Chị Nguyễn Thị Ngân, 30 tuổi ở Nghệ An bị dị tật đường mật bẩm sinh, từng được nối mật ruột từ năm 4 tuổi. Năm 18 tuổi, chị tiếp tục được mổ lấy sỏi tại một bệnh viện ở Hà Nội.

Suốt 12 năm qua, chị Ngân ăn uống, sinh hoạt hết sức giữ gìn với hy vọng sỏi không tái phát. Tuy nhiên gần đây chị thường xuyên thấy đau bụng, sút cân, thi thoảng sốt từng cơn rét run.

{keywords}

Hình ảnh nhiều viên sỏi trong gan bệnh nhân, viên lớn nhất 5 cm

Khi đến bệnh viện thăm khám, bác sĩ phát hiện toàn bộ đường mật trong gan 2 bên có rất nhiều sỏi, viên to nhất kích thước 5 cm, chỉ định cần mổ để lấy sỏi.

Do sợ mổ mở, chị Ngân đến Bệnh viện Đại học Y Hà Nội thăm khám lại. ThS.BS Phan Nhân Hiển, khoa Chẩn đoán Hình ảnh, Bệnh viện Đại học Y cho biết, chị Ngân là trường hợp có sỏi trong gan to nhất từ trước tới nay tới viện khám. Ở người bệnh thông thường, kích thước sỏi trong gan chỉ 1-2 cm, trong khi bệnh nhân này to gấp nhiều lần, lấp đầy đường mật.

Sau khi hội chẩn liên khoa, bác sĩ quyết định tán sỏi qua da bằng laser. Đây là phương pháp can thiệp xâm lấn tổi thiểu, giúp bệnh nhân tránh được cuộc mổ mở, thời gian hồi phục nhanh hơn.

Đây là kĩ thuật đã được bệnh viện thực hiện thường quy từ 2018 đến nay, áp dụng trên 300 bệnh nhân.

Theo đó, bác sĩ chỉ cần rạch 2 lỗ nhỏ 4 mm để đi vào, tuy nhiên cũng có những bệnh nhân chỉ cần rạch 1 lỗ, cá biệt phải tạo 3 lỗ. Tuy nhiên, tất cả đều chỉ gây tê, giảm đau tại chỗ nên bệnh nhân vẫn tỉnh táo, nói chuyện bình thường trong suốt thời gian can thiệp.

Trực tiếp can thiệp cho bệnh nhân, BS Hiển cho hay, thời gian tán sỏi qua laser chỉ mất 2-3 giờ. Sau lấy sỏi, bệnh nhân có thể ăn được ngay và hầu hết có thể ngồi dậy đi lại được sau 1-2 ngày.

Sau mổ laser, chị Ngân đã sạch sỏi trong gan, được xuất viện và hẹn lịch tái khám sau 6 tháng.

{keywords}

Sỏi được tán nhỏ trước khi lấy ra 

Theo BS Hiển, khả năng tái phát sỏi trong gan của phương pháp này tương đương phẫu thuật, phụ thuộc vào tình trạng chuyển hóa, chế độ ăn sinh hoạt của bệnh nhân, thành đường mật…

Sỏi đường mật là bệnh lý khá phổ biến, chỉ sau sỏi thận. Trung bình mỗi năm, các bác sĩ gặp hàng trăm ca sỏi đường mật trong gan và sỏi ống mật chủ, đa số có thể áp dụng tán sỏi mật qua da bằng laser.

Biểu hiện đầu tiên của bệnh nhân là đau bụng. Nếu bệnh nhân có tắc mật sẽ có thêm biểu hiện vàng da, sốt, chán ăn.

Sỏi đường mật nếu không được phát hiện, điều trị sớm có thể gây viêm đường mật mạn tính. Khi đó, việc điều trị phục hồi khó, bệnh nhân hay bị tái phát sỏi, xơ gan mật, thậm chí có nguy cơ hình thành ung thư.

Để phòng bệnh, bác sĩ khuyên người dân ăn chín uống sôi, tập thể dục đều đặn để dịch mật lưu thông tốt xuống ruột và nên định kỳ siêu âm gan mật.

* Tên bệnh nhân đã được thay đổi.

Thúy Hạnh

 

Người đàn ông có cả trăm viên sỏi thận vì thói quen ăn khuya

Người đàn ông có cả trăm viên sỏi thận vì thói quen ăn khuya

Mỗi tuần, người đàn ông 32 tuổi có thể ăn tới 5 bữa thịt nướng, uống bia bởi đó là món khoái khẩu của anh.