Bình Dương là địa phương có nhiều khu công nghiệp lớn nên số lượng người ngoại tỉnh đến làm việc đông đảo.

Thời gian qua, thực hiện Đề án “Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân” và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, sử dụng pháp luật cho công nhân, người lao động, Sở Tư pháp và Hội Luật Gia tỉnh Bình Dương phối hợp với các cơ quan, đơn vị, khu công nghiệp thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật cũng như trợ giúp pháp lý tại các địa bàn huyện, thị, xã, khu công nghiệp.

tiep-can-phap-luat-binh-duong-1.jpg
Một buổi tư vấn, tuyên truyền và giáo dục pháp luật cho công nhân ở Bình Dương.

Các báo cáo viên là các luật gia luôn đổi mới hình thức tuyên truyền để hoạt động tư vấn pháp lý ngày càng đa dạng, phong phú về nội dung và hình thức, thu hút đông đảo người dân tham dự.

Ngoài tư vấn pháp luật trực tiếp tại Văn phòng hội và Trung tâm tư vấn pháp luật, Hội Luật gia đã phối hợp các đơn vị, địa phương tổ chức tuyên truyền cho cán bộ chủ chốt của các phường, xã, người lao động làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Trong năm 2023, Hội Luật gia tỉnh phối hợp với Sở Tư pháp đã tổ chức và tham gia tuyên truyền, tư vấn và hỗ trợ pháp lý, giải đáp thắc mắc cho người dân ở các xã.

Điển hình như tuyên truyền pháp luật lưu động tại xã Minh Tân (huyện Dầu Tiếng), xã An Điền, Khu công nghiệp Mỹ Phước, Khu công nghiệp An Tây (TX Bến Cát), phường Hưng Định (TP Thuận An)… Ba mô hình điểm về tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý là tại TP Thủ Dầu Một và các huyện Phú Giáo, Bắc Tân Uyên.

Phối hợp tổ chức phiên tòa giả định tại phường Tân An, TP Thủ Dầu Một. Đồng thời phối hợp Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức các đợt tư vấn cho hội viên phụ nữ về các vấn đề hôn nhân gia đình, đất đai; đẩy mạnh công tác tư vấn tại chỗ, trợ giúp pháp lý cho đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc, phụ nữ yếu thế, trẻ em vị thành niên.

Ngoài các hình thức truyền thống, hiện nay việc ứng dụng mạng xã hội vào công tác tuyên truyền đã được đẩy mạnh và phát huy hiệu quả, đặc biệt là với đối tượng công nhân, vốn có ít thời gian để tham gia các buổi tuyên truyền pháp luật trực tiếp.

Theo Trung tá Nguyễn Tiến Thiện, Trưởng đồn Công an VSIP (TP Thuận An), nhờ linh hoạt các phương thức tuyên truyền, trong đó chú trọng mạng xã hội mà tình hình vi phạm pháp luật của người lao động trong khu công nghiệp từ đầu năm đến nay đã giảm đáng kể so với cùng kỳ, nhất là các vụ việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lừa đảo trên không gian mạng.

“Cũng hướng đến đối tượng công nhân lao động làm việc tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, Đồn Công an VSIP đã có nhiều cách tuyên truyền linh hoạt, phù hợp với thời gian làm việc, nghỉ trưa của công nhân lao động”, Trung tá Nguyễn Tiến Thiện cho biết thêm.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền pháp luật thời gian qua cũng được Sở Tư pháp tỉnh phát huy tối đa, góp phần tuyên truyền pháp luật, đáp ứng nhu cầu của người dân về tìm hiểu pháp luật.

Theo bà Nguyễn Anh Hoa, Giám đốc Sở Tư pháp, việc ứng dụng công nghệ thông tin gia tăng sự tương tác, trao đổi, chia sẻ thông tin đa chiều giữa cơ quan chức năng và người dân, doanh nghiệp qua hình thức tư vấn pháp luật trực tuyến hoặc hỏi đáp, đối thoại chính sách pháp luật, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm pháp luật.

Với tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh có kết nối Internet ngày càng tăng nên ngoài việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác tuyên truyền thông qua các cuộc thi trực tuyến, các buổi tập huấn nghiệp vụ, hội họp online, Sở còn phổ biến giáo dục pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng để nâng cao hiệu quả tuyên truyền trên địa bàn tỉnh.

Năm 2024, Sở Tư pháp và Hội Luật gia tỉnh Bình Dương sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị chuyên môn tiếp tục chú trọng lồng ghép, kết hợp thực hiện Đề án "Nâng cao năng lực tiếp cận pháp luật của người dân" với các chương trình, kế hoạch, đề án về phổ biến, giáo dục pháp luật và các hoạt động khác có liên quan để sử dụng nguồn lực tiết kiệm, hiệu quả, hợp lý.

Tiếp tục thúc đẩy, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, hình thành thói quen tìm hiểu, sử dụng và tuân theo pháp luật của người dân. Tuyên truyền, triển khai thực hiện Bộ pháp điển điện tử để các cá nhân, tổ chức tra cứu, khai thác và áp dụng hệ thống quy phạm pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Xây dựng, triển khai chương trình bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tuyên truyền viên, báo cáo viên tại cơ sở…

Vân Anh và nhóm PV, BTV