Tận cùng của niềm tuyệt vọng
Sau ngày chồng mất, Quỳnh N. dường như không còn lối thoát, chơi vơi giữa cuộc đời, không biết bấu víu vào đâu. Khoản nợ cũng không biến mất, không thể dễ dàng nằm yên dưới lớp đất để hòa tan cùng cát bụi, thậm chí nó còn được nhân lên đến chóng mặt bởi cách khoản lãi món lời.
Trong những tháng ngày đau khổ đến bế tắc, tuyệt vọng ấy, Quỳnh N. vẫn phải đôn đáo đến từng nhà chủ nợ xin khất, vẫn phải chạy vạy lo toan để trả lãi hàng tháng.
Vốn là một người phụ nữ mạnh mẽ, tự tin, giàu nghị lực. N không bằng lòng với hoàn cảnh, cô tìm cách để vươn lên, để cứu lấy chính mình và đứa con thơ dại. Quỳnh N. mở một công ty riêng với quyết tâm bằng nỗ lực sẽ kiếm tiền trả nợ.
Nhưng trong một chuyến đi công tác dài ngày tại Thành phố Hồ Chí Minh, N. trở ra Hà Nội và bị công an bắt giữ với tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản công dân.
Những cố gắng cuối cùng cũng tiêu tan, con
thuyền độc mộc rơi vào vòng xoáy lao lý của lưới trời. N bàng hoàng trong
đau đớn xót xa: “Thế là hết, tôi đã mất cả gia đình tan nát, công danh sự
nghiệp cũng tiêu tan và cái mất lớn hơn tất cả đó là lòng tin của mọi người
bấy lâu nay dành cho tôi. Cái giá trị con người mà cả cuộc đời tôi sẽ không
lấy lại được”.
Sáu tháng sau khi chồng mất, Quỳnh N. bước chân vào trại giam Hỏa Lò, bỏ lại
sau lưng đứa con trai mới chỉ lên ba. Cánh cửa sắt trại giam lạnh lùng đóng
lại tất cả: ước mơ, hoài bão, gia đình, sự nghiệp.
Cô nhận ra tất cả sự đổ vỡ của thế giới xung quanh. Cứu chồng, cố vớt vát hạnh phúc mà mình xứng đáng được hưởng. Nhưng Quỳnh N. không hiểu rằng đó cũng là khi bóng đêm tù mù quái đản vây bọc. Cô kiên quyết dành dật lại từ đầu, mà không hề biết rằng lòng tự tin mù quáng đã chứa đựng trong nó muôn vàn nỗi hiểm nguy, sự ảo tưởng…
Quỳnh N. (thứ 2 từ phải sang) trong trại giam (Ảnh: lucbat) |
Đã tưởng như không còn gì để mất nữa, thì giữa bế tắc hoang mang, Quỳnh N. nhận được tin mẹ mất, vì căn bệnh ung thư: “Còn nỗi đau nào hơn thế nữa? Tôi gào lên, tôi không tin, tôi không tin, tôi cần sự che chở của mẹ, cần vòng tay của mẹ. Thế là từ đây chỉ còn lại mình tôi trên đường đời đầy sỏi đá. Tôi sẽ sống sao đây khi mẹ - người đã sinh thành ra tôi, nuôi nấng tôi đã mất. Khi chồng tôi – người đã yêu tôi trọn vẹn con tim không còn, tất cả đã rời xa tôi. Bỏ lại tôi một mình bơ vơ trên đường đời đầy chông gai”.
Khi nỗi đau mất mẹ chưa kịp nguôi ngoai thì mặt đất dưới chân N. lại thêm một lần nữa sụp đổ. N nhận bản án chung thân cho tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản công dân. Không đứng vững được nữa, N. ngất đi trong nỗi xót xa ân hận.
“Đứng trước vành móng ngựa, nghe phán quyết
của tòa, tôi cảm nhận được ánh mắt của những người bị hại nhìn tôi nửa như
xót xa, thương cảm, nửa như trách móc. Tôi nhớ mẹ, nhớ chồng, nhớ con. Nỗi
nhớ như cào xé tâm can, dồn nén. Tôi tưởng tượng mình không chống đỡ nổi.
Mọi thứ như nổ tung vỡ vụn thành ngàn mảnh. Những mảnh vỡ đang cứa vào da
thịt tôi nhói buốt”.
Trong trại giam bao lâu, là bấy nhiêu đêm dài Quỳnh N. nằm khóc. Nỗi nhớ con
cồn cào gan ruột, thương cho bố mẹ, và chua xót cho chính bản thân mình. N
nhớ chồng, người đàn ông đã đem đánh cược hạnh phúc của cô trong những canh
bạc đỏ đen.
N đã yêu anh, hi sinh vì anh, không một lời
oán thán, đầy cam chịu, cao thượng. “Tôi chưa bao giờ trách giận anh, dù anh
chính là nguồn cớ đưa đẩy cuộc đời tôi đến bên bờ vực thẳm với bao nỗi khổ
đau đè nén. Vì vậy, cho dù thế nào anh vẫn là người đàn ông tôi đã yêu, đã
dành trọn vẹn một kiếp người và anh mãi là bố của con trai tôi”.
Đứa con trai bé bỏng, ngày N. bị bắt mới chỉ có ba tuổi, giờ đây nó đã bắt
đầu đến lớp. Nhìn bàn tay nhỏ xíu của con ngày nào ôm di ảnh của bố, giờ đặt
lên tấm kính ngăn lau nước mắt trên má mẹ, lòng N. đau buốt.
N. thèm được được ôm lấy con, hôn lên má con, xiết chặt con vào lòng như sợ nó sẽ vuột khỏi tay mình.
“Tôi nghe tìm mình nhói đau, nghẹn lại. Con
tôi nói với tôi rằng: Mẹ đừng khóc. Con không khóc đâu. Con nhớ mẹ lắm. Bà
nội bảo mẹ đi đóng phim Cảnh sát hình sự. Khi nào đóng phim xong mẹ về với
bố con đi chơi nhé”.
Lời con trẻ vừa ngô nghê, vừa thương, lại vừa xót xa, buồn tủi…
Nơi khát vọng được hồi sinh
Phiên tòa phúc thẩm phạm nhân Nguyễn Quỳnh N. diễn ra đầy xúc động. Người
đứng ra bào chữa cho N. không ai khác lại chính là một nạn nhân của cô.
Người phụ nữ tên Hồng đã bỏ cả công việc bay
từ Đức về, chỉ để chia sẻ những điều gan ruột, mong tòa xem xét giảm án cho
người đã rắp tâm “lừa” mình. Từng lời của ân nhân đã ghim sâu vào trí nhớ
của N., như một bài học lớn nhất, sâu sắc nhất, về sự bao dung nhân ái của
con người.
Có lẽ, cả cuộc đời này N. sẽ không bao giờ quên được những lời nói ấy, người
phụ nữ ấy - “người phụ nữ mà sau này dù nghèo hay giàu tôi cũng sẽ tìm gặp
để nói lời xin lỗi – lời xin lỗi muộn màng nhưng chứa đựng cả sự biết ơn –
cái ơn cả cuộc đời còn lại tôi trả không hết’”.
20 năm tù là bản án cuối cùng dành cho những lỗi lầm mà N. gây ra. Dù đã
thoát án chung thân, dù biết mình vẫn còn may mắn khi vẫn nhận được tin yêu
của mọi người. Nhưng 20 năm có lẽ là khá dài cho một đời người, nhất là ở
đây lại là một người phụ nữ xinh đẹp. Cộng thêm cái nắng cái gió vốn đã quá
khắc nghiệt của mảnh đất miền Trung, nỗi hoang mang vẫn thường xuyên bao vây
lấy N.
“Tôi sẽ nở một nụ cười vào mỗi buổi sáng để đón bình minh tương lai phía trước tràn ngập niềm vui..." (Ảnh: ngoisao.net) |
Trong tự truyện, N. viết: “Có khi tôi như ngồi trên đống lửa, chỉ cần thêm một chút nỗi đau nữa thôi, tôi sẽ gục ngã, sẽ rơi vào đáy vực sâu thẳm mù khơi. Tôi muốn gào lên để xé toang khoảng trời đen tối mà tôi buộc phải đối mặt và băng qua. Một ngày, hai ngày rồi ba ngày…
Tôi không biết mình đã đếm bao nhiêu ngày như
thế. Chỉ biết rằng tôi đã phải sống giữa muôn trùng con sóng dữ dội trào
dâng trong lòng. Khắc khoải, xót xa, đau khổ và nuối tiếc”.
Và rồi trong những giây phút hoang mang, lo lắng đó, Quỳnh N. nghĩ tới đứa
con trai bé bỏng với đôi mắt ngấn lệ và đôi tay bé xiu, tới linh hồn người
chồng rất mực yêu thương, nghĩ tới bố mẹ chồng với đôi mắt hõm sâu và đặc
biệt hơn cả là sự bao dung, nhân ái mình đã được nhận. N lại khao khát sống,
khao khát vươn lên, để thêm một lần hồi sinh từ trong tuyệt vọng.
Quỳnh N. chọn cách nhìn vào sự thật và bình tĩnh chấp nhận mọi chuyện như nó
vốn thế để đối mặt với mọi sóng gió. Cô không để mình gục ngã.
Từng ngày một, N. tìm lại chính mình, và tìm
lại sự sống cho riêng mình. Cô tin câu nói của một nhà văn nào đó: Sự sống
nảy sinh từ trong cái chết, hạnh phúc hiện hình từ trong đau thương và gian
khổ.
Cuộc sống đã xô đẩy làm bước chân cô lạc lối. Giờ đây, N. đang phải trả giá
cho những việc làm của mình. Cô đang đi tiếp những thử thách và trả giá,
bằng niềm tin và khát vọng sống chính cô tự nhen lên.
Có lẽ, phải mất một thời gian khá dài nữa mới
có hi vọng trở về, nhưng Quỳnh N. đã sống xứng đáng với cái tên ông ngoại
đặt cho, xứng đáng với hi vọng và tin yêu mọi người đặt vào bông hoa trong
đá xinh đẹp.
“Tôi sẽ nở một nụ cười vào mỗi buổi sáng để đón bình minh tương lai phía
trước tràn ngập niềm vui. Tình yêu và hạnh phúc. Nơi cuối con đường hầm tăm
tối tôi đi vẫn có một ngọn đèn chiếu sáng cho những bước đi của tôi, để rồi
một ngày nào đó vừng đông sẽ tỏa sáng không còn le lói nữa. Một ngày nào đó
tôi sẽ lại được đi trên lối mòn của hạnh phúc tôi đã từng đi” – N. khat
khao.
N. đã viết những dòng như thế, về chính cuộc đời mình, phía sau song sắt trại giam Hỏa Lò, vào những ngày trời trong xanh, và ánh mặt trời sau bao ngày u ám, chợt bừng lên rạng rỡ…
Vân Anh – Hoàng Sang