- Vào khoảng 8h sáng 10/7, tại KCN Cẩm Điền - Lương Điền (huyện Cẩm Giàng, Hải Dương), một người phụ nữ đã bị chiếc máy xúc chèn qua người khi đang cùng một số người dân ngăn cản chiếc máy xúc vào công trường thi công.  

Nạn nhân ngay sau đó được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương trong tình trạng nguy kịch.

{keywords}
Hình ảnh hiện trường vụ việc

Trước sự việc trên ông Nguyễn Văn Công - phó chủ tịch UBND huyện Cẩm Giàng xác nhận, người phụ nữ bị máy xúc chèn qua là bà Lê Thị Châm (54 tuổi, trú ở thôn Hoàng Xá, xã Cẩm Điền, tỉnh Hải Dương). 

Theo người dân cho biết, vào sáng 10/7, nhiều hộ dân có ruộng bị thu hồi làm dự án khu công nghiệp Cẩm Điền - Lương Điền đã tụ tập để phản đối việc bồi thường ruộng không thỏa đáng.

Bà Lương Thị Miền, trú tại thôn Hoàng Xá cho biết: “Chúng tôi đang đứng trước máy xúc để phản đối việc đưa máy móc vào công trường thi công. Khi vừa cúi xuống cô Châm bị chiếc máy xúc đụng trúng người, làm gãy 2 xương bả vai, xương mặt, chảy máu...”

Theo người dân, gần một tháng nay, nhiều hộ dân có ruộng bị thu hồi làm dự án khu công nghiệp (KCN) Cẩm Điền – Lương Điền đã tụ tập tại đây để đòi tiền bồi thường bởi theo họ mức giá đang áp dụng là quá thấp.

{keywords}
Chiều 10/7, còn nhiều người dân tụ tập tại hiện trường thi công dự án


Được biết từ chiều 9/7, chủ đầu tư khu công nghiệp này là VSIP đã đưa máy móc vào thi công nhưng bị người dân cản trở. Đến sáng ngày 10/7 đơn vị thi công do VSIP thuê tiếp tục đưa máy móc vào thì người dân tập trung đông phản đối, giữa hai bên xảy ra xô sát... 

Theo tìm hiểu được biết, ban đầu dự án do Công ty TNHH Phúc Hưng làm chủ đầu tư nhưng sau đó đã chuyển giao cho Công ty CP Phát triển đô thị và KCN Việt Nam – Singapore (VSIP) vào tháng 4/2015. Dự án khởi công từ năm 2008 với tổng diện tích quy hoạch là hơn 208 ha, trong đó khu vực nhà máy rộng gần 184 ha nhưng đã điều chỉnh giảm còn 150 ha do gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng.

Trong tổng số gần 1.500 hộ dân có ruộng đất bị thu hồi, hiện chỉ còn 115 hộ chưa nhận tiền đền bù, trong đó có 56 hộ không nhận tiền, không nhận ruộng, đòi trả lại ruộng cũ.

“Ngoài số tiền đền bù ruộng theo mức giá 65.000 đồng/m2, UBND tỉnh Hải Dương đã có chính sách đất 5% để hỗ trợ thêm bà con mất ruộng nhưng bà con lại đòi “chốt” giá đền bù phải là 250 triệu đồng/sào. Chúng tôi đã vận động, giải thích rằng đòi hỏi này là không đúng theo quy định nhưng vẫn chưa thuyết phục được bà con ”, vị phó chủ tịch huyện Cẩm Giàng cho biết.

Nhị Tiến