- Để con gái có môi trường học tiếng Anh tốt nhất, cách đây một năm, gia đình anh Hoàng và chị Hiền quyết định đưa con từ Nghệ An lên Hà Nội để được học thầy giáo nước ngoài và được nói chuyện với du khách ở Bờ Hồ mỗi tối cuối tuần. Ở Hà Nội, chị Hiền bán hoa quả trên vỉa hè chợ Đồng Xuân để kiếm sống.

{keywords}
Chị Hiền và bé Ly trong căn phòng trọ. Ảnh: Nguyễn Thảo

Tương lai của con xứng đáng mọi sự đầu tư

Cô bé Võ Thị Khánh Ly (học sinh lớp 4 Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, Hai Bà Trưng, Hà Nội) là con gái duy nhất của anh Võ Tá Hoàng và chị Nguyễn Thị Hiền. Anh Hoàng hiện đang là giáo viên môn Tin học ở Trường THCS Phú Sơn, Tân Kỳ, Nghệ An. Chị Hiền từng tốt nghiệp Trường CĐ Sư phạm Đà Nẵng. Ra trường, chị dạy môn Thể dục ở Đắk Lắk 2 năm. Lấy anh Hoàng, chị chuyển về quê dạy hợp đồng với mức lương 1,5 triệu đồng/ tháng. Cách đây 4, 5 năm, thấy không thể bám trụ với nghề, chị nghỉ dạy.

Gia đình nhà nội ở TP. Vinh, Nghệ An, nhưng ngôi trường mà anh Hoàng công tác là một trường miền núi ở Tân Kỳ, cách TP. Vinh 100km. Không thể về nhà sau mỗi buổi dạy, anh ở trong ký túc của trường đã 14 năm nay. Khó khăn là thế, nhưng bằng mọi giá, anh chị cho con học hành đầy đủ để thay đổi tương lai. 

Từ lúc con 5 tuổi, chị Hiền đã cho tiếp xúc với tiếng Anh. Khi còn ở Vinh, chị chở con tới trung tâm tiếng Anh cách nhà 7-8km để đi học. Chị nói, chị chỉ muốn con gái không phải vất vả như bố mẹ.

{keywords}
Những lần Ly trò chuyện với người nước ngoài ở Bờ Hồ đều thu hút đám đông xung quanh. Ảnh: NVCC

Sau một thời gian, anh chị nhận thấy con gái yêu thích và có năng khiếu về ngôn ngữ. Nhưng môi trường ở quê không được tiếp xúc, thực hành tiếng Anh với người nước ngoài, chị sợ khả năng của con sẽ bị thui chột. Anh chị quyết định đưa con lên Hà Nội theo học Trường Tiểu học Võ Thị Sáu.

Chị Hiền kể: “Ở trường, mỗi tuần có 3 tiết tiếng Anh thì có 2 tiết cháu được học tiếng Anh với thầy cô nước ngoài, còn 1 tiết học với giáo viên Việt Nam. Ngoài ra, cứ tối cuối tuần, thậm chí có tuần 2, 3 buổi, tôi đưa cháu lên Bờ Hồ để nói chuyện với du khách. Con bé bắt chuyện với họ rất tự nhiên. Nhiều người khen cháu nói tốt, mình cũng cảm thấy rất vui”.

Clip: Bé Ly giới thiệu về bản thân và gia đình mình bằng tiếng Anh

Clip: Ly giảng một bài học trong sách tiếng Anh lớp 4

Thời gian đầu lên Hà Nội, chị còn cho con đi học tiếng Anh ở một trung tâm có tiếng, nhưng sau thấy mất nhiều thời gian đi lại, cộng với việc bé Ly có khả năng tự học rất tốt nên chị cho cháu nghỉ. Hiện tại, ngoài giờ học trên lớp và thực hành giao tiếp ở Bờ Hồ, Ly thường xuyên vào các trang dạy tiếng Anh, YouTube để tự học. 

Không những thế, Ly còn tự quay hoặc nhờ mẹ quay clip giảng bài bằng tiếng Anh để “up” lên YouTube cho các bạn xem. “Năm nay cháu mới vào lớp 4 nhưng đã tự học hết cuốn sách tiếng Anh lớp 4 rồi” – chị Hiền khoe.

Mỗi lần đưa con lên Bờ Hồ luyện tiếng Anh, dù không hiểu gì, chị vẫn rất chăm chú nghe con nói chuyện với người nước ngoài. Những cuộc trò chuyện của bé Ly đôi khi thu hút rất nhiều người xung quanh đứng lại lắng nghe, phần vì tò mò phần vì nể phục cô bé.

Ở lớp, không chỉ nổi trội ở môn tiếng Anh, Ly còn học tốt và học đều các môn học khác. “Mỗi lần họp phụ huynh, cô giáo đều khen con bé thông minh, lanh lợi” – chị Hiền chia sẻ.

Mơ ước lớn của gia đình nhỏ

{keywords}
Căn phòng khoảng 20m2 của hai mẹ con chị Hiền. Ảnh: Nguyễn Thảo

Chị Hiền sinh năm 1980, nhưng có lẽ cuộc sống vất vả khiến chị trông già hơn số tuổi của mình. Trò chuyện với chị trong căn phòng rộng chừng 20m2 mới thấy sự hi sinh và đầu tư của anh chị cho việc học hành của con đáng quý đến nhường nào.

Mỗi sáng, chị dậy từ 3h sáng để đi lấy hàng ở chợ đầu mối Long Biên. Về đến nhà khoảng 5h sáng, chị gọi con gái dậy ăn sáng rồi ra ngồi bán hàng với mẹ đến khoảng 7h. Chị đưa con đi học, rồi lại về bán đến 5-6h chiều. “Có những hôm phía trước chở hàng, phía sau chở con” – bà mẹ này kể.

{keywords}
Chiếc bảng Ly vẫn thường dùng để học bài. Bài học hôm nay của em là 12 cung hoàng đạo. Ảnh: Nguyễn Thảo

Ngôi trường bé Ly theo học nằm ở một trong những quận đắt đỏ nhất nhì Hà Nội, nhưng để tiện đưa đón con, chị phải thuê một căn phòng cách trường 2-3km với giá 3 triệu đồng/tháng. Chị nói, những chỗ chỉ 500 nghìn – 1 triệu cũng có, nhưng nó quá chật chội và bẩn, không thể đảm bảo cho con ăn ngủ ở mức tối thiểu, nên chị vẫn cắn răng thuê căn phòng này.

Chồng chị - anh Hoàng với thâm niên 14 năm dạy ở trường miền núi nhưng mức thu nhập chỉ có 5 triệu đồng/tháng. Cộng với số tiền lãi hôm được hôm không của chị từ gánh hoa quả, rau củ, cuộc sống của gia đình chỉ đủ ăn và lo cho con học. Gánh hàng của chị nằm trên vỉa hè nhưng mỗi tháng phải trả 2 triệu tiền phí ngồi. “Nói thật, ăn thì không đến mức thiếu, nhưng rủi mà con ốm đau thì cũng chạy vạy lắm. Bán hàng thì như đi câu, hôm được hôm không. Dạo này có lẽ vào đầu năm học phải lo tiền đầu năm nên người ta mua bán ít, hàng của chị ế hẳn”.

{keywords}
Ngoài giờ học trên lớp và cuối tuần ra Bờ Hồ luyện giao tiếp, Ly tự học tiếng Anh ở nhà bằng chiếc máy tính bảng. Ảnh: Nguyễn Thảo

Để đầu tư cho con gái, gia đình chị phải sống ly tán. Khoảng 2, 3 tháng, thậm chí đến 4 tháng, vợ chồng con cái mới gặp nhau một lần. Những khó khăn, vất vả ấy, anh chị vẫn sẵn sàng chấp nhận, chỉ mong con gái có nhiều cơ hội giáo dục hơn. Những trăn trở và khó khăn ấy cũng khiến chị e dè và bối rối mỗi khi có ai hỏi chị “sao không sinh thêm bé nữa”. Chị bảo, đầu tư cho một đứa đã vất vả như vậy, sợ không nuôi nổi đứa thứ hai.

Khi được hỏi về ước mơ, bé Ly trả lời: “Cháu muốn đi du học ở nước Mỹ và làm bất cứ công việc gì được nói tiếng Anh”. Mơ ước cả đời của anh Hoàng và chị Hiền có lẽ cũng không nằm ngoài điều đó.

  • Nguyễn Thảo