêm nghiệm về cái đẹp của Nguyễn Quang Thiều. Chẳng hạn như thân phận người phụ nữ trong Mùa hoa cải bên sông, hay người thương binh cụt chân không muốn trở lại gia đình mình từ đó toát lên niềm đau khó diễn tả nổi thành lời. “Tiểu luận có chất thơ trong văn xuôi bởi cuối mỗi bài tiểu luận là có một bài thơ. Đây là một sự hô ứng thơ và văn xuôi và chính những bài tiểu luận trong cuốn sách này cũng như một bài thơ”, TS Đỗ Hải Ninh nói.
Trong khi đó, nhà văn Lưu Khánh Thơ nhận xét đúng là có sự hô ứng giữa thơ và văn xuôi trong cuốn sách này, đây là sự liên văn bản nhưng Nguyễn Quang Thiều đã quá tham lam. Dẫn chứng cho sự tham lam của Nguyễn Quang Thiều, nhà văn Lưu Khánh Thơ đưa ra 2 mẩu tiểu luận mà bà thích là mẩu khi nói về cố hương và nói về bà nội. “2 mẩu tôi thích, đó là nói về cố hương và nói về bà, sau mỗi mẩu tản văn có bài thơ, đây là sự liên văn bản, vô cùng phù hợp, bài thơ về cố hương quá hay, tản văn nói về cố hương đã hay như vậy rồi thì không cần phải diễn giải nó bằng thơ nữa và ngược lại. Tôi thấy Nguyễn Quang Thiều phải chăng đã quá tham lam. Nếu anh dừng sự tham lam này ở cuốn này thì được, chứ nếu tiếp tục tham lam theo mạch này, tôi nghĩ sẽ không ổn”.
Nhận xét này của nhà văn Lưu Khánh Thơ khiến nhà thơ Nguyễn Quang Thiều vô cùng tâm đắc. “Đúng là tôi là người quá tham lam, đôi khi thừa thãi, nhưng tôi tin, sự tham lam này chắc chắn chỉ tới một lần không có lần sau nữa”.
Người tự nhận mình là ngoại đạo như hoạ sĩ Minh Trí chia sẻ rằng đọc tiểu luận này, anh cũng đã có ngay ý tưởng sẽ lấy một chương nào đó để làm phim hoạt hình. Anh thích dùng từ ám ảnh khi đọc một tác phẩm của ai đó bởi đó là cảm giác, phẩm chất cần thiết cho những ai làm văn học. Ám ảnh đó có 2 chiều, ám ảnh bởi thực tiễn đời sống, bằng tác phẩm của mình miêu tả sự ám ảnh, ai đạt được coi như thành công. Và đọc tác phẩm này của Nguyễn Quang Thiều, anh đã bị ám ảnh.
T.Lê